Hệ thống các trường sư phạm: Cần quy hoạch lại một cách có trách nhiệm

Nỗi buồn lớn về đầu vào sư phạm trong mùa xét tuyển năm 2017 không nằm ngoài dự đoán - đã trở thành một trong những điểm nóng nhất tại hội nghị tổng kết  giáo dục đại học mà cuối tuần qua Bộ GD-ĐT tổ chức.
Vấn đề đặt ra là để cứu ngành sư phạm không bị “chạm đáy”, thì cần quy hoạch lại mạng lưới trường đào tạo sư phạm ngay. Nhưng quy hoạch cách nào, bao giờ?
Phải có những trường sư phạm đỉnh cao
Xã hội vô cùng lo lắng vì điểm chuẩn vào các trường sư phạm thấp, nhất là nhiều trường sư phạm địa phương chỉ lấy 3 điểm/môn, còn các đại học sư phạm ở địa phương thì chủ yếu điểm chuẩn cũng chỉ bằng sàn. Tuy nhiên, nếu bình tĩnh nhìn nhận thì ngay trong nhóm ngành sư phạm, có nhiều trường đầu vào vẫn cao.
Chẳng hạn Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, điểm tuyển đầu vào của ngành Sư phạm toán học bằng tiếng Anh lên tới 27,75 và điểm tuyển trung bình của tất cả các ngành là 21,38 điểm (7,1 điểm/môn).
Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành Sư phạm toán với 26,25 điểm và ngành thấp nhất là Sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm; điểm trúng tuyển trung bình cho 19 ngành của trường là 22,46 điểm - cao nhất trong tất cả các trường sư phạm.  Như vậy có thể thấy, đào tạo sư phạm nhất thiết phải được xem xét lại ngay.
Vấn đề của đào tạo sư phạm những năm qua là ở chỗ đào tạo chưa theo địa chỉ sử dụng. Chỉ tiêu đào tạo chưa có sự khớp nối giữa Bộ GD-ĐT và các địa phương, gần như đang theo kiểu thả nổi, mạnh ai nấy làm trong suốt nhiều năm qua.
Hệ thống các trường sư phạm: Cần quy hoạch lại một cách có trách nhiệm ảnh 1 Sinh viên ĐH Sư phạm Hà Nội tốt nghiệp ra trường
GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chỉ ra 4 bất cập trong đào tạo sư phạm hiện nay: Bộ GD-ĐT chưa quản lý thống nhất về chỉ tiêu; hệ thống các trường sư phạm đang tồn tại rất nhiều trình độ đào tạo; nguồn lực tài chính đầu tư cho sinh viên sư phạm vẫn hạn hẹp; bất cập trong phân bổ đội ngũ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu nhiều nơi. 
Từ thực tế đó, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng, trước hết là phải quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm. Khi quy hoạch, cần phải có định hướng rõ ràng, đâu là trường trung tâm, đâu là phân hiệu, đâu là cơ sở đào tạo vệ tinh. Có như thế mới phân công được nhiệm vụ nơi nào đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nơi nào đào tạo theo nhu cầu, nơi nào là nơi đào tạo bổ sung, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo. 
Đồng quan điểm, GS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng kiến nghị, Bộ GD-ĐT nên giao chỉ tiêu cho các trường sư phạm dựa trên dữ liệu báo cáo nhu cầu nguồn nhân lực ngành này tại các địa phương.
“Nguyên nhân đầu tiên khiến đầu vào sư phạm thấp vì thí sinh không tha thiết vào ngành sư phạm do đầu ra khó khăn, nguồn nhân lực dư thừa nhiều”, GS Trần Văn Nam nhấn mạnh.
Theo ông, nếu quy hoạch lại, đào tạo theo đặt hàng của nhà nước, nhà nước trả tiền thì sẽ hoàn toàn có thể yêu cầu mức điểm chuẩn đầu vào đối với ngành sư phạm. Rồi đầu ra cũng có quy định phải đạt được tiêu chuẩn nhất định thì mới được tuyển dụng.
Hiệu trưởng Trường ĐH Đà Lạt Nguyễn Đức Hòa cũng nêu quan điểm, các trường sư phạm là bộ máy cái, nên ngành giáo dục cần quy hoạch lại một cách có trách nhiệm. Cần thiết phải đầu tư trọng điểm cho một số trường tốt nhất, còn không cần quá nhiều trường sư phạm, thậm chí theo ông, cả vùng 3 Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ chỉ cần một trường sư phạm có chất lượng là được.
Đào tạo sư phạm như đào tạo công an, quân đội?
Một trong những nhiệm vụ đối với giáo dục đại học được Bộ GD-ĐT đặt lên hàng đầu trong năm học 2017-2018 này là quy hoạch lại hệ thống ĐH-CĐ, trong đó cần làm nhanh nhất là quy hoạch lại các trường sư phạm.
Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 
Ngành giáo dục cần gấp rút có dự báo nhu cầu giáo viên của toàn ngành, ở các địa phương, mạnh dạn giảm số lượng lớn chỉ tiêu tuyển sinh nhóm ngành sư phạm.
Cùng với cắt giảm chỉ tiêu là việc tiếp tục quy hoạch để phát triển hệ thống các trường sư phạm và nâng cao chất lượng đào tạo. Nên đầu tư có trọng điểm các trường sư phạm, trong đó ưu tiên các trường sư phạm trọng điểm ở hai đầu cầu (Hà Nội và TPHCM), có thể nghiên cứu thêm một trường sư phạm trọng điểm ở miền Trung theo lộ trình.
Song song đó cần có tầm nhìn phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm thích hợp theo các nhóm: trường sư phạm chuyên, sư phạm đa ngành, trường có khoa sư phạm khu vực và trường có khoa sư phạm ở địa phương.
Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, để giải quyết được căn cơ những vấn đề đang đặt ra cho hệ thống các trường sư phạm, tới đây, bộ sẽ làm việc riêng với các trường sư phạm để có những tính toán cho hợp lý. Quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm sẽ được ưu tiên làm ngay.
Sẽ có những trường trung tâm, trường phân hiệu và trường vệ tinh. Thậm chí để nâng cao chất lượng đầu vào sư phạm, ngành giáo dục phải học tập kinh nghiệm từ ngành công an, quân đội. Đó là giao chỉ tiêu hàng năm, có chính sách ưu tiên về học phí và được phân công công việc sau khi ra trường.
“Nhưng điểm đầu vào chỉ là một yếu tố, quá trình tuyển chọn giáo sinh cho các trường sư phạm phải quan tâm tới năng khiếu có tính chất nghiệp vụ, chú ý tới năng lực phẩm chất nhà giáo. Dù thế nào cũng phải làm cho giáo sinh vào trường sư phạm cảm thấy tự hào”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nêu.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cam kết có lộ trình để 5 năm tới quy hoạch lại đào tạo sư phạm, bảo đảm thay đổi diện mạo ngành sư phạm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, nhóm trường sư phạm và đào tạo giáo viên hiện nay có 58 trường đại học, 57 trường cao đẳng, 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên (trong đó có 14 trường đại học sư phạm, 33 trường cao đẳng sư phạm và 2 trường trung cấp sư phạm).

Tin cùng chuyên mục