Hãy chịu trách nhiệm

Bắt đầu từ hôm nay 6-11 đến ngày 8-11, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra tại nghị trường Quốc hội, được phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân theo dõi.

Người đầu tiên - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường sẽ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản. Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trả lời về công tác quản lý, điều tiết điện lực; quản lý thị trường; phòng chống gian lận thương mại. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân chịu trách nhiệm về nội dung sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ, công chức. 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng sẽ trả lời về công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, đặc biệt trên mạng xã hội... “Chia lửa” với các bộ trưởng là các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Khép lại 3 ngày chất vấn, chiều 8-11 là thời gian dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Có thể thấy, các nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn đang chờ đợi các thành viên Chính phủ trả lời thỏa đáng. Phó trưởng đoàn đại biểu (ĐB) Quốc hội tỉnh Quảng Bình Nguyễn Ngọc Phương nhìn nhận, có rất nhiều vấn đề buộc phải nhắc đi nhắc lại, “thế nhưng câu trả lời thì chắc chắn sẽ phải có yếu tố mới. Điều mà tôi và tất cả ĐB cùng quan tâm là các bộ trưởng, trưởng ngành đã làm gì, sẽ làm gì và giải thích như thế nào về những vấn đề lâu nay ĐB chất vấn, bộ trưởng hứa, nhưng thực hiện chưa tốt”.

Với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân là việc sắp xếp, tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là vấn đề được đặt ra đã lâu và tiếp tục được khẳng định rất rõ tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả). Thế nhưng, qua phát biểu của nhiều ĐB khi bàn về tình hình kinh tế - xã hội giữa tuần trước, có thể thấy nhiệm vụ này vẫn còn nhiều thách thức rất lớn. Bên cạnh một số bộ ngành, tỉnh thành phố đã thực hiện nghiêm, nhiều ĐB chỉ ra rằng, vẫn còn đó những công chức “sáng xách ô đi, tối cắp ô về”. Tính hiệu quả của chủ trương tách - nhập nhiều tổ chức cũng không rõ ràng, gây lãng phí lớn về tiền bạc, thời gian, nhân lực.

Với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB Quốc hội TPHCM mong muốn, sau mỗi kỳ chất vấn, sẽ có các giải pháp cụ thể giải quyết được những vấn đề mà cử tri và ĐB mong muốn như: làm sao để nông dân sống và làm giàu được bằng nghề của mình; nông sản Việt Nam sản xuất được người dân Việt Nam an tâm sử dụng; làm sao để nông sản xuất khẩu đi nhiều nước và không còn phải “giải cứu”.

Cuộc sống luôn vận động, không thể hy vọng mọi vấn đề đều được giải quyết gọn gàng giữa hai kỳ họp Quốc hội. Mục tiêu của hoạt động chất vấn, suy cho cùng, là phải giải quyết được những vấn đề đang bức xúc. Muốn vậy, những câu hỏi của ĐB cần phải nóng bỏng, mang hơi thở cuộc sống; phải thẳng thắn trên tinh thần xây dựng. Người trả lời chất vấn phải thể hiện rõ trách nhiệm của mình trước vấn đề đó và nêu rõ giải pháp tháo gỡ. Không thể phủ nhận tầm quan trọng của công tác giám sát sau chất vấn, nhưng trước hết, ngay sau hoạt động chất vấn, cần có một nghị quyết riêng về chất vấn (hoặc lồng ghép vào nghị quyết về kinh tế - xã hội), trong đó chỉ ra được hướng tiếp thu, giải quyết vấn đề và đặc biệt là xác định rõ thời gian giải quyết. Đừng ngân mãi điệp khúc “nhận trách nhiệm” nữa, mà hãy chịu trách nhiệm!

Tin cùng chuyên mục