Hãy sòng phẳng với khách hàng

Người tiêu dùng bức xúc trước tình trạng một số doanh nghiệp trong nước bán hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt cao cấp trong suốt thời gian dài mà lực lượng chức năng (hầu như) không thể xử lý triệt để. Câu chuyện này tiếp tục bùng phát, có sức nặng khi vụ Khaisilk kinh doanh gian lận, lừa dối người tiêu dùng, nhập khăn lụa tơ tằm Trung Quốc gắn mác Việt Nam được khui ra cách đây ít ngày.
Đây chỉ là một trong những vụ gian lận thương mại rất nhỏ được khui ra ánh sáng. Còn trên thực tế, nhiều vụ làm ăn gian dối khác vẫn diễn ra, ai cũng biết nhưng không dễ gì tố nhau, do nhiều lý do.
Anh Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên doanh trái cây xuất khẩu tại Ninh Thuận cho biết, thời gian qua, các sản phẩm nông sản gắn mác Đà Lạt nhưng thực chất là hàng Trung Quốc như khoai tây, hồng dẻo, khoai lang dẻo ruột đỏ… diễn ra tràn lan, công khai. Thậm chí, chính tiểu thương buôn bán mặt hàng Trung Quốc cũng thừa nhận nhưng không dễ xử phạt được họ.
“Đây là bài học đau lòng, phải trả giá rất đắt cho uy tín, thương hiệu nông sản trong nước. Bởi, thực trạng này khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính Việt Nam khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài sẽ bị giám sát chặt chẽ, kỹ lưỡng hơn”, anh Nguyễn Văn Tiến nói. 
Hãy sòng phẳng với khách hàng ảnh 1 Người tiêu dùng chọn mua thực phẩm tại một chợ tự phát ở TPHCM
Ảnh: TRUNG XUÂN
Tại một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho thấy, hàng Trung Quốc đang “phủ sóng” ở tất cả các mặt hàng, gồm thời trang, điện tử, điện lạnh, nông sản, thực phẩm… Do vậy, không lạ khi các mặt hàng này tràn qua các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. 
Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng trong nước luôn hưởng ứng việc mua hàng nội địa nên phần lớn doanh nghiệp nhập hàng Trung Quốc đã nhanh chóng xóa nhãn mác, gắn nhãn Việt Nam hoặc các nước khác để dễ đẩy hàng. Điều này được chính một số cán bộ quản lý thị trường tại TPHCM thừa nhận.
Bức xúc về vấn đề này, chị Mai Thị Lựu (quận Tân Bình, TPHCM) phản ánh, các bà nội trợ như chị thỉnh thoảng vẫn mua nhầm rau quả, trái cây Trung Quốc nhưng lại gắn mác Đà Lạt, Ninh Thuận hoặc các tỉnh phía Bắc.
“Nho xanh không hạt loại quả lớn, có giá từ 80.000 - 90.000 đồng/kg ghi rõ là hàng từ Ninh Thuận chuyển vào, nhưng thực ra không phải. Mang thắc mắc này ra hỏi mấy người bạn kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản, tôi khá bất ngờ khi biết rằng đó là hàng Trung Quốc”, chị Mai Thị Lựu nói. 
Sống trong một thế giới phẳng, khi mà thông tin được truyền tải liên tục, đa chiều, sẽ rất khó để che giấu các chiêu trò kinh doanh gian lận.
Thương hiệu một sản phẩm phải gầy dựng cả đời, nhưng sẽ nhanh chóng bị đổ bể, mất uy tín trong chốc lát nếu khách hàng biết rằng họ đang bị lừa dối, trục lợi. Người tiêu dùng cần sự sòng phẳng, để được biết sản phẩm mình mua xuất xứ từ đâu, chất lượng ra sao. Một khi biết rõ sản phẩm, họ có quyền chọn mua hoặc không mua sản phẩm đó.
Thêm nhiều sự lựa chọn cho khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm (xuất xứ hàng hóa, chủng loại…) để thu hút khách là điều mà các doanh nghiệp đã và đang làm. Trên hết, để người tiêu dùng tin tưởng thì doanh nghiệp phải cung cấp cho người mua các sản phẩm đúng chất lượng, xuất xứ… 

Tin cùng chuyên mục