Hãy bắt đầu từ sự tôn trọng

Thời gian qua, xảy ra nhiều trường hợp phụ huynh vào tận trường cãi nhau với thầy; phụ huynh vào tận trường bắt thầy cô quỳ gối; phụ huynh gọi điện, nhắn tin đe dọa thầy cô… Tại sao không phải là hợp tác, thay vì đối kháng?
Hãy bắt đầu từ sự tôn trọng

Chúng ta mua gì và tặng gì?

Thứ bảy tuần rồi, được mời ăn cơm khách tại một nhà hàng nhỏ ở trung tâm thành phố; bàn đối diện là một nhóm nam thanh nữ tú, lịch lãm có con học lớp 1, đang bàn chuyện tặng gì cho cô chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nhân ngày nhà giáo. Câu chuyện rôm rả lắm, đầu tiên là số lượng thầy cô, đến tổng số quỹ hiện có chia đều cho tất cả giáo viên, riêng cô chủ nhiệm thì gấp đôi. Từ số tiền đó, cả nhóm bàn đến mua gì, cuối cùng cả nhóm “chốt hạ”: với cô chủ nhiệm thì “bỏ phong bì là gọn nhất”, còn với giáo viên bộ môn thì xin số tài khoản, chuyển tiền cho tiện. 

Nói theo ngôn ngữ giáo dục học: “Một mối quan hệ tích cực giữa thầy cô và cha mẹ sẽ giúp con cái chúng ta cảm nhận tốt về ngôi trường chúng theo học và học tốt hơn” (TS Diane Levin, Trường Wheelock College). Mối quan hệ tích cực giữa bạn và thầy cô của con bạn sẽ giúp đứa trẻ nhận thức rằng chúng có thể tin tưởng cô giáo, thầy giáo vì bố mẹ chúng tin tưởng. Trên hết, mối quan hệ này sẽ giúp trẻ cảm nhận được rằng những người yêu thương trong cuộc đời chúng đang làm việc cùng nhau để giúp chúng học tốt hơn. Và chắc chắn, để xây dựng một mối quan hệ tích cực với thầy cô của con cái mình, chúng ta không chỉ trả lời câu hỏi mua gì, tặng gì, làm gì cho thầy cô trong ngày 20 tháng 11 mà còn nhiều hơn thế…

Tôn trọng, tin cậy và trao quyền

Tôn trọng là nguyên tắc cơ bản chúng ta cần tuân thủ khi tiếp xúc với thầy cô. Khi có vấn đề nảy sinh, hãy trao đổi với thầy cô theo kiểu mô tả khách quan sự việc, đừng can thiệp bằng cách đưa ra giải pháp và đề xuất thầy cô làm theo. Thay vì nói: “Con em cận nặng, cô (thầy) cho con em ngồi bàn nhất”, hãy nói: “Nhờ cô sắp xếp cho cháu chỗ ngồi hợp lý do con em cận nặng”. Lớp học là nơi trẻ học cách cư xử với mọi người, có thể nói đó là xã hội thu nhỏ. Trong xã hội ấy, khi đưa ra một quyết định nào đó, nhu cầu của tất cả mọi người trong xã hội cần phải được cân nhắc. Hãy giúp trẻ hiểu điều này bằng cách trao quyền đưa ra quyết định cho thầy cô, bởi hơn ai hết thầy cô hiểu con em chúng ta cần gì và cần làm điều gì tốt nhất cho con em chúng ta.

Ở một số trường, phụ huynh yêu cầu các cô gửi báo cáo bằng hình ảnh về sinh hoạt hàng ngày của con. Kết quả là, các thầy cô của chúng ta kiêm thêm công việc “thợ chụp ảnh”. Để có “báo cáo hình ảnh” kèm phụ đề thật hay, thật đỉnh hàng ngày gửi phụ huynh, thầy cô phải lấy bớt thời gian chăm sóc trẻ, thời gian nghỉ trưa của chính mình để cắt cắt, dán dán vào email. Một báo cáo chúng ta đọc mỗi ngày tương đồng với thời lượng chăm sóc dành cho con em chúng ta và thời lượng tái tạo sức lao động của thầy cô bị giảm xuống.

Tôn trọng là khi có chuyện không hài lòng xảy ra, hãy trò chuyện với thầy cô. Tôn trọng không phải là gặp thầy cô, chứng minh cho thầy cô thấy họ đã sai, bắt họ phải xin lỗi. Tôn trọng có nghĩa là hãy nhớ rằng, thầy cô cũng là con người, là con, là chồng, là vợ; họ còn là cha, là mẹ; họ cũng có những đứa con cần được chăm sóc, trò chuyện. Do đó, hãy cân nhắc thời điểm khi gọi điện, nhắn tin; đừng tự ý lập group Zalo, Viber… có thầy cô mà không cần xin phép; hạn chế tối đa các tin nhắn tiêu cực vào thời điểm tối muộn, đừng đánh cắp giấc ngủ hay những ngày nghỉ cuối tuần nhằm tái tạo sức lao động của thầy cô!

Tôn trọng để thầy cô hạnh phúc và để thầy cô chia sẻ, lan tỏa hạnh phúc đến con cái chúng ta…

Khi trao đổi chuyện không hài lòng với thầy cô, nhớ 3 bước sau: Bước 1: Hãy mở đầu bằng điều tích cực - “Em biết cô mong muốn con của em viết sạch hơn, cẩn thận hơn”. Bước 2: mô tả hiện tượng và gọi tên cảm xúc - “Nhưng khi cô xé trang con viết sai, viết ẩu, con rất sợ, tủi thân, con khóc, con không muốn đi học nữa”. Bước 3: đưa ra đề nghị - “Cô ơi, có cách nào giúp con cẩn thận hơn nhưng đừng làm con sợ, chán đi học không ạ?” Với 3 bước trò chuyện như thế, chúng ta đã thay đổi vai trò của mình: từ đối kháng sang hợp tác.

Tin cùng chuyên mục