Hãy để các em có một tuổi thơ bình thường

Những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất đã đầu tư làm các chương trình trò chơi trên truyền hình (gameshow) đáp ứng nhu cầu giải trí cho trẻ em, nhất là vào mùa hè. Chương trình nào của người lớn đang hot kiểu gì cũng có phiên bản nhí ra đời sau đó. Trẻ em từ lúc nào như bị lợi dụng câu khách. Sự hồn nhiên vô tư của các em cũng mất dần qua các cuộc thi.

Nói đến gameshow cho trẻ, có thể kể đến một loạt các chương trình truyền hình thực tế đình đám như: “Gương mặt thân quen nhí”, “Tìm kiếm tài năng MC nhí”, “Nhí tài năng”, “Siêu nhí tranh tài”, “Thần tượng âm nhạc nhí”…

Phần lớn các chương trình được mua từ nước ngoài, thường dùng bài hát, tiết mục của người lớn để các em thể hiện, là một điều đáng lo ngại. Tôi đã từng thấy cảnh các bé gái chưa đến 10 tuổi, đánh phấn, tô son, búi tóc già dặn, mặc váy sexy như người lớn, để thể hiện các tiết mục theo kịch bản chương trình. Nhiều em phải gồng mình hát những ca khúc tình yêu đôi lứa, thực hiện các động tác nhảy múa không phù hợp với lứa tuổi. Dù là khán giả xem, ngạc nhiên về khả năng thể hiện của nhiều bé, nhưng tôi thật sự ngán ngẩm vì các tiết mục đã đánh mất sự hồn nhiên của lứa tuổi các em. 

Tôi không có quá nhiều thời gian để xem hết các chương trình cho trẻ con. Nhưng qua một vài chương trình thì thấy rõ việc đề cao tính giải trí mà chưa chú ý đến tính giáo dục, hướng thiện và ý nghĩa với các bé. Từ MC, ban giám khảo cũng có quá nhiều điều cần nói. Nhiều vị giám khảo tử tế, khen chê rõ ràng, song phần lớn là bơm, tâng bốc các bé lên tận mây xanh, phong làm siêu nhân, thần đồng và các thể loại “thánh”... Nhiều bé khi đến với gameshow đã bật khóc trước áp lực quá lớn của chương trình, sức ép thắng thua. 

Tôi nhớ trong phần công bố kết quả bán kết một chương trình, cậu bé Đ.K. (lúc đó 11 tuổi) vì quá lo lắng, hồi hộp đã bật khóc. Rồi khi biết mình bị loại, K. ngồi sụp xuống sân khấu, khóc nức nở. Trong một chương trình chung kết khác cũng vậy, một bé không giành được chiến thắng cao nhất, khi bị loại cũng khóc nấc lên. Việc gây tổn thương các bé bị loại, khen chê trái chiều từ sân khấu đến các diễn đàn mạng xã hội đã lấy đi nhiều nước mắt, nhất làm ảnh hưởng tâm lý các bé. Trẻ con bị cuốn vào “vòng xoáy” gameshow, một cuộc chơi mà chẳng khác nào ma trận, mà những thực chất về hơn thua, đua chen, áp lực cạnh tranh... lại đến từ người lớn, những bậc phụ huynh.

Chẳng phải đã có không ít phụ huynh hậm hực: “sao con tôi hay mà lại bị loại?”. Câu chuyện may mắn “đổi đời” sau khi tham gia các cuộc thi như bé H.V.C., P.M.C., Q.A., T.T., vốn không nhiều, nhưng vẫn là chất xúc tác đã biến nhiều chương trình không còn chỉ là “sân chơi”. Rõ ràng, sự xuất hiện của các bé trong gameshow luôn có sự đồng ý của cha mẹ, người giám sát với nhiều “kỳ vọng”, khiến các bé thêm áp lực. Do đó, chính phụ huynh và đơn vị tổ chức cần nhận thức sâu sắc về giá trị của gameshow hiện nay, khi cho con em mình tham gia . 

Rất mong nhà sản xuất có sự chọn lựa, tránh cho các em nhỏ xem, tham gia những chương trình phản cảm. Hãy để các em có một tuổi thơ bình thường. 

Tin cùng chuyên mục