Hiện thực hóa mục tiêu đóng góp 80% GDP

Liệu khối doanh nghiệp (DN) tư nhân có thể đóng góp 80% GDP của nền kinh tế và làm thế nào để mục tiêu này trở thành hiện thực? Trước câu hỏi này tại Diễn đàn Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp (do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức tại Hà Nội ngày 18-6), câu trả lời từ nhiều chuyên gia và đại diện DN là “có thể chứ”, nếu như…

Chúng ta đã biết, khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm cả DN và hộ kinh doanh) hiện đóng góp khoảng trên 40% GDP và tỷ trọng này đang ngày càng tăng. Nếu thống kê đầy đủ khu vực kinh tế phi chính thức (không kể phần bất hợp pháp), ước khu vực này đang đóng góp khoảng 50% GDP cho nền kinh tế. Vươn lên tỷ trọng 80% là một thách thức lớn, nhưng theo nhiều chuyên gia, không phải là mục tiêu bất khả thi, bởi không khó để nhìn thấy dư địa còn rất lớn.

Đó là số lượng DN bình quân còn thấp (các quốc gia có nền kinh tế phát triển bình quân 10-12 người dân đã có một DN, tỷ lệ này ở khối các nước ASEAN là 80-100 dân; trong khi ở Việt Nam bình quân khoảng 250 người dân mới có một DN). Đồng thời, hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN Việt Nam cũng còn khiêm tốn.

Ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhận định, vấn đề chính là hiệu suất sử dụng nguồn lực. Lâu nay nhiều đặc điểm của DN Việt Nam, với trên 97% là DN nhỏ và vừa (DNNVV), đã được phân tích, bình luận, nhưng có lẽ đều chưa chạm vào điểm căn bản nhất. Quy mô nhỏ (cả về vốn và số lao động) hay tỷ lệ trụ lại được trên thương trường thấp không phải là nhược điểm riêng của các DN Việt Nam. Ở một thị trường phát triển, như Mỹ, quy mô của các DNNVV cũng thực sự nhỏ, nhưng họ không hề yếu. Còn tỷ lệ rời khỏi thương trường sớm thì nhiều nền kinh tế thị trường phát triển (như Vương quốc Anh, Na Uy, Hồng Công, hay thậm chí quốc gia đang đứng vị trí số 1 về môi trường kinh doanh như New Zealand) cũng rất cao.

Điểm yếu chủ quan của khối DNNVV Việt Nam, theo ông Nguyễn Hoa Cương, nằm ở khả năng liên kết và ý chí vươn lên làm ăn lớn. Ông Cương kể, có lần, lãnh đạo một DN thuộc loại “có số má” về kinh doanh bất động sản, du lịch nghỉ dưỡng với quy mô dự án dự kiến lên tới hàng ngàn ha đã hỏi ông, liệu có chính sách ưu đãi gì cho DN không. Đáng nói là điểm “đặc biệt” để DN này hy vọng nhận được sự đối xử đặc biệt, là các dự án của họ có chủ đề xoay quanh… một loài hoa! “DNNVV phải có ý chí lớn thì mới có thể thành công và đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế. Một DN đã có thể làm dự án lớn đến thế mà vẫn trông chờ vào ưu đãi thì thật đáng buồn”, chuyên gia này thẳng thắn nhận xét.

Một vấn đề khác cũng rất đáng lưu ý là sự thích ứng của DN Việt Nam trong trào lưu phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số. Với dân số gần 100 triệu người, trong đó có hơn 64 triệu người dùng internet, hơn 130 triệu thuê bao di động, hơn 3.000 DN đổi mới sáng tạo, nhiều DN thành công trong các ngành công nghệ thông tin, phần mềm, ứng dụng công nghệ số... Việt Nam đang được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng lớn để phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, đến năm 2018, tỷ trọng của thương mại điện tử trong tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam chỉ chiếm 4,6%, một tỷ lệ rất nhỏ so với mức trung bình của khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 14,5%, cho thấy dường như các DN Việt Nam vẫn chưa khai thác hiệu quả “mỏ vàng” này.

Trong khi đó, với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão hiện nay, rất có thể thị trường sẽ sớm xuất hiện thêm những mô hình mới tiên tiến hơn. Nếu không muốn lỡ chuyến tàu 4.0, các DN Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới, kiên quyết “khai tử” những yếu tố không còn phù hợp để phát triển nhanh hơn.

Nhìn nhận từ góc độ khách quan, rất nhiều quy định tiến bộ trong Luật Hỗ trợ DNNVV, trong đó có chính sách ưu đãi thuế, mặc dù đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018, đến nay vẫn chưa được thực thi, do Bộ Tài chính chưa hoàn thành, trình Quốc hội sửa đổi các văn bản pháp quy về thuế. Nhiều quy định khác thì chỉ có thể phát huy tác dụng khi có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, song bên cạnh các địa phương “tích cực” như Thừa Thiên - Huế, TPHCM hay Đà Nẵng, vẫn còn có những nơi rất chậm trễ trong xây dựng và triển khai Đề án hỗ trợ DN.

Bên cạnh đó, loại trừ nguyên nhân do điều chỉnh phương pháp thống kê, chuẩn hóa số liệu (nhằm loại bỏ các doanh nghiệp đã thành lập từ rất lâu nhưng không còn hoạt động), cũng như năng lực nội tại của DN còn yếu, có thể thấy môi trường đầu tư kinh doanh vẫn tồn tại những hạn chế, nên số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường năm 2018 và 5 tháng đầu năm nay rất cao. Trong năm 2018, các bộ, ngành đã cắt giảm 6.776/9.956 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm 3.346/6.191 điều kiện kinh doanh; thế nhưng - nói như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, có rất nhiều trường hợp “giảm 1 thêm 3” bằng cách cài cắm điều kiện kinh doanh trá hình vào các văn bản dưới luật.

Cũng không thể không lưu ý, điều kiện kinh doanh mới chỉ là rào cản ban đầu khi DN “chân ướt chân ráo” bước vào sản xuất kinh doanh. DN còn phải đương đầu với vô vàn thử thách khác, từ tiếp cận vốn, thủ tục tài chính - thuế, thanh tra, kiểm tra dày đặc cho đến sự nhũng nhiễu, vòi vĩnh của một bộ phận cán bộ, công chức biến chất…

Chính vì vậy, được hỏi cảm nghĩ cá nhân về các từ khóa mà Thủ tướng nêu ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại cuộc gặp gỡ mới đây với Ban chấp hành trung ương Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam, gồm “bình đẳng”, “được bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội”, một doanh nhân có tên tuổi nói với phóng viên Báo SGGP, ông trông đợi hơn cả ở 2 từ khóa: “bình đẳng” và “được bảo vệ”.

“Có thể ví như khi người mẹ sinh ra một em bé khôi ngô, đó là điều kiện thuận lợi ban đầu, nhưng quá trình nuôi dưỡng và giáo dục sau đó mới là yếu tố quyết định chàng trai hay cô gái đó trong tương lai sẽ lớn lên và đóng góp như thế nào cho cộng đồng”, doanh nhân này nhấn mạnh.

Sự khích lệ và trao cơ hội đã có và đó chính là những dấu ấn quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ này, thể hiện qua việc thủ tục gia nhập thị trường đã dễ dàng hơn rất nhiều đối với DN.

Tin cùng chuyên mục