Hấp dẫn thị trường tiêu dùng nội địa

Theo thống kê của Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 9 tháng qua ước đạt hơn 767.000 tỷ đồng, tăng 12,7% (cùng kỳ tăng 10,82%).
Saigon Coop khai trương nhiều cửa hàng tiện lợi Co.op Food tại TPHCM và Hà Nội
Saigon Coop khai trương nhiều cửa hàng tiện lợi Co.op Food tại TPHCM và Hà Nội

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 500.000 tỷ đồng, chiếm 64,1% tổng mức doanh thu (tăng 12,81% so với cùng kỳ). Đây là mức tăng khá cao, cho thấy thị trường tiêu dùng tại Việt Nam vẫn đang còn rất nhiều tiềm năng. 

Thu hút đầu tư

Lý giải thực tế này, đại diện Sở Công thương TPHCM cho biết, trong tháng 9 có đợt nghỉ lễ 3 ngày (nhân dịp Quốc khánh trùng vào dịp nghỉ cuối tuần) nên số lượng người dân mua sắm tại các siêu thị tăng cao. Đơn cử, tại hệ thống siêu thị Co.opmart, sức mua tăng trung bình 20% - 40%, hệ thống siêu thị Lottemart, Aeonmall… doanh thu tăng 20% - 25%. Những nhóm ngành hàng có sức mua tăng cao chủ yếu tập trung vào các loại thực phẩm tươi sống, như rau củ quả; thịt, cá, thủy hải sản các loại; nước giải khát, bia, nước ngọt và các loại sản phẩm có khuyến mãi như dầu ăn, nước mắm, gạo, bột giặt, nước giặt… Riêng nhóm dụng cụ nhà bếp và may mặc tăng trung bình 15% so với ngày thường. 

Cũng theo Sở Công thương TPHCM, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt bình quân khoảng 85.000 tỷ đồng/tháng và tăng trưởng bình quân 0,86%/tháng. Với tốc độ này, dự ước cả năm 2018 đạt khoảng hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 11,8%, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm là 10%. 

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đây chưa phải là điểm nút tăng trưởng của thương mại nội địa. Tốc độ tăng trưởng của ngành này sẽ còn tiếp tục duy trì ở mức 2 con số trong vòng 5 năm tới và tập trung tại các đô thị lớn như TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai…

Nguyên nhân là do quá trình đô thị hóa tại các tỉnh, thành trên đang diễn ra nhanh chóng. Sự tham gia đầu tư ồ ạt của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã kéo theo sự tăng nhanh dân số cơ học tại các khu vực này, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, nhất là sản phẩm thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh. Mặt khác, khu dân cư hình thành tập trung cũng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà bán lẻ trong và ngoài nước phát triển hạ tầng hệ thống phân phối. Chỉ tính riêng trên địa bàn TPHCM, trung bình mỗi năm dân số tăng khoảng 200.000 người.

Tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai… dân số cũng tăng nhanh do chính sách thu hút đầu tư ngày càng minh bạch với nhiều ưu đãi. Từ đó đã tạo động lực để các nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đổ mạnh vốn vào các khu vực này. Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, sự hình thành nhanh và dày đặc các khu chế xuất, khu công nghiệp cộng với lực lượng lao động kéo đến làm việc, sinh sống tại các tỉnh ngày càng nhiều, góp phần hình thành quy mô thị trường tiêu dùng ngày càng lớn. 

Cần công bằng ưu đãi

Đón đầu xu hướng phát triển của thị trường tiêu dùng, các nhà phân phối nội cũng như ngoại đã đẩy mạnh mở rộng hệ thống phân phối thông qua khai trương hàng loạt hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cho biết chỉ trong tháng 9 qua, Saigon Co.op đã đưa vào hoạt động nhiều cửa hàng tiện lợi tại 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội. Cụ thể, tại Hà Nội, Saigon Co.op đưa vào hoạt động 3 Co.op Food là Co.op Food Gemek, Co.op Food Nghĩa Đô và Co.op Food Ecohome.

Trước đó, đơn vị này cũng đưa vào hoạt động tại TPHCM thêm 3 cửa hàng là Co.op Food Tăng Nhơn Phú (quận 9), Co.op Food khu dân cư Thanh Niên và Co.op Food chung cư Đạt Gia (cùng ở quận Thủ Đức), nâng tổng số Co.op Food lên 260 cửa hàng. Báo cáo mới đây về thị trường bán lẻ của Savills Việt Nam cho thấy, tại Việt Nam, cứ khoảng trên dưới 50.000 người thì có 1 cửa hàng tiện lợi. Dữ liệu một lần nữa khẳng định dư địa phát triển hệ thống phân phối bán lẻ, nhất là hệ thống cửa hàng tiện lợi. Đây cũng là cơ sở để tạo “cơn lốc” đầu tư cửa hàng tiện lợi tại TPHCM và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước trong những năm tới.

Hiện các hệ thống phân phối ngoại quốc tế như FamilyMart đến từ Nhật Bản, Circle K đến từ Mỹ, Shop&Go và B’s mart đến từ Đông Nam Á đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Gần đây, GS25 (chuỗi cửa hàng tiện lợi của Hàn Quốc) đã vào thị trường Việt Nam và đang lên kế hoạch mở hơn 2.500 cửa hàng trên khắp cả nước trong 10 năm tới. Điều đáng nói, các nhà bán lẻ ngoại này đã đưa ra những mục tiêu hết sức tham vọng khi quyết định tăng hệ thống phân phối lên hàng ngàn cửa hàng tiện lợi, siêu thị trong vài năm tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia bất động sản nhận định, sự gia tăng nhanh chóng hệ thống phân phối bán lẻ sẽ gia tăng áp lực lên giá cho thuê mặt bằng các cửa hàng. Hiện giá cho thuê mặt bằng tại khu vực đô thị lớn đã tăng mạnh, từ 20% - 50%. Thậm chí, có những điểm giá cho thuê mặt bằng tăng đến 100% trong 2 năm qua. Nhiều hệ thống phân phối ngoại có tiềm lực vốn đầu tư, kinh nghiệm phát triển thị trường lâu đời, chấp nhận phá giá thị trường, đẩy giá cho thuê mặt bằng lên cao nhằm tăng sự hiện diện của thương hiệu, đồng thời chiếm lĩnh nhanh thị phần nội địa. Thực tế này đang khiến nhiều hệ thống phân phối, nhất là hệ thống phân phối nội địa có phần đuối sức. 

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, các hệ thống phân phối ngoại mở đến đâu sẽ tạo điều kiện cho hàng ngoại phủ sóng thị phần tiêu thụ tới đó. Dù các hệ thống phân phối ngoại cũng có những chính sách tiếp nhận nguồn sản phẩm doanh nghiệp nội cung ứng, nhưng thực sự để tồn tại được trong hệ thống này không dễ. Họ thường đặt ra những rào cản về tiêu chuẩn, chất lượng, chi phí chiết khấu hoặc thuê quầy kệ giá cao, vượt khả năng của doanh nghiệp nội.

Trong khi đó, họ lại áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, ưu tiên cho sản phẩm của nước họ. Thậm chí, để có thể chiếm được thị phần nội địa, hệ thống phân phối ngoại bắt tay doanh nghiệp sản xuất của nước họ cùng thực hiện chính sách lợi kép. Theo đó, hệ thống phân phối giảm chi phí chiết khấu, chi phí thuê quầy kệ cho doanh nghiệp sản xuất. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất giảm giá thành sản phẩm hoặc tăng chính sách khuyến mại. Do vậy, doanh nghiệp nội sẽ rất khó cạnh tranh. 

Để có thể chắc chân thị phần nội địa, nhà bán lẻ cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước cho rằng, các cơ quan chức năng cần tính đến việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nội phát triển. Đặc biệt, cần công bằng trong chính sách ưu đãi đất, vốn đầu tư giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại. Quan trọng hơn, cần có những cơ chế hậu kiểm chặt chẽ để tránh tình trạng các doanh nghiệp ngoại (nói chung) bắt tay phá giá thị trường nhằm đánh bật doanh nghiệp nội ngay tại sân nhà, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho hay tính đến nay, toàn thành phố đã có khoảng 2.144 cửa hàng tiện lợi, tăng 372 cửa hàng so với cuối năm 2017. TPHCM đã phát triển được 4.127 điểm bán hàng thực phẩm bình ổn thị trường, tăng 184 điểm so với năm 2017.

Tin cùng chuyên mục