Hiến kế xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm

Các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau phân tích nhưng thách thức và giải pháp tối ưu nhằm góp phần phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi với các diễn giả bên lề hội thảo
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng trao đổi với các diễn giả bên lề hội thảo

Sáng 26-7, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2019 khai mạc tại TP Huế.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng, đại diện lãnh đạo của TPHCM, Hải Dương, Quảng Ngãi và hơn 400 đại biểu là các diễn giả, doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trong và ngoài nước tham gia sự kiện.

Tại hội thảo, các chuyên gia, doanh nghiệp cùng nhau phân tích nhưng thách thức và giải pháp tối ưu nhằm góp phần phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, việc triển khai Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh trên trường quốc tế. Đảng, Nhà nước luôn coi việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, xác định đây là động lực góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới tạo khả năng đi tắt, đón đầu, thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trên cơ sở đó, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả quan trọng, trở thành nền tảng cho việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử.

Hiện các cơ quan Nhà nước đã cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho doanh nghiệp và người dân. Một số bộ, ngành đã xử lý hồ sơ công việc trên môi trường mạng. Tại một số địa phương, hệ thống thông tin một cửa điện tử được đưa vào vận hành, dần nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm của đội ngũ công chức.

Nhằm tạo bước phát triển đột phá trong việc phát triển Chính phủ điện tử góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo đà phát triển cho nền kinh tế, gia tăng lợi thế cạnh tranh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025.

Đặc biệt, với quan điểm đổi mới phương thức phục vụ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử; bảo đảm gắn kết chặt chẽ, đồng bộ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xác định ứng dụng CNTT là công cụ hữu hiệu hỗ trợ, thúc đẩy cải cách hành chính. 

Hiến kế xây dựng Chính phủ điện tử lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm ảnh 1 Hơn 400 diễn giả tham dự hội thảo

Chính phủ cũng xác định mục tiêu hướng tới là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc tăng từ 10 đến 15 bậc năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên Hợp quốc đến năm 2025.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị các đại biểu bàn về những giải pháp có thể trợ giúp đắc lực trong việc thực hiện một phần nhiệm vụ Chính phủ đã đề ra. Thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của Chính phủ. Đồng thời, ghi nhận những nỗ lực trong công tác xây dựng nội dung và tổ chức hội thảo.

“Những bài học kinh nghiệm, mô hình hoạt động và cả những giải pháp giới thiệu trong sự kiện hôm nay sẽ là những thông tin giá trị cho những người chịu trách nhiệm xây dựng, phát triển, vận hành nền tảng chính phủ điện tử tại Việt Nam”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng kỳ vọng.

Với chủ đề “Phát triển cổng dịch vụ công quốc gia và giải pháp tích hợp hệ thống một cửa điện tử góp phần nâng cao khả năng phục vụ người dân và doanh nghiệp”, hội thảo đã tiếp nhận nhiều tham luận của các chuyên gia, diễn giả: Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan; Quyền Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TPHCM Timothy Liston; Phó Chủ tịch UBND Thừa Thiên - Huế Phan Thiên Định; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến; Chuyên gia về Chuyển đối số Steven Furst;  Phó Tổng giám đốc Công ty Công nghệ thông tin VNPT Hà Thái Bão; Phó Tổng giám đốc Vietinbank Trần Thị Minh Đức; Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho; Chuyên gia Tư vấn giải pháp Bảo mật Tổ hợp Samsung Việt Nam Bùi Anh Toàn; Chuyên gia giải pháp chiến lược Syahrul Hafidz; Tổng Giám đốc Microsolf Việt Nam Phạm Thế Trường...

Tin cùng chuyên mục