Hẻm nhỏ Sài Gòn

“Nhà tui trong hẻm chùa đường Lê Quang Định”, “nhà tui chỗ hẻm 41 Phạm Ngọc Thạch”, “nhà ở gần hẻm cà phê…”. Có cả trăm, cả ngàn con hẻm trong lòng thành phố trở thành một phần trong ký ức người đô thị. Có lẽ thế mà nhiều người vẫn hay ví những con hẻm nhỏ là nơi khắc họa và phản chiếu đời sống của người thành thị.
Con hẻm ẩm thực trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) là điểm đến quen thuộc của nhiều nhân viên văn phòng
Con hẻm ẩm thực trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1) là điểm đến quen thuộc của nhiều nhân viên văn phòng

1. Hà Nội cổ kính có những ngõ nhỏ xíu và tối om, khiến người lần đầu đặt chân tới đôi chút ngại ngùng. Và rồi cảm xúc như vỡ òa khi gặp những không gian đầy nắng, hoa lá, cây xanh của những ngôi nhà cổ sau con ngõ loằng ngoằng. Người phương Nam quen gọi ngõ là hẻm, những con hẻm nhỏ, hẻm lớn, hẻm cụt, hẻm liên thông đường lớn… 

Là lối đi nhỏ nhất trong hệ thống đường sá ở thành phố, nhưng bên trong những con hẻm nhỏ vẫn đầy đủ những cung bậc cảm xúc của cuộc sống thường ngày. Nhịp sống ở các con hẻm vẫn huyên náo, tấp nập như những gì vốn có của một đô thị hiện đại, sôi động, nhưng xen lẫn đó là những khoảng lặng đủ để người ta cảm nhận rõ cuộc sống qua từng ngày.

Đó là nơi để những người sống trong cùng một hẻm ra vào chạm mặt, chào hỏi vài câu bâng quơ hay thi thoảng lại bông đùa, tâm sự vài chuyện nhân tình thế thái. Người ta ít ai mà dừng lại giữa đường rồi hỏi thăm chuyện nhà cửa, cơm nước, nhưng ở đầu hẻm, hay chỗ nào thoáng lối đi, người ra, người vô đụng mặt nhau, thì hễ không có việc gì vội là lại có vài ba câu chuyện nhà cửa, chuyện sắp nhỏ với nhau liền. Bởi vậy, những con hẻm tuy không rộng như đường lớn, nhưng lại “nhiều chuyện”. Những người xa lạ sống cạnh nhau trở nên gần gũi, thân tình hơn.

Hẻm thức dậy từ rất sớm, tiếng người lao động tranh thủ dậy sớm kịp chuyến hàng, bước chân người đi tập thể dục sáng, công nhân ca đêm vừa ra ca… Và đến quá nửa khuya, khi những tiếng rao hàng đầu hẻm không còn, con hẻm nhỏ mới chìm vào giấc ngủ. Năm tháng đi qua, thành phố nhiều thay đổi, các con hẻm cũng nhiều đổi thay, nhưng vẫn còn nguyên đó những câu chuyện xóm giềng, chuyện mưu sinh tảo tần, chuyện nhân tình thế thái…

2. Nằm trong các con hẻm nhỏ là những quán cà phê nhỏ, buôn bán theo kiểu gia đình từ thế hệ ông bà cha mẹ, để rồi con cháu lại tiếp tục giữ chân khách cũng bởi vị cà phê vợt, cà phê mẻ kho pha theo kiểu xưa.

Cheo Leo, quán cà phê nhỏ nằm trong con hẻm 109 đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), hay quán cà phê vợt trong hẻm 330 đường Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận) đều có tuổi đời trên 50 năm. Khách cũng có người uống từ thời trai trẻ đến bây giờ là ông nội, ông ngoại trong gia đình nhưng vẫn ghé lại uống ly cà phê mỗi sáng bởi hương vị đậm đà quen thuộc. “Uống quen mấy chục năm rồi, sáng nào mà không ra là thấy thiếu liền. Ra đây uống cà phê, coi tờ báo rồi tán dóc với mấy ông bạn già cho vui”, ông Minh Tài (72 tuổi, ngụ quận 3), khách ruột của quán Cheo Leo, chia sẻ.

Một con hẻm khác trên đường Trần Cao Vân chừng vài chục mét nhưng đủ loại hàng quán, từ cà phê tới ăn uống, ẩm thực theo kiểu 3 miền. Đầu hẻm là những quán ăn sang trọng, nhưng càng vào bên trong, không gian thoáng đãng, quán xá giản dị, gần gũi từ những cái tên.

Tên quán mộc mạc như cà phê “Nhà anh Trung”, hỏi nhân viên quán thì câu trả lời hết sức đơn giản kèm theo nụ cười: “Tại quán này thuê nhà của anh Trung”. Mộc mạc từ cái tên, đến bàn ghế và không gian trong quán chỉ với cây xanh và dây leo phía ngoài. Ấy vậy mà khách vẫn ghé lại đều đặn. Giờ sáng, giờ trưa thì đông hơn bởi nhân viên văn phòng, công sở gần đó đổ ra. Khách vãng lai tìm đến vì chút yên tĩnh, tách biệt giữa lòng thành phố.

“Ngồi trong đây làm việc đỡ ồn ào tiếng xe cộ như mấy quán lớn ngoài mặt tiền, không gian có cây xanh cũng làm mình thấy thư thả hơn, đôi khi ngồi đọc sách cũng thú vị”, chị Hoàng Oanh (ngụ quận 3) cho biết.

3. Rồi hẻm chợ hay chợ trong hẻm xuất hiện ngày càng nhiều, chủ yếu vẫn là tự phát. Chợ trong hẻm thường chỉ tập trung chuyên vào 1-2 mặt hàng. Con hẻm dài chưa đầy 100m, nằm lọt thỏm bên hông chợ Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) được nhiều người ví như “thiên đường đồ si” (đồ dùng rồi). Nếu trước đây khách mua đồ si là những người có thu nhập thấp như dân lao động, công nhân, sinh viên, thì vài năm trở lại đây, khách tìm đến đồ si khá nhiều, phần đông là giới trẻ và những người thích hàng hiệu giá rẻ.

“Có bữa đồ về không kịp khui cho khách lựa, nhiều người thích mua đồ si mà nhất là đồ hiệu, có người mua cả triệu bạc không chừng”, chị Mỹ Hạnh - một tiểu thương tại chợ, cho biết.

Hẻm 52 đường Hồ Thị Kỷ, quận 10, được xem như một trong những con hẻm đẹp nhất, nhì thành phố, bởi nơi đây 4 mùa luôn ngập trong hương sắc hoa tươi của chợ hoa Hồ Thị Kỷ - chợ đầu mối hoa tươi lớn nhất thành phố. Từ 2 giờ khuya trở về sáng là lúc chợ nhộn nhịp nhất khi các thương lái giao hoa về chợ. Trong con hẻm này, không chỉ có hoa tươi, những dụng cụ cắm hoa, trang trí, hoa khô, hoa vải đều được bày bán đa dạng để khách lựa chọn. Hẻm chợ hoa còn là điểm đến của không ít khách du lịch khi muốn tham quan thành phố về đêm. Mua bán riết thành quen, cứ mua hoa hay vật dụng cắm hoa, người ta lại tìm ra con hẻm 52.

Còn biết bao con hẻm với những nét riêng nằm trong lòng thành phố. Như hẻm Hào Sĩ Phường (quận 5) với tuổi đời hơn trăm năm nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của cộng đồng người Hoa sống ở Chợ Lớn; hẻm Ông Tiên (hẻm 96 Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận), với những câu chuyện dễ thương từ những con người không giàu có gì ngoài tấm lòng san sẻ với cộng đồng, từ tủ thuốc, bình trà đá, tiệm bơm vá xe đến cả dịch vụ mai táng miễn phí cho người lao động nghèo...

Những con hẻm thông với đường lớn còn giúp phần nào giải quyết nạn kẹt xe những giờ tan tầm. Bởi vậy, hễ ai nói rành đường ở thành phố thì cũng phải rành luôn mấy con hẻm lớn, nhỏ, để lỡ đường kẹt xe biết cách mà “luồn lách” cho kịp giờ. Dù dài hay ngắn, ngoằn ngoèo hay thẳng tắp tinh tươm thì những con hẻm vẫn đêm ngày gánh vác, sẻ chia những nhọc nhằn và chuyên chở những câu chuyện tình đời, tình người nơi phố thị.

Tin cùng chuyên mục