Hậu Giang tăng tốc phát triển trong tình hình mới

Nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hậu Giang có bước phục hồi mạnh mẽ. Tỉnh cũng đang thay đổi, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ người dân và doanh nghiệp.
TP Vị Thanh nằm bên dòng Xà No đang trờ thành tuyến du lịch hấp dẫn tiều vùng Tây Sông Hậu
TP Vị Thanh nằm bên dòng Xà No đang trờ thành tuyến du lịch hấp dẫn tiều vùng Tây Sông Hậu

Doanh nghiệp chung tay tạo bứt phá 

Tại tỉnh Hậu Giang, các buổi cà phê doanh nhân được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức đã có sự tham dự của lãnh đạo tỉnh và thu hút rất đông doanh nhân.

Tham dự buổi cà phê doanh nhân, đồng chí Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang, chia sẻ, đúng như câu slogan “Đồng hành và chia sẻ” của buổi cà phê, nhờ không gian này, chính quyền có thêm điều kiện thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, trao đổi về các cơ chế, chính sách kêu gọi đầu tư. Cũng qua đây, lãnh đạo tỉnh mong muốn được lắng nghe doanh nhân phản hồi các chính sách của địa phương.

Tại buổi cà phê doanh nhân, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang trân trọng ghi nhận những đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp - đã đồng lòng chung tay cùng tỉnh vượt qua nhiều khó khăn và tác động của dịch Covid-19, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Năm 2021, mức tăng trưởng của tỉnh đạt 3,08%, đúng với mục tiêu đề ra. Hậu Giang là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao thứ 2 trong 13 tỉnh thuộc ĐBSCL và cao hơn bình quân cả nước là 0,5%. Kết quả này có được từ sự nỗ lực rất lớn của tỉnh, trong đó có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp. Đáng chú ý là năm 2021, Hậu Giang đã lập kỷ lục thu ngân sách trên địa bàn cao hơn 35% so với kế hoạch Trung ương giao.

Qua 5 tháng đầu năm 2022, nhờ kiểm soát tốt dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Hậu Giang có bước phục hồi mạnh mẽ. Theo Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang, dù chưa hết tháng 6, nhưng qua theo dõi và tính toán sơ bộ của đơn vị, thì ước tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6 tháng đầu năm của tỉnh đạt 11%. Trong đó, đóng góp nhiều nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng khi chiếm 7%, tăng 26,26% so với cùng kỳ; riêng khu vực công nghiệp đóng góp đến 6,72%.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, sự bứt phá trên là nhờ các doanh nghiệp ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo trên địa bàn đã thực hiện nhiều giải pháp hiệu quả, thích ứng với tình hình mới. Đồng thời các doanh nghiệp đã chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Bằng sự chuyển hướng này, các doanh nghiệp đã ký thêm được nhiều hợp đồng với đối tác ở thị trường mới, như: Trung Quốc, Philippines, Thái Lan và một số nước EU. Đặc biệt, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 được đầu tư hoàn thành và đi vào hoạt động từ đầu năm đến nay (sản phẩm chính là nhiệt điện than, sản lượng sản xuất bình quân 345 triệu kWh/tháng), cùng với nhiều cơ sở và doanh nghiệp ngành sản xuất điện năng lượng mặt trời mới đi vào hoạt động đã tạo thêm bước phát triển cho kinh tế - xã hội của tỉnh. 

Chuyển tư duy quản lý sang tư duy phục vụ

Trước đông đảo doanh nhân, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành đã nhấn mạnh đến việc chuyển tư duy quản lý sang tư duy phục vụ. Đồng chí nhắc nhở lãnh đạo các sở, ngành và các huyện trong tỉnh Hậu Giang: “Trong tiếp cận với doanh nghiệp, cần tránh tình trạng trên thì mở, dưới thì khép. Phải thay đổi tư duy từ cấp phép, cho phép sang phương thức phục vụ người dân và doanh nghiệp. Có nghĩa là, phải thay đổi quan điểm từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ”. 

Năm 2022, tỉnh Hậu Giang chọn là năm Doanh nghiệp với tinh thần “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Hậu Giang đang trong tâm thế sẵn sàng chào đón doanh nghiệp và đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đến đầu tư, sản xuất kinh doanh. Tỉnh xác định, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của Hậu Giang và khẩu hiệu hành động của tỉnh là “2 nhanh” và “3 tốt”, đó là “nhanh giải phóng mặt bằng và thủ tục đầu tư” và “cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt”. 

Hiện nay, UBND tỉnh Hậu Giang đang khẩn trương chuẩn bị cho Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang, dự kiến tổ chức vào cuối tháng 6-2022. Đây là hoạt động quan trọng nhằm quảng bá các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư của tỉnh trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch. Chủ đề năm Doanh nghiệp với tinh thần “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui” cũng thể hiện sự cầu thị, đồng hành và cam kết mạnh mẽ của chính quyền tỉnh trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến đầu tư. Hậu Giang kỳ vọng các nhà đầu tư sẽ đến với tỉnh, tham gia đầu tư vào các dự án, nhất là những dự án trọng điểm.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết, nhiều cơ hội đang mở ra giúp Hậu Giang kết nối giao thông thông suốt với các tỉnh ĐBSCL. Cụ thể, 2 tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua địa bàn Hậu Giang khoảng 100km sẽ tạo ra chuỗi kết nối mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang.

Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục tạo cơ chế phù hợp để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn và có sự chọn lọc. Các doanh nghiệp đến đầu tư cũng cần quan tâm tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, giúp người dân “ly nông bất ly hương”, đồng thời thiết thực đóng góp ngân sách cho tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tiềm lực tài chính ở TPHCM và thủ đô Hà Nội đã “ngoéo tay” chọn đầu tư vào tỉnh Hậu Giang. Trong đó, một số doanh nghiệp lớn muốn đầu tư dự án với quy mô khoảng 600ha tại địa phương. 

Hậu Giang - địa phương nằm ven sông Hậu và kinh xáng Xà No, đang có nhiều tuyến giao thông quan trọng sắp được kết nối. Cơ hội đã và đang mở ra giúp tỉnh Hậu Giang tăng tốc phát triển.

Tin cùng chuyên mục