Hiến kế cho TPHCM đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54

Sáng 30-7, Học viện Cán bộ TPHCM phối hợp cùng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam tổ chức Hội thảo khoa học "Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM theo tinh thần Nghị quyết 54 của Quốc hội". 

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; PGS.TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM; TS Phùng Ngọc Bảo, Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan Thường trực Tạp chí Cộng sản tại miền Nam; PGS.TS Nguyễn văn Y, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM chủ trì hội thảo. 

Cần tạo cơ chế chủ động cho TPHCM

Phát biểu đề dẫn tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát cho biết, hội thảo đã nhận được 67 bài tham luận cung cấp các luận cứ khoa học về xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển TPHCM trong thời gian tới. Cùng với đó là chia sẻ những kinh nghiệm trong và ngoài nước, đưa ra những hàm ý chính sách xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển TPHCM gắn với tiến trình xây dựng chính quyền đô thị, đô thị thông minh, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…

Hiến kế cho TPHCM đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 ảnh 1 Quang cảnh hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Các đại biểu đã thảo luận, phân tích, làm rõ những hạn chế trong cơ chế, chính sách, cũng như việc thực hiện Nghị quyết 54 qua 5 năm TPHCM thực hiện thí điểm. Cùng với đó, nêu những ý kiến, hiến kế các cơ chế, chính sách cụ thể, sát sườn để góp ý cùng TPHCM trong đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54.

Nói về thực trạng tại TPHCM, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận xét, không ở đâu cả 3 đột phá chiến lược còn là 3 điểm nghẽn như TPHCM. Theo bà, TPHCM là nơi có tiềm lực rất lớn, rất mạnh, nếu không gỡ được điểm nghẽn thì còn nhiều khó khăn, trong đó có những điều vượt ra ngoài Nghị quyết 54. Để gỡ những điểm nghẽn này, cần phải gỡ ở tầm chính sách, pháp luật, ở tầm Bộ Chính trị, ở ý chí quyết tâm chính trị.

Cũng theo bà Phạm Phương Thảo, thực tế hiện nay cho thấy cơ chế xin – cho vẫn còn rất nặng nề. "Hiện cơ chế xin - cho đang không giảm mà còn tăng, chưa tạo được sự chủ động cho TPHCM”, bà Phạm Phương Thảo nhìn nhận và cho rằng trong nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 phải tạo cơ chế chủ động mạnh mẽ hơn cho TPHCM  thì mới thực sự có ý nghĩa.

Bà Phạm Phương Thảo cũng cho rằng, trong trường hợp chưa có nghị quyết thay thế thì có thể kéo dài Nghị quyết 54, song cần tháo gỡ một số vấn đề, vướng mắc cụ thể. Trước mắt là tháo gỡ vướng mắc ở Nghị định 33, 34 của Chính phủ liên quan đến cán bộ công chức phường, xã; có cơ chế thống nhất về biên chế cán bộ, công chức, người làm việc không chuyên trách phường, xã.

“Bộ Nội vụ nói dôi dư cán bộ, TP lại nói không dôi dư, nên phải thống nhất số lượng cán bộ theo tiêu chí quy mô dân số và tính chất phức tạp của công việc. Như ở TPHCM, chỉ 1 ấp đã có 19.000 dân, hoặc có phường 20.000 dân, một ngày xử lý tới 2.000 văn bản. Tính chất công việc bắt buộc họ phải làm xuyên đêm để xử lý công việc. Do đó, tiêu chí phải rõ ràng hoặc trao cho TPHCM quyền chủ động biên chế, chủ động trả lương cho cán bộ theo ngân sách thành phố”, bà Phạm Phương Thảo gợi ý.

Thí điểm nhiều đầu việc để tăng nguồn thu

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng nghị quyết thay thế Nghị quyết 54, TPHCM cần phân tích và đề xuất mạnh mẽ về tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM cũng như các cơ chế để TPHCM tăng nguồn thu, phục vụ đầu tư và tái đầu tư.  

Về vấn đề này, bà Phạm Phương Thảo thẳng thắn cho rằng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TPHCM không phải là 21% mà ít nhất phải bằng Hà Nội. Ngoài ra, phần thu vượt cần để lại cho TPHCM để đầu tư hạ tầng.

Đồng thuận với ý kiến trên, TS Phan Công Khanh, Giám đốc Học viện Chính trị Khu vực IV góp ý, TPHCM cần có kiến nghị Trung ương xem xét nguồn giữ lại cho TPHCM, bởi đầu tư cho TPHCM không chỉ là đầu tư cho riêng Thành phố mà còn cho miền Nam và cả nước.

Hiến kế cho TPHCM đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 ảnh 2 Nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo tham gia góp ý tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Nhận xét cơ chế đặc thù mà Trung ương dành cho TPHCM, TS Phan Công Khanh cho rằng Nghị quyết 54 đã tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế của TP. Song, tác động thực sự của cơ chế đặc thù chưa được như mong muốn. Theo ông, nguyên nhân do hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến TPHCM khó phát huy được cơ chế đặc thù. Ngoài ra, có một số cơ chế nói là cơ chế đặc thù cho TPHCM nhưng trên thực tế cũng áp dụng với các địa phương khác nên không có sự đặc biệt đặc trưng. 

Một trong những nguyên nhân lớn nhất mà TS Phan Công Khanh nhận định, đó là cơ chế chính sách đặc thù của Nghị quyết 54 chưa “đủ liều” cho một thành phố trung tâm kinh tế của cả nước. Đồng thời cho rằng sự phát triển của TPHCM hoàn toàn chưa tương xứng với những gì TPHCM đóng góp cho cả nước. 

“Lẽ tự nhiên, một nơi gánh phần lớn ngân sách của cả nước phải được đầu tư một cách thỏa đáng để trở thành đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế cả nước”, TS Phan Công Khanh khẳng định chính sách đặc thù theo Nghị quyết 54 chưa tạo được động lực phát triển mạnh mẽ cho TPHCM.

Qua đó, TS Phan Công Khanh gợi ý cần có một nghị quyết mở để khi thực tế đặt ra những vấn đề buộc phải xử lý thì Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ có thể trao quyền cho TPHCM để TPHCM kịp thời giải quyết vướng mắc. 

Hiến kế cho TPHCM đề xuất nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 ảnh 3 Đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo. Ảnh: THU HƯỜNG

Ngoài kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách nhà nước, PGS.TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing cho rằng TPHCM cần đề xuất cơ chế về những khoản thu ngân sách nhà nước được giữ lại. PGS.TS Phạm Tiến Đạt cũng gợi ý nhiều nội dung đề xuất để TPHCM tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Cụ thể, đề xuất cho phép TPHCM được thí điểm đánh thuế tài sản đối với bất động sản; thí điểm thu thuế giá trị thặng dư đối với đầu tư cơ sở hạ tầng (đường giao thông, đường sắt đô thị);  thí điểm thực hiện một loạt các dịch vụ cá cược casino; thí điểm tư nhân đầu tư toàn bộ cơ sở hạ tầng, nhà nước thuê lại hoặc mua lại. Cùng với đó, cho phép TPHCM thực hiện để lại phần thu đối với các hoạt động xuyên biên giới và các hoạt động trên nền tảng kỹ thuật số... Nếu làm được những điều này thì ngân sách TPHCM sẽ rất lớn, đảm bảo nguồn lực kinh tế cho TP phát triển. 

Chuyên gia chỉ hưởng lương 10 triệu đồng/tháng

TS Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển (thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM) cho biết, về cơ chế chính sách thu hút người tài, 5 năm qua, Trung tâm thu hút được 4 chuyên gia, trong đó có chuyên gia đến từ Nhật Bản. Lúc đầu kinh phí trả cho chuyên gia là 40 triệu đồng/tháng/người. Chuyên gia đã và đang hỗ trợ TPHCM trong việc tạo ra những công nghệ nguồn, cảm biến ứng dụng trong hệ thống cảnh báo ngập của TP. Ngoài ra, chuyên gia cũng mang đến cho Thành phố nhiều hợp tác quốc tế giá trị. 

Tuy nhiên, thời gian qua, cơ chế thu hút chuyên gia bị thay đổi. Theo quy định mới, kinh phí trả cho chuyên gia phải theo hệ số lương nhà nước, dẫn đến giảm đi tính đặc thù của TPHCM. Từ đó dẫn đến đời sống của chuyên gia rất thấp, chỉ còn 10 triệu đồng/tháng, không đảm bảo cuộc sống ổn định cho chuyên gia. Cùng với đó, cơ chế khen thưởng có nhiều bất cập, chưa có nhà ở cho chuyên gia. 

 “Trước đây, khi thu hút chuyên gia, chúng tôi được phép trả lương kịch trần cho họ không quá 150 triệu đồng/tháng. Dù chuyên gia xác định đến với TPHCM không phải vì tiền nhưng mức chi trả cũng phải đảm bảo cuộc sống cho họ”, TS Thành bày tỏ và cho biết, hiện để giữ chân chuyên gia đã thu hút được, Trung tâm xoay xở, tìm các nguồn để hỗ trợ họ. 

Theo TS Ngô Võ Kế Thành, TPHCM cần đề xuất cơ chế được ký hợp đồng với chuyên gia theo cơ chế đặt hàng hoặc thoả thuận theo cơ chế thị trường mà không bị áp đặt bởi các khung hệ số. Đồng thời đề xuất cơ chế khen thưởng đột xuất cho chuyên gia, nhằm động viên, khuyến khích, tạo động lực, để TPHCM là điểm đến tin cậy, thân thiện và nghĩa tình. 

Tin cùng chuyên mục