Hạt bụi nghiêng mình


Ở đâu các ông bà thứ út bị chìm chứ ở vùng sông nước miền Tây cù lao quê tôi thứ út hơi bị nổi. Do đất đai có giới hạn lại thêm bên lở bên bồi trong khi người lại nở ra, quê tôi như rải người đi khắp nơi tìm đường sống, còn đi khắp thế giới nữa. 

Theo tập tục, con út ở lại nhà lo hương hỏa. Dần dần xứ quê, các con rạch đi đâu cũng đụng mặt ông bà thứ út. Út nhứt, út nhì, út thôi, út hết, út chắt, út mót, út còn, út nữa. 

Tiếng Việt chưa đủ cầu viện tiếng Tây U khỏi đụng hàng. Út fine nghe oai ngờ đâu được Việt hóa ra là út phinh. Chú có thời gian làm cán bộ xã lem nhem sao đó số tiền không lớn, được bà con bỏ thêm dấu huyền vào cái tên thành ra út phình chết danh. Ai nghe cũng cười, với người Việt mình cười có nhiều nghĩa như cười thương chẳng hạn. Tôi cười, tình thiệt tôi thương những ông bà thứ út, những lần giỗ chạp tôi ngồi giữa, thấy họ như là người lưu giữ ký ức.

Ngồi trong bàn họ luôn là người mở đầu nhắc lại những chuyện đã quên đi, nhắc lại nguồn gốc xa xưa. Nói về nguồn gốc thì dân miền Tây như sống giữa cái nhớ và quên bởi là gốc lưu dân ở miền ngoài vô. Nhớ tới ông ngoại, ông nội thêm ông cố nữa là giỏi. Các ông lớn hơn thì kể như không biết ở đâu mơ hồ, chẳng có gánh họ nào ghi gia phả. Qua chuyện thời nay nó coi bộ phong phú hơn nhưng rồi vẫn rơi vào chỗ buồn mà không biết buồn gì. Từng hình ảnh người lìa xứ sở hiện ra. Nhưng sao có người xa quê quá lâu, giàu hay nghèo sao vẫn chưa về. Hay ban đầu những đứa con lưu lạc tìm đường về vì đó là nhà, còn bà mẹ già, anh em, bà con họ hàng… nhưng sau đó lối đi về thưa dần rồi bặt tin.

Thật buồn khi thấy mỗi khi nhà có gì ngon bà mẹ nhắc tới con mình. Chị em nhắc về một người anh. Cuối cùng mẹ thà coi như hạt bụi - chị thà coi như chiếc lá bay (thơ Thâm Tâm). Tôi đang viết gì, chưa biết nhưng tôi biết miền quê nhìn thấy cảnh bề ngoài vườn tược xanh mát nhưng bên trong… Tâm trạng người đi kẻ ở ai buồn hơn ai. 

Tình cờ phát hiện nhà văn Sơn Nam trong vai người đi như đối lại với nhà thơ Thâm Tâm. Bài thơ đề từ Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam đoạn cuối cũng nói tới bụi nhưng là - phong sương mấy độ qua đường phố - Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê - hiu hiu buồn. Bài thơ đã nói lên tính cách của người dân phương Nam. Miền đất tưởng chừng như được khai phá xong từ ba trăm năm qua nhưng nó vẫn còn mới mẻ.

Vẫn rộng lượng hào phóng như bà ngoại bụng dạ rộng rãi luôn dành miếng bánh nhỏ cho cháu. Vẫn còn chỗ đất hoang vắng thưa người cho kẻ đi sau. Thóc ở đâu bồ câu bay tới đó. Dân nghèo của xứ cù lao, của các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre thêm đám di dân mới ở miền Bắc vô nữa tiếp tục đổ dồn về Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, về Rạch Giá, Cà Mau vừa có biển, vừa có rừng, coi như đây là cuộc khai phá đồng bằng sông Cửu Long lần thứ hai cũng nhiều vất vả nhọc nhằn để thay đổi bộ mặt đồng bằng, vẫn chưa được sách nào nói đến. Cái tính không gò bó vô khuôn khổ, phóng khoáng thích phiêu bạt đi để viết lại cuộc đời mình của dân miền Tây hình như mang tính di truyền từ buổi ban đầu đi mở cõi.

Nó tạo cho xã hội sức sống năng động. Những năm sau này người đổ xô về thành phố lớn, các khu công nghiệp. Tuy nhiên ở đây như có sự lập lại hình ảnh trong ký ức. Ra đi hứa hẹn trở về vì đó là nhà nhưng rồi ra đi gặp đất đai người mới níu chân phiêu bạt. Rồi như ngày xưa, ra đi gặp vịt cũng lùa, gặp duyên cũng kết, gặp chùa cũng tu. Tới đây thì ở lại đây. Cuối cùng trở thành lưu dân mặc dù Long Xuyên - Cà Mau - Sài Gòn cách nhau vài trăm cây số, không xa gì, ở Mỹ người ta còn về được.

Quê tôi có rất nhiều người rủ nhau xuống Cà Mau khai khẩn đất làm ruộng nuôi tôm, trong đó có anh con của người dì. Anh tự kiếm vợ, sinh con, khi dì mất cha con anh về dự đám tang rồi biệt tăm. Chị tôi một lần thì thầm - chú hay đi đó đây có xuống Cà Mau tìm giùm anh chú coi ở đâu - Tôi chợt nhớ bài thơ của Sơn Nam cũng muốn mong gặp lại xem, coi hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê như thế nào.

Sau nhiều năm dò la cuối cùng tìm được anh ở mãi tận Đầm Dơi, một xóm ven rừng hắt hiu quy tụ dân tứ xứ Nam lẫn Bắc. Buổi anh em gặp nhau thật xúc động, tưởng thời gian là thuốc lãng quên đâu ngờ bao nhiêu chuyện để nói. Vì sao không về quê chẳng qua là nghèo, lo cặm cụi làm ăn, hơn nữa về quê tốp lớn không còn ai, đám trẻ thì như xa lạ. Những người lưu lạc gặp nhau kết thành hội đồng hương. Ở Cà Mau tôi phát hiện những hạt bụi nhớ quê để ra tục gọi là Kết Ní. Cũng giống như nhận anh chị nuôi nhưng Kết Ní khác ở chỗ phải cùng tên hoặc cùng tuổi với anh chị em mình.

Gọi nhau là Ní anh, Ní chị, Ní em, còn có Ní cha… coi như một gia đình bản sao từ gia đình cũ. Mấy mươi năm ở Cà Mau anh tôi gặp một người cùng tuổi chị và cùng em của mình rồi nhận Ní họ hàng. Chị em Ní của anh hay tin có khách, người xách vịt xiêm, kẻ mang xâu cua làm buổi ăn mừng ngày gia đình họp mặt. Nhìn anh gọi người bằng chú, người bằng chị, tôi nghe lòng bồi hồi và cảm thấy vui. Hóa ra dân gian nói - cái đám ní na ní nầng là đây - Hóa ra người quê xứ là nơi sinh ra để ở, quê xứ còn mãi trong tâm hồn. 

Tôi viết bài này nghĩ tới những người hiện nay đang lưu lạc ở nước ngoài, nghe nói còn lên đến xứ châu Phi nữa, chắc họ cũng vậy. Có thể tục kết bạn Ní lan qua đấy. Biết đâu.

Tin cùng chuyên mục