Hầu hết nhà trường và doanh nghiệp mới chỉ dừng ở “hợp tác ngắn hạn“

Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ chiến lược dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở "sự hiểu biết phát triển ban đầu" hoặc "hợp tác ngắn hạn". 
Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực
Phiên họp thứ nhất của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực

Ngày 18-8 đã diễn ra phiên họp thứ nhất của Ủy ban về giáo dục và phát triển nhân lực (thuộc Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh). Phiên họp do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ tịch Ủy ban về Giáo dục và phát triển nhân lực, chủ trì.

Thông tin tại phiên họp cho thấy, Bộ GD-ĐT đã có những biện pháp, chính sách rất cụ thể để thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp.

Về phía trường đại học, ngoài việc gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo với hỗ trợ việc làm, tuyển sinh với tuyển dụng thông qua ký kết hợp tác đào tạo, hội chợ việc làm với các doanh nghiệp… nhiều trường còn thành lập các quỹ học bổng, sân chơi khởi nghiệp nhằm mang đến cơ hội tự tạo việc làm, xây dựng bản lĩnh cho sinh viên của mình. Một số trường đại học bước đầu hướng chương trình đào tạo của mình theo nhu cầu của doanh nghiệp bằng cách tham khảo ý kiến doanh nghiệp về chương trình đào tạo của mình, mời các doanh nhân tham gia vào một số chương trình giảng dạy, trao đổi ý kiến, hướng nghiệp...

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, kết quả khảo sát vào tháng 6-2021 cho thấy, tổng số doanh nghiệp có hợp tác với 135 cơ sở giáo dục đại học được khảo sát là 6.126 doanh nghiệp, đạt tỷ lệ trung bình là 60 doanh nghiệp/cơ sở đào tạo.

Hoạt động hợp tác nổi bật nhất giữa trường đại học - doanh nghiệp trong đào tạo là hoạt động tiếp nhận sinh viên đến kiến tập/thực tập (gần 90%). Các đơn vị không tiếp nhận sinh viên thực tập chủ yếu rơi vào các viện hoặc trung tâm nghiên cứu.

Hoạt động hợp tác chiếm vị trí thứ 2 là tài trợ cho các hoạt động liên quan đến đào tạo và ngoại khóa bao gồm: trao học bổng sinh viên, tổ chức ngày hội việc làm, và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp (gần 70%). Đây cũng là hoạt động mà đa số các cơ sở đào tạo hướng tới nhằm tìm kiếm đầu ra cho sinh viên của mình.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, việc các doanh nghiệp tham gia góp ý cho chương trình đào tạo, tham gia giảng dạy chủ yếu dừng lại ở mức độ 30%, tập trung chủ yếu vào việc chia sẻ kinh nghiệm và đào tạo kỹ năng cho sinh viên, đánh giá đầu ra và xây dựng chuẩn đầu ra trong chương trình đào tạo. Tương tự, số lượng thỉnh giảng từ các doanh nghiệp đạt tỷ lệ dưới 30%. Điều này cho thấy doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến vai trò của mình đối với quá trình đào tạo nhân lực. Trong khi đó, việc tham gia góp ý chương trình đào tạo, đưa ra tiêu chí đánh giá chuẩn đầu ra cho sinh viên là việc hết sức cần thiết để có thể đào tạo ra những nhân lực đáp ứng được những đòi hỏi của thị trường lao động.

Đáng chú ý, báo cáo cũng chỉ ra không nhiều cơ sở giáo dục đại học có hợp tác trong nghiên cứu khoa học. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không phải là từ chiến lược dài hạn (78% so với 22%). Mức độ hợp tác chủ yếu là ở "sự hiểu biết phát triển ban đầu" hoặc "hợp tác ngắn hạn". Chỉ có một số trường đại học đang lần lượt được coi là "đối tác lâu dài" và "đối tác chiến lược" của các doanh nghiệp.

Về khó khăn dẫn đến liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn khó khăn, thì hạn chế từ cơ chế chính sách chiếm tới 42%.

Dựa vào kinh nghiệm quốc tế cũng như phân tích bối cảnh, thực trạng ở Việt Nam, báo cáo chuyên đề đề xuất các nhóm chính sách hỗ trợ thúc đẩy hợp tác giữa trường đại học - doanh nghiệp. Trong đó, hàng đầu là nhóm giải pháp chính sách cải thiện môi trường thông tin. Theo đó, xây dựng môi trường thông tin minh bạch về cung - cầu nhân lực chất lượng cao là yêu cầu bức thiết hiện nay. Cụ thể, phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động; xây dựng và hoàn thiện hệ thống truy vết sinh viên tốt nghiệp.

Bên cạnh đó là nhóm giải pháp chính sách tạo động lực giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Cần có một cơ quan chuyên trách về việc tổ chức thực hiện Khung trình độ quốc gia, trong đó có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học cũng như đại diện doanh nghiệp.

Báo cáo cũng nhấn mạnh đến nhóm giải pháp chính sách phát triển đại học tự chủ sáng tạo, khởi nghiệp. Ban hành các chính sách hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho trường đại học trong việc triển khai xây dựng các vườn ươm doanh nghiệp thông qua nhiều dự án khác nhau...

Tin cùng chuyên mục