Hiện thực hóa giải pháp phát triển công trình xanh

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, phát triển công trình xanh (CTX) được xem là hướng đi rõ rệt nhất để nâng cao chất lượng các công trình xây dựng cũng như đáp ứng nhu cầu sống chất lượng cao cho người dân.

Số lượng còn khiêm tốn

Theo Bộ Xây dựng, trong 10 năm qua, số lượng CTX của Việt Nam hiện mới đạt khoảng trên 200 công trình với tổng diện tích trên dưới 6 triệu m2 sàn xây dựng. Con số này quá khiêm tốn so với số công trình được xây dựng, đưa vào hoạt động. So với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á, số lượng CTX của Thái Lan hiện gấp đôi Việt Nam, riêng Singapore hiện có 4.000-5.000 công trình.

Theo Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, việc đầu tư, phát triển CTX hiện vẫn còn nhiều hạn chế như chưa có hướng dẫn cụ thể của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về trình tự, thủ tục đánh giá, chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Quá trình nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các sản phẩm, vật liệu tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường chủ yếu đến từ nỗ lực tự thân của một số doanh nghiệp; chưa có chương trình, hoạt động lớn cụ thể mang tính rộng rãi, toàn diện của nhà nước để khuyến khích, thúc đẩy lĩnh vực này. Trong khi đó, nhận thức của một số chủ đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, phân phối, người sử dụng về sản phẩm, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường... còn hạn chế.

Hiện thực hóa giải pháp phát triển công trình xanh ảnh 1 Phát triển công trình xanh góp phần giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường

Ở góc độ nhà sản xuất, phân phối các sản phẩm, vật liệu xây dựng thân thiện môi trường, ông Trần Quang Hưng, Giám đốc Phòng Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty CP Eurowindow, cho biết, mặc dù Chính phủ đã đưa ra thông điệp khuyến khích sản xuất vật liệu xanh, thân thiện với môi trường, nhưng doanh nghiệp vẫn gặp khó vì chưa có chính sách cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp có liên quan đến chuỗi giá trị tạo ra CTX.

Bên cạnh đó, nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, đa phần mọi người nghĩ rằng, làm CTX chi phí đầu tư sẽ tăng rất nhiều; việc chứng minh những giá trị cốt lõi của vật liệu xanh, CTX mang lại cho công trình đòi hỏi thời gian kiểm chứng, thẩm định, không phải một sớm một chiều, điều này rất cần sự thay đổi tư duy, nhận thức từ chủ đầu tư đến người sử dụng. 

Cũng theo ông Trần Quang Hưng, đồng hành cùng Chính phủ trong việc thực hiện cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc năm 2021 (COP26), Eurowindow đang từng bước ứng dụng công nghệ 4.0 hướng tới xây dựng nhà máy sản xuất thông minh, nhằm tối ưu năng suất, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải trong quá trình sản xuất.

Mục tiêu của Eurowindow là mang đến các giải pháp vật liệu xây dựng xanh, tiết kiệm năng lượng, tối ưu hiệu quả, giảm chi phí đầu tư, chi phí vận hành, tăng tính tiện nghi cho các công trình.

Cần hành lang pháp lý rõ ràng

Để thúc đẩy phát triển rộng rãi CTX, TS Nguyễn Quang Hiệp, Phó Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, kiến nghị, các bộ, ngành có liên quan cần bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý (thông tư hướng dẫn cụ thể về chứng nhận nhãn sinh thái, nhãn năng lượng và các thông tư hướng dẫn chi tiết về ưu đãi tài chính, tín dụng) và hành lang kỹ thuật (quy chuẩn, tiêu chuẩn) liên quan đến CTX, vật liệu xanh.

Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cần chủ động, sáng tạo, áp dụng công nghệ sản xuất mới của các nước tiên tiến trên thế giới để đạt hiệu quả tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm. Bên cạnh đó, các chủ thể tham gia quá trình đầu tư xây dựng và sử dụng công trình (chủ đầu tư, nhà tư vấn, người sử dụng) cần thay đổi nhận thức, hướng đến việc sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. 

Theo TS-KTS Lê Thị Hồng Na, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển sản phẩm, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang, thực tế khi đầu tư, xây dựng các CTX của công ty cũng gặp khó khăn như phải tuyên truyền kiên trì, bền bỉ để người sử dụng biết lợi ích của CTX; vốn đầu tư CTX tăng cao cũng là một trở ngại trong quá trình đầu tư, cần sự chung tay, chia sẻ của các đối tác.

Ngoài ra, nhà nước cũng chưa có hình thức hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển CTX... Để CTX phát triển hơn nữa, TS-KTS Lê Thị Hồng Na đề xuất cơ quan chức năng hỗ trợ cụ thể cho nhà đầu tư về vốn vay, giảm thuế sử dụng đất; có chính sách phát triển vật liệu xanh, vật liệu thân thiện môi trường. 

Chia sẻ về CTX, KTS Trần Khánh Trung, chuyên gia tư vấn Hội đồng Công trình xanh Việt Nam, cho rằng, Việt Nam cần khảo sát, tổng kết, đánh giá quy mô toàn quốc về thực tiễn phát triển CTX hiện nay với những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; từ đó đề ra mục tiêu, chính sách mới phù hợp. Bên cạnh việc đẩy mạnh khuyến khích và hỗ trợ các chủ đầu tư CTX, cơ quan chức năng cần chế tài đối với các doanh nghiệp không thực hiện đầu tư, xây dựng công trình theo tiêu chí xanh.

Theo Bộ Xây dựng, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, vận hành nhà chung cư, đến năm 2030, mục tiêu  giảm ít nhất 25% lượng khí nhà kính so với năm 2020; 100% công trình đầu tư mới và các công trình sửa chữa, cải tạo phải tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình xây dựng sử dụng năng lượng hiệu quả. Song song đó, ngành xây dựng cũng thúc đẩy sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng xanh, phát thải carbon thấp.

Cụ thể, sẽ hoàn thiện xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm xanh, phát thải carbon thấp các sản phẩm vật liệu xây dựng như xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh, kính xây dựng... và vật liệu từ tái chế phế thải xây dựng, công nghiệp. Đến năm 2025, phấn đấu đạt mục tiêu 25% các vật liệu xây dựng chủ yếu sản xuất trong nước được chứng nhận sản phẩm xanh. 

Tin cùng chuyên mục