Hiến, ghép tạng tại Việt Nam: Nhu cầu nhiều, nguồn cung hạn chế

Sáng 22-3, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức hội thảo “Tăng cường nguồn hiến mô, bộ phận người” nhằm tháo gỡ vướng mắc các quy định tại Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. 

Theo các chuyên gia y tế, dù luật có hiệu lực từ 1-7-2007, nhưng đến nay còn nhiều bất cập. Điều này khiến nguồn tạng hiến vẫn khan hiếm trong khi nhu cầu được ghép tạng ngày càng cao. Đây cũng là căn nguyên khiến tình trạng mua bán mô, tạng, bộ phận cơ thể người trở nên phổ biến. 

Còn nhiều bất cập

Năm 1992, Việt Nam bắt đầu thực hiện ghép tạng từ người cho sống và đến năm 2010 triển khai ghép tạng từ người cho chết não. Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, cho biết, dù xuất phát điểm của ghép tạng Việt Nam chậm so với thế giới gần 40 năm, nhưng với sự cố gắng của đội ngũ y bác sĩ và tiến bộ vượt bậc của nền y học, Việt Nam đang dần tiệm cận với thế giới trong lĩnh vực ghép tạng.

Tính đến tháng 12-2020, Việt Nam thực hiện được 5.587 ca ghép các bộ phận cơ thể người như thận, gan, tim, phổi, tụy, chi trên, ruột… Về công tác vận động hiến tạng, đến ngày 31-12-2020, cả nước có 40.257 trường hợp đăng ký hiến tạng sau khi chết, chết não. Đặc biệt có 100 người đăng ký hiến tạng khi còn sống và đã có 7 người hiến tạng khi còn sống. Hiện Việt Nam có 20 trung tâm ghép tạng, có thể làm chủ phần lớn các kỹ thuật ghép mà các nước đã triển khai. 

Hiến, ghép tạng tại Việt Nam: Nhu cầu nhiều, nguồn cung hạn chế ảnh 1 Một ca ghép gan cho trẻ sinh non tại Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM

Dù vậy, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác vẫn còn nhiều hạn chế. Quy định độ tuổi được phép hiến tạng phải trên 18 tuổi đã khống chế nguồn tạng được hiến tặng từ người cho chết não. Trong khi đó, mỗi năm Việt Nam có khoảng 10.000 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông - nguồn tạng tiềm năng có thể ghép tạng. Bên cạnh đó, cơ chế chẩn đoán chết não của luật còn cứng nhắc khi bắt buộc phải có ý kiến xác nhận của ít nhất 3 chuyên gia (pháp y, bác sĩ trực tiếp chăm sóc, bác sĩ nội thần kinh).

“Còn nhiều vấn đề cần giải quyết để tạo sức bật mới cho công tác hiến, ghép tạng. Chúng ta cần góp ý, sửa đổi luật để tăng nguồn hiến mô, tạng nhưng vẫn phải tuân thủ Công ước Istanbul về cấm buôn bán tạng bằng cách tạo ra nguồn hiến tạng sạch, hợp pháp”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn chia sẻ.  

Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện (BV) Trung ương Huế, cho biết, trên thế giới việc quy định độ tuổi hiến tạng khá cởi mở, tạo nên nguồn tạng hiến rất “dồi dào”. Đơn cử như ở Anh, người dưới 18 tuổi vẫn có thể đăng ký hiến tạng ở mọi lứa tuổi và có thể thay đổi thay đổi quyết định bất cứ lúc nào. Còn tại Hà Lan, Đạo luật hiến tặng nội tạng quy định những người từ 12 tuổi trở lên có thể đăng ký hiến tạng sau khi qua đời; người dưới 12 tuổi muốn hiến tạng phải có sự cho phép của cha mẹ hoặc người giám hộ. 

Ngăn chặn buôn bán tạng 

Tại Việt Nam, ước tính hiện có khoảng 10.000 người chờ ghép thận, hàng ngàn trường hợp chờ ghép gan… Nhu cầu ghép tạng ngày càng cao, trong khi nguồn tạng ngày càng khan hiếm. Số lượng người hiến chết não tại các bệnh viện khá ít, chỉ chiếm khoảng 0,5%. Trong khi đó, số lượng ca ghép tạng từ người cho sống rất cao (5.255 ca). Điều này tiềm ẩn nguy cơ về mua bán mô, bộ phận cơ thể người. ư

Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Ghép tạng Việt Nam, mặc dù  hành vi mua bán bộ phận cơ thể người là trái pháp luật nhưng thực tế tình trạng này diễn ra khá phổ biến. 

Bác sĩ Trần Thị Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Trung ương Huế, cho biết, trên 50% người sống hiến tạng tại đơn vị này là người dưới 30 tuổi, và đã phát sinh những trường hợp tiêu cực từ người hiến tạng trẻ tuổi này. Nhận thấy sự phức tạp từ việc tiếp nhận hồ sơ cho và nhận tạng, cuối năm 2016, BV Trung ương Huế thành lập Phòng điều phối ghép tạng. Có nhiều trường hợp BV Trung ương Huế từ chối hiến, ghép tạng khi có dấu hiệu nghi ngờ, nhưng sau đó trường hợp này đã đến một trung tâm ghép tạng khác và ghép trót lọt. 

Đồng tình với ý kiến này, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị Điều phối ghép bộ phận cơ thể người, BV Chợ Rẫy, chia sẻ, mới đây đơn vị này tiếp nhận một bộ hồ sơ chồng đăng ký hiến thận cho vợ. Hồ sơ đầy đủ các loại giấy tờ hợp pháp. Tuy nhiên, sau khi nhận được thông tin từ BV Đại học Y Dược TPHCM về một trường hợp giả mạo hồ sơ, BV Chợ Rẫy rà soát lại và phát hiện đây là hồ sơ giả mạo, BV Chợ Rẫy đã từ chối thực hiện ghép tạng.

“Nếu không nhận được thông tin BV Đại học Y Dược TPHCM, chúng tôi cũng không thể nhận biết được bộ hồ sơ đó là giả mạo; và nhân viên y tế cần cảnh giác cao độ bởi hành vi làm giấy tờ, hồ sơ giả càng ngày càng tinh vi”, TS-BS Dư Thị Ngọc Thu cho hay.

Tại hội thảo, các đại biểu đề xuất không nên giới hạn về độ tuổi đối với người hiến chết não. Đối với người hiến sống có cùng huyết thống, cần đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Còn người hiến sống không cùng huyết thống cần từ đủ 30 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Bên cạnh đó, cần xác định rõ tạng hiến là “Quà tặng của sự sống”, là tài sản quốc gia, không thuộc sở hữu riêng của cơ sở y tế nào. Ngoài ra, cần xây dựng giá gói dịch vụ ghép thận làm cơ sở cho BHYT thanh toán theo tỷ lệ 80%, phần còn lại do bệnh nhân cùng chi trả. 

Để hạn chế tình trạng mua bán bộ phận cơ thể người, các cơ sở y tế chỉ ghép tạng khi người ghép có tên trong danh sách chờ ghép quốc gia và danh sách này là cơ sở pháp lý cho việc điều phối lấy, ghép tạng trong toàn quốc. Dự kiến năm 2022, Bộ Y tế sẽ trình Quốc hội về Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác sửa đổi.

Tin cùng chuyên mục