“Hậu phương” vững chãi của chiến sĩ nhà giàn

Hơn 100 vợ lính Nhà giàn DK1 đang sinh sống trên mọi miền Tổ quốc là những “hậu phương”, điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm bám biển, canh đảo… 
1. Chúng tôi đến ấp Bến Đình xã Phú Đông huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để trao quyết định “Tặng Nhà đồng đội” cho chị Nguyễn Thị Hồng, là vợ của Trung úy chuyên nghiệp Lê Trần Phương, nhân viên cơ yếu hiện công tác tại Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc.
Căn nhà đồng đội thơm mùi vôi mới chừng 24m2 hôm nay ấm áp hơn bởi sự có mặt của lãnh đạo chính quyền địa phương, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân và bộ đội hải quân Nhà giàn DK1.
Nhận quyết định “Tặng Nhà đồng đội” của Bộ Tư lệnh Vùng 2 trao tặng, chị Nguyễn Thị Hồng mắt đỏ hoe xúc động, không nói nên lời. Những giọt nước mắt hạnh phúc cứ lăn dài trên má. Trong niềm vui, xúc động, chị Hồng nghĩ về người chồng đang công tác ở nhà giàn ngoài khơi xa…
“Hậu phương” vững chãi của chiến sĩ nhà giàn ảnh 1 Đồng chí Nguyễn Minh Thuân, Báo vụ viên Nhà giàn DK1/21, chia tay vợ con trước ngày đi nhà giàn
Chị Hồng kể, quê chị ở miền đất trung du nghèo Hà Tĩnh. Chị theo bạn vào làm công nhân giày da Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), rồi tình cờ gặp anh Phương trong một lần giao lưu kết nghĩa. Khi ấy, anh Phương công tác ở đơn vị Căn cứ 696 Hải quân. Lương ba cọc ba đồng của 2 vợ chồng không đủ sinh hoạt hàng ngày, một ngôi nhà để che nắng che mưa chỉ là mơ ước.
Nhờ nội ngoại hai bên giúp đỡ ít nhiều, anh chị mua mảnh đất sình lầy, cỏ hoang gần bãi rác ở ấp Bến Đình, dựng tạm căn chòi lá để mẹ con có chỗ chui ra chui vào.
Ngày anh đi Nhà giàn DK1, chị Hồng động viên chồng: “Nhiệm vụ của quân đội giao là quan trọng, anh cứ đi đi, mẹ con em ở nhà sẽ ổn. Bên cạnh mình còn có hàng xóm, bạn bè”. Đứa con trai chưa đầy tuổi chỉ biết nhìn bố và mẹ bịn rịn chia tay. 
Chồng đi Nhà giàn DK1, chị Hồng gửi con đi nhà trẻ để tất bật lo toan cuộc sống. Hàng ngày, đạp xe vượt gần chục cây số đến xí nghiệp, chiều tối trở về, mẹ con cơm nước đạm bạc.
Nhớ lại những ngày khó khăn, chị nghẹn ngào: “Thời gian anh ấy đi Nhà giàn DK1, mẹ con em ở nhà khổ lắm. Nội ngoại ở xa đều nghèo, lúc con ốm em chẳng biết kêu ai. Nhiều đêm mưa tầm tã, mẹ con ôm nhau co ro. Những lúc như thế lại thấy thương anh ấy, vì ngoài biển dông bão bất thường. Em nghĩ, ở đất liền khó khăn, thiếu thốn cũng chẳng thấm gì so với các anh ở nhà giàn. Nếu nói vợ lính nhà giàn không thiệt thòi là không đúng, nhưng em luôn tự hào và kiêu hãnh vì công tác của chồng...”.
2. Trong hơn 100 nữ quân nhân là vợ của các chiến sĩ Nhà giàn DK1 đang làm nhiệm vụ ở Lữ đoàn 171, Hải đội 811, 812, Căn Cứ 696, Đại úy chuyên nghiệp Nguyễn Thị Minh hiện là Tiểu đội trưởng Tiểu đội CHX, Lữ đoàn 171 - vợ của Thiếu tá chuyên nghiệp Lê Hữu Toàn - một điển hình của người phụ nữ “4 trong 1”: làm mẹ, làm cha, chủ nhà, chủ hội.
Cưới nhau 17 năm, thời gian ở bên chồng chỉ đếm trên đầu ngón tay, anh Toàn liên tục công tác ngoài Nhà giàn DK1 nên mọi việc gia đình đều một tay chị Minh lo toan, gánh vác. Chị Minh chia sẻ: “Vợ lính bao giờ cũng thiệt thòi. Ngày lễ, tết, hoặc tối cuối tuần, nhìn gia đình bên nhau, còn mình thì vò võ tủi thân lắm. Công việc cơ quan bận rộn. Con hàng xóm được bố mẹ đón đưa, con mình tự đi học, tự về. Đồng lương ba cọc ba đồng, tằn tiện lắm mới đủ sống và đóng tiền học cho con”.
Trong buổi giao lưu điển hình tiên tiến “Phụ nữ Hải quân khu vực phía Nam”, chúng tôi không kìm được xúc động khi nghe chị Minh kể câu chuyện “bố vắng nhà”.
Lần đó, con trai chị đi chơi bên hàng xóm về hỏi mẹ: Mẹ ơi, sao nhà mình không có bố? Nuốt nước mắt vào trong, chị bảo: Có chứ. Bố con đi xa, xa lắm. Sẽ về. Rồi chị lấy ảnh cưới của mình cho con xem để con làm quen với bố. Cả hội trường im lặng. Chị Minh đọc bài thơ viết cho chồng: Chẳng bao giờ anh hiểu hết được đâu/ Nỗi vất vả của người mẹ vừa làm cha, vừa làm chủ nhà, chủ hội/ Của người lính thông tin trực ca sớm tối/ Của những đứa con chỉ biết học biết chơi
Anh Lê Hữu Toàn hiện công tác ở Nhà giàn DK1/21. Qua điện thoại, anh Toàn cho biết việc anh làm trong ngày 20-10: “Gần tặng hoa, xa tin nhắn”. Chị Minh chia sẻ: “Những lúc nhớ chồng, em và anh ấy “chat” (trò chuyện) với nhau qua máy I-Com sóng cực ngắn. Bây giờ thông tin thuận lợi, vợ chồng nghe được tiếng của nhau, nhưng vẫn thấy cô đơn mỗi lúc đêm về. Mỗi lúc con hỏi cha sao đi biển mãi chẳng về, em chỉ muốn khóc”.  
“Hậu phương” vững chãi của chiến sĩ nhà giàn ảnh 2 Nhà giàn DK1, nơi có những người chồng, người cha đang công tác
3. Tiếp xúc với những người vợ lính Nhà giàn DK1, chúng tôi mới vỡ lẽ 2 chữ “tuyển quân”. Những câu chuyện tuyển quân được các chiến sĩ nhà giàn truyền nhau như một mách bảo đầy kinh nghiệm. Nhiều chị đi tuyển quân nhưng không phải ai cũng thuận buồm xuôi gió.  
Câu chuyện tuyển quân của chị Nguyễn Thị Chiến, vợ Thiếu tá Bùi Văn Dong, y sĩ Nhà giàn DK là một thiệt thòi và đáng thương. 17 năm qua, căn nhà thuê của vợ chồng chị chưa đầy 15m2, chỉ đủ kê chiếc giường và bàn bếp, vậy mà vẫn trống trải vì luôn vắng bóng chồng.
Chị Chiến nghẹn ngào: “Em vào đây đã 17 năm. Chỉ mong có thêm đứa con nữa. Anh Dong đã chục lần về mà mãi chưa được. Một mình ở đây buồn lắm”.
Chúng tôi xúc động khi đọc được bài thơ chị viết gửi tặng chồng những ngày mới cưới: Chỉ bên em ít ngày rồi anh lại đi xa/ Em trải dài nỗi nhớ theo tháng năm chờ đợi/ Bạn bè em ai cũng bảo yêu lính là dại khờ nông nổi/ Bởi gia tài có gì hơn ngoài chiếc ba lô… 

Tin cùng chuyên mục