Hiểm họa từ thuốc giả, chứng nhận miễn dịch giả

Đến ngày 25-8, toàn thế giới ghi nhận gần 24 triệu người nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó, toàn khối ASEAN đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp với gần 421.000 ca nhiễm và 10.000 người đã tử vong. 

Lợi dụng tình hình này, các tổ chức tội phạm đang gia tăng hoạt động buôn bán, sản xuất thuốc, vật tư y tế giả.

Hồi tháng 3, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) đã triệt phá một đường dây có quy mô toàn cầu bán thuốc và thiết bị y tế bất hợp pháp trên mạng, thực hiện 121 vụ bắt giữ tại 90 quốc gia. Số lượng thuốc giả bị thu giữ trong chiến dịch này trị giá 14 triệu USD. Dựa trên báo cáo của họ, các sản phẩm bị làm giả nhiều nhất là thuốc (thuốc chống virus, thảo dược và điều trị bệnh sốt rét), thiết bị y tế (khẩu trang, chất khử trùng, bộ dụng cụ xét nghiệm coronavirus giả, găng tay và máy thở), và chất khử trùng (thuốc sát trùng tay, xà phòng và khăn lau không đạt tiêu chuẩn).

Theo The Asian Post, tại Malaysia, các nhà chức trách vừa tịch thu hàng chục ngàn sản phẩm y tế giả, trong đó có nhiều sản phẩm được người tiêu dùng tin là có thể chữa được virus gây bệnh Covid-19. Chủ tịch Hiệp hội Dược phẩm Malaysia Amrahi Buang mới đây đã phải nhờ truyền thông gửi đi lời cảnh báo người dân nên cảnh giác với hàng giả trên thị trường, nhất là chất lượng của khẩu trang nhập khẩu... Nước láng giềng Indonesia cũng đã xuất hiện các trường hợp cung cấp thuốc giả. Ước tính, có khoảng 30.000 hộp khẩu trang y tế được cho là không đáp ứng các yêu cầu tiêu chuẩn quốc gia của Indonesia đã bị thu giữ.

Tuy nhiên, có một xu hướng khác mà Indonesia đang đối phó là những tờ giấy chứng nhận “miễn dịch Covid-19” giả mạo được bán tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng từng khuyến cáo các quốc gia không nên cấp “giấy chứng nhận miễn dịch” cho người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, do tình trạng tái dương tính và chưa có đủ bằng chứng về miễn dịch dựa trên kháng thể. Một giấy chứng nhận giả có in dấu của một bệnh viện tại thủ đô Jakarta được bán trực tuyến với giá khoảng 70.000 IDR (3,8 USD). Các bác sĩ ở nước này đã phải cảnh báo việc thị trường chợ đen cung cấp giấy chứng nhận sức khỏe này có nguy cơ thúc đẩy sự lây lan của dịch bệnh, đẩy lùi cuộc chiến chống Covid-19 của chính phủ.

Mặc dù xu hướng sản xuất và buôn bán thuốc giả tràn lan trên toàn cầu, nhưng thuốc giả liên quan tới Covid-19 đang ngày càng gia tăng tại các quốc gia đang phát triển. Nguyên nhân là do ngành công nghiệp dược phẩm toàn cầu trị giá tới hơn 1.000 tỷ USD lại có chuỗi cung ứng trải dài từ những nhà máy ở Trung Quốc, Ấn Độ tới các cơ sở đóng gói ở châu Âu, Nam Mỹ hoặc châu Á và các nhà phân phối ở mọi quốc gia trên thế giới. Khi đại dịch Covid-19 càn quét toàn cầu, chuỗi cung ứng dược phẩm bị gián đoạn, cung không đủ đáp ứng cầu thì thuốc giả hoặc thuốc kém chất lượng sẽ len lỏi vào khoảng trống đó.
Tệ hại hơn, một số mạng lưới sản xuất và cung cấp mặt hàng này ở Đông Nam Á. Việc tuyển dụng các giám đốc điều hành đương thời hoặc các cựu giám đốc điều hành từ các công ty dược phẩm, các quan chức nhà nước có kiến thức về hệ thống quản lý… đã cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.

Tin cùng chuyên mục