Hiểm họa từ những cơ sở thẩm mỹ “chui”

Thời điểm cận tết, hàng loạt thẩm mỹ viện mở các chương trình giảm giá, thu hút khách hàng làm đẹp đón xuân. Thế nhưng những ngày qua, liên tiếp nhiều vụ việc tai biến sau phẫu thuật thẩm mỹ dẫn đến tử vong trên địa bàn TPHCM khiến nhiều người lo ngại.

Nghe quảng cáo đã muốn thử…

Nhiều cơ sở thẩm mỹ đánh vào tâm lý khách hàng muốn cải thiện ngoại hình đón tết, đã mời chào các phương pháp giảm mỡ, trị sạm, nám, tàn nhang. Tham khảo 5 trang quảng cáo, đã thấy 5 công nghệ khác nhau nhưng có điểm chung là những lời cam kết chắc nịch “đảm bảo hết nám 95% đến hoàn toàn”, “điều trị nhẹ nhàng, không xâm lấn”, kèm những hình ảnh khách hàng trước và sau khi dùng liệu trình với kết quả như ý… Tuy nhiên, tất cả các cơ sở này đều không giới thiệu hay giải thích gì về cơ chế hoạt động của công nghệ. Những gì khách hàng được biết chỉ vỏn vẹn những lời hứa và những cái tên công nghệ rất Tây.

Hiểm họa từ những cơ sở thẩm mỹ “chui” ảnh 1 Bác sĩ Bệnh viện Da liễu phẫu thuật “sửa” tai biến cho một phụ nữ bị thủng đầu mũi do nhiễm khuẩn sau phẫu thuật nâng mũi
Tại cơ sở thẩm mỹ trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, khách hàng tấp nập đến tư vấn làm đẹp như đi “săn hàng giảm giá”. Trong vai người có nhu cầu giảm mỡ vùng đùi, chúng tôi được một nữ nhân viên tư vấn hàng loạt “công nghệ”: “Đầu tiên em sẽ tư vấn cho chị gói giảm mỡ đùi truyền thống, đó là dùng máy kết hợp tay, massage hóa lỏng mô mỡ…


Mỡ sẽ được đào thải qua đường mồ hôi, đại tiện, tiểu tiện. Chị phải ngưng uống đá, chỉ uống nước ấm và trà thải độc mỡ bên em cung cấp. Để hiệu quả, chị nên mua liệu trình 10 buổi thực hiện với giá 9,6 triệu đồng, em cam kết chị sẽ giảm 4-7cm vòng đùi”. Chưa hết, nhân viên trên còn mời chào thêm các công nghệ giảm mỡ khác, điển hình là công nghệ cấy tinh chất, cam kết không tái béo. Một buổi cấy tinh chất chi phí khoảng 8 triệu đồng, nếu mua một liệu trình 5 buổi chỉ còn 25 triệu, cam kết giảm được 12-15cm vùng đùi.

Mặc dù tiêm tan mỡ là một thủ thuật thẩm mỹ bị cấm, nhưng vẫn được nhiều cơ sở thẩm mỹ mời chào tràn lan. Loại thuốc được dùng trong thủ thuật được giới thiệu là tinh chất trái cây hoặc được nhập từ Hàn Quốc với những tên thương hiệu xa lạ. Nhiều nơi quảng cáo pha trộn thêm nhiều thuốc (Dermaheall, Lipolab, Gana…) giúp nâng cao hiệu quả. Những hợp chất này được quảng cáo, cam kết khi tiêm vào bắp tay, bụng, thậm chí mặt…, khách hàng sẽ thon gọn sau vài ngày. 

Gần đây, các mạng xã hội TikTok, YouTube rộ lên trào lưu mới “cấy má hồng baby”. Theo các clip này, sau vài phút cấy tinh chất nuôi dưỡng từ bên trong, khách hàng sẽ có đôi má ửng hồng như em bé, ai da đen thì nhìn da sẽ sáng hơn, ai trắng bệch thì nhìn có sức sống, tươi tắn hơn hẳn… Nhiều khách hàng thổ lộ, khi nghe qua quảng cáo đã muốn thử. Thế nhưng, đây chỉ là thủ thuật phun xăm: dùng kim tạo tổn thương, sau đó đưa hạt màu vào. Theo thời gian, vùng má hồng này có thể đổi màu thành những vùng da sạm, xám… Thậm chí, nếu vào nhầm cơ sở tay nghề kém, ngay sau khi “cấy”, khách hàng phải trở về đôi má lúc nào cũng ửng hai vòng tròn đỏ rực.

Chọn cơ sở uy tín

PGS-TS-BS Đỗ Quang Hùng, Phó Chủ tịch Hội Thẩm mỹ TPHCM, cho biết, gần đây, mỗi ngày có khoảng 4-5 ca đến ông tư vấn; trong đó có nhiều ca hút mỡ bụng. Hút mỡ bụng hay tạo hình thành bụng là một phẫu thuật lớn sẽ có những biến chứng từ nhỏ đến lớn. Nguy cơ đáng ngại và nguy hiểm nhất là thuyên tắc mạch sâu và thuyên tắc phổi. Ngoài ra, việc bệnh nhân mới tiêm vaccine Covid-19, hay các loại vaccine khác cũng có thể gây nguy cơ đông máu đối với những trường hợp có ý định đi hút mỡ bụng. “Những người tiến hành thẩm mỹ nên chọn bệnh viện lớn, có giấy phép hoạt động và bác sĩ thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề rõ ràng”, BS Đỗ Quang Hùng khuyến cáo.

Bệnh viện Da liễu TPHCM thời gian qua cũng thường xuyên tiếp nhận các trường hợp biến chứng sau thẩm mỹ như áp xe do tiêm chất làm đầy, thủng mũi sau nâng mũi… Đặc biệt, càng gần tới thời điểm cuối năm thì các trường hợp tai biến càng nhiều. PGS-TS-BS Phạm Hiếu Liêm, Trưởng Đơn vị Phẫu thuật Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Da liễu nhìn nhận, đa số trường hợp bệnh nhân bị tai biến thường thực hiện ở các cơ sở thẩm mỹ không phép, hoặc thực hiện quá kỹ thuật cho phép; người thực hiện không được đào tạo bài bản về tạo hình thẩm mỹ dẫn đến những biến chứng rất đáng tiếc.

TS-BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện thẩm mỹ JW, cũng cảnh báo, rất nhiều cơ sở thẩm mỹ hiện nay đang hoạt động “chui”, thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ mà không được cấp phép. Nhiều người thậm chí không phải là bác sĩ mà chỉ là tay ngang, học lóm. “Mọi người phải tỉnh táo trước khi quyết định làm đẹp, cần tìm hiểu kỹ cơ sở thẩm mỹ mà mình lựa chọn có được cấp phép, người thực hiện có phải là bác sĩ có chuyên môn về thẩm mỹ hay không để tránh tiền mất tật mang”, bác sĩ Tú Dung khuyến cáo.

Chỉ trong vòng 3 ngày (ngày 6 đến 8-12), Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM tiếp nhận 2 trường hợp biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ (hiện đã tử vong). Trong đó, một bệnh nhân (24 tuổi, ngụ quận 10) đã đến cơ sở thẩm mỹ trên đường Độc Lập, quận Tân Phú để thẩm mỹ vùng lưng; trường hợp thứ 2 là chị H.T.N. (31 tuổi, ngụ tại quận 8) đã đến thẩm mỹ viện trên đường Nguyễn Công Trứ (quận 1) để hút mỡ bụng. Trước đó, một người đàn ông cũng đã khiếu nại lên Sở Y tế TPHCM về việc Bệnh viện thẩm mỹ Gangwho (đường Cộng Hòa, quận Tân Bình) đã chậm trễ trong việc chuyển viện cấp cứu khiến vợ mình là bà N.T.N.T. (50 tuổi, quận Bình Tân) tử vong.

Liên quan đến 3 ca tử vong sau thẩm mỹ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, cho biết, Sở Y tế đã phối hợp Phòng Y tế, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an các địa phương tiến hành kiểm tra các cơ sở xảy ra tai biến sau khi thực hiện dịch vụ thẩm mỹ nói trên. “Trong thời gian chống dịch, Sở Y tế vẫn tiến hành kiểm tra hoạt động liên quan đến dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở trên địa bàn thành phố, xử lý nghiêm đối với các cơ sở có hành vi vi phạm. Việc xử lý vi phạm hành chính được công khai trên trang thông tin điện tử của Thanh tra Sở Y tế”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.

Tăng cường kiểm tra, khuyến khích người dân tố giác

Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, nhiều cơ sở thẩm mỹ không phép bị phát giác nhờ vào tin báo của quần chúng. 

Tuy nhiên, các cơ sở thẩm mỹ có hành vi lén lút, che đậy một cách tinh vi khiến cho công tác thanh tra, kiểm tra gặp nhiều khó khăn như: đóng cửa bên ngoài, chỉ mở cửa đón khách hàng có hẹn đến thực hiện dịch vụ, không mở cửa cho đoàn kiểm tra, gây áp lực, kéo dài thời gian để che giấu chứng cứ, tang vật... Đoàn kiểm tra phải chờ sự phối hợp của UBND quận, Công an thành phố để cưỡng chế mở cửa. 

Một cơ sở thẩm mỹ chui đang thực hiện can thiệp thủ thuật cho khách hàng
Ảnh: THÀNH SƠN
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực y tế trên địa bàn TPHCM, Sở Y tế đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở chăm sóc da, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời, triển khai các đoàn kiểm tra khi tiếp nhận các thông từ phản ánh từ người dân qua các kênh thông tin (đơn, đường dây nóng, app Y tế trực tuyến...), xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TS-BS Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, khẳng định, hoạt động dịch vụ thẩm mỹ khó quản lý, kiểm soát. Chẳng hạn, các cơ sở thẩm mỹ không sử dụng kim tiêm, phẫu thuật thì chỉ cần đăng ký với đơn vị chức năng của huyện; còn khi có tiêm chích, phẫu thuật thì mới phải xin phép Sở Y tế. Việc một số người tự ý đi tiêm chất làm đầy, xăm mắt, xăm môi… tại nhà cho khách hàng, thì ngành y tế đã nghe phản ánh, nhưng chưa bắt quả tang trường hợp nào. “Người dân nếu phát hiện các trường hợp hoạt động dịch vụ thẩm mỹ có biểu hiện không an toàn, không có chứng chỉ, giấy phép hành nghề hợp pháp… nên gọi vào đường dây nóng của ngành y tế tỉnh theo số 0965201515”, TS-BS Hà Văn Phúc đề nghị.

Tin cùng chuyên mục