Hệ lụy từ khai thác nước ngầm

Thời gian qua, Công ty CP Cấp nước Gia Định (thuộc Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn - Sawaco) đã và đang triển khai nhiều giải pháp trám lấp giếng khoan, hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn. 
Hệ lụy từ khai thác nước ngầm

Việc này nhằm nhằm hạn chế khai thác nước ngầm gây sụt lún hạ tầng, đồng thời duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được cấp nước sạch, nâng cao sản lượng tiêu thụ và ổn định giá bán bình quân.

Để thực hiện có hiệu quả, công ty đã phối hợp với các địa phương trên địa bàn quản lý triển khai đến phường, tổ dân phố thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng ý trám giếng khoan. Công ty cũng hỗ trợ trám lấp giếng miễn phí cho người dân. Ngoài ra, công ty còn xây dựng clip tuyên truyền tác hại của việc sử dụng nước ngầm, đăng tải trên các kênh truyền thông như: trang thông tin điện tử của công ty, cơ quan truyền thông, Facebook, Zalo, YouTube; in và phát tờ rơi tuyên truyền đến từng hộ dân, giải thích, tuyên truyền tác hại của việc sử dụng nguồn nước giếng khoan một cách cụ thể, vận động người dân trám lấp giếng miễn phí.

Theo thống kê, hiện trên địa bàn Công ty CP Cấp nước Gia Định quản lý còn 3.613 hộ dân sử dụng giếng khoan. Từ đầu năm 2020 đến nay, công ty đã trám lấp giếng khoan tại 127 hộ gia đình. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền vận động, không ít hộ dân chưa nhận thức được tác hại của việc sử dụng nguồn nước ngầm, vẫn còn tâm lý muốn có nguồn cấp nước dự phòng và thói quen sử dụng nước giếng để ăn uống nhằm tiết kiệm chi phí…

Điều này gây khó cho việc phối hợp giữa các bên để thực hiện trám lấp giếng miễn phí. Theo Công ty CP Cấp nước Gia Định, công ty đang quản lý 137.253 khách hàng, trong đó nhiều hộ sử dụng 2 nguồn nước máy và giếng khoan. Công ty đã triển khai các giải pháp và phối hợp UBND các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp… tuyên truyền, vận động người dân hạn chế khai thác nước ngầm, hỗ trợ người dân trám lấp giếng khoan miễn phí.

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay nguồn nước ngầm tại TPHCM đang bị khai thác quá mức. Điều đó gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước và đời sống sinh hoạt của cộng đồng. Một nguy cơ lớn hơn của việc khai thác nước ngầm vô tội vạ chính là sự sụt giảm nguồn tài nguyên nước ngầm, dẫn đến sụt lún nền đất ở, gia tăng nguy cơ ngập úng, gây ra các chứng bệnh về viêm da, đường ruột, tiêu hóa, độc tố có trong nguồn nước ngầm tích tụ lâu ngày có thể gây ung thư. Do vậy, hạn chế khai thác nước ngầm, tiến tới ngừng khai thác nước ngầm trong tương lai là cần thiết nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân. 

Tin cùng chuyên mục