Hậu dịch Covid-19: Người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao

Chỉ trong tháng 5-2020, TPHCM có gần 26.700 người lao động (NLĐ) đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (TCTN), tăng 31% so với cùng kỳ. Theo quy định, NLĐ có thời gian nộp hồ sơ hưởng TCTN trong vòng 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, do đó, từ sau tháng 5-2020, dự báo số người đề nghị hưởng TCTN trên địa bàn thành phố sẽ còn tăng cao.
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Người lao động đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tăng người hưởng, giảm người tham gia

Nếu như cả năm 2019, mỗi ngày TPHCM có khoảng 500 người hưởng TCTN (gần 159.000 người/năm), thì hiện nay con số này lên tới 1.000 người/ngày. Chỉ riêng tháng 5-2020, toàn thành phố có gần 26.700 người lãnh khoản trợ cấp này và trong 5 tháng đầu năm 2020, có gần 71.000 NLĐ đề nghị hưởng TCTN, tăng 11% so với cùng kỳ.

Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM (Sở LĐTB-XH TPHCM) cho hay, hiện tại trung tâm tiếp nhận hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp, tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề tại Phòng Bảo hiểm thất nghiệp ở quận Bình Thạnh cùng 6 chi nhánh bảo hiểm thất nghiệp tại các quận 4, 6, 9, 12, Tân Bình và huyện Củ Chi. Chưa tính tới số người đến thông báo tình trạng việc làm, người đến nhận kết quả giải quyết hồ sơ, thì trung bình mỗi ngày, các điểm đã tiếp nhận gần 1.400 hồ sơ mới, cao điểm lên tới 2.000 hồ sơ/ngày. Mỗi nhân viên trung tâm phải xử lý khoảng 50 - 70 hồ sơ/ngày. 

“Trung tâm phải động viên nhân viên làm việc ngoài giờ. Mỗi hồ sơ được xử lý trong thời gian 6 phút. Trung tâm có tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp và thông báo về việc tìm kiếm việc làm của NLĐ gửi theo đường bưu điện, tăng cường tư vấn cho NLĐ qua điện thoại, website. Tuy nhiên, hồ sơ gửi qua đường bưu điện sai sót rất nhiều, trung tâm phải điện thoại mời NLĐ đến bổ sung hồ sơ, tốn thêm nhiều thời gian”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM cho hay.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp gắn liền với chính sách việc làm của Nhà nước, với mục tiêu là hỗ trợ về thu nhập cho NLĐ bị thất nghiệp, góp phần ổn định đời sống của người thất nghiệp và gia đình. Tạo thuận lợi cho NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM phối hợp với Bảo hiểm xã hội TPHCM và các ngân hàng thực hiện phát thẻ bảo hiểm y tế, thẻ ATM cho NLĐ cùng lúc với trả quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cho biết 97% người lãnh TCTN được nhận qua tài khoản cá nhân. Do tác động của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng, dẫn đến việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cũng gặp khó khăn. Toàn thành phố có hơn 2,2 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, đạt 85% so với kế hoạch, giảm gần 8,6% so với cuối năm 2019 (giảm 208.000 người).

Nên bỏ quy định “tháng liền kề”

Trong khi nhiều NLĐ được hưởng TCTN, coi như được bù đắp một phần thu nhập lúc mất việc, thì cũng có NLĐ không được hưởng chế độ này, vì sự thiếu tuân thủ pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp của DN. Chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (ngụ quận 8, TPHCM) đang lo lắng rằng, chị nghỉ việc từ tháng 2-2020 nhưng chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội vì công ty cũ nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương nhân viên. “Tôi chưa tìm được tiếng nói chung với công ty trong việc chốt sổ. Thời hạn làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp là 3 tháng và cần có tháng nghỉ liền kề với tháng đóng; trong khi mấy tháng nay tôi không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Đợi đến khi sổ được chốt rồi, thì không rõ có làm được bảo hiểm thất nghiệp nữa không, hay đã qua thời hạn 3 tháng rồi”, chị Hiền lo ngại. 

Thời gian qua, không ít NLĐ rơi vào tình cảnh như chị Hiền. Trước tình trạng này, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Trần Ngọc Sơn đề xuất cơ quan chức năng cần xem xét, có hướng dẫn với trường hợp NLĐ, người sử dụng lao động có tranh chấp phải ra tòa, kéo dài thời gian giải quyết, dẫn đến NLĐ không đủ điều kiện hưởng TCTN vì quá thời hạn 3 tháng theo quy định tại Điều 46 Luật Việc làm; hoặc trường hợp DN không chốt sổ kịp thời cho NLĐ do nợ bảo hiểm xã hội, thời gian chốt sổ kéo dài quá thời hạn 3 tháng, dẫn đến NLĐ không đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định.

Bà Lê Thị Kiều Phượng cho hay, nhiều đơn vị có tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhưng lại nợ tiền đóng cho NLĐ, dẫn tới quyền lợi của NLĐ cũng không được đảm bảo khi chấm dứt hợp đồng lao động, nhất là ở các DN kinh doanh có chủ bỏ trốn, giải thể, phá sản. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định 28/2015, NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là NLĐ có tháng liền kề trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đóng bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều trường hợp NLĐ không đáp ứng đủ điều kiện có tháng liền kề. Trong trường hợp này, NLĐ không đủ điều kiện hưởng TCTN theo quy định.

Bà Lê Thị Kiều Phượng kiến nghị Cục Việc làm, Bộ LĐTB-XH xây dựng phần mềm quản lý lao động, biến động lao động trên phạm vi toàn quốc, nhằm rà soát, dò tìm NLĐ có việc làm mà vẫn đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp, sớm thu hồi tiền trợ cấp và phòng tránh trục lợi bảo hiểm thất nghiệp."

Tin cùng chuyên mục