Hấp dẫn du lịch sinh thái

Nếu đến huyện Củ Chi, TPHCM bằng ô tô hay xe gắn máy, du khách sẽ dễ dàng bắt gặp vẻ đẹp cổ kính của đình Tân Thông, xã Tân Thông Hội. 
Nắp hầm xuống địa đạo Củ Chi
Nắp hầm xuống địa đạo Củ Chi

Du khách cũng không dễ bỏ qua sự độc đáo của địa đạo Củ Chi, di tích đền Bến Dược. Nét hấp dẫn rất riêng khác của vùng đất có truyền thống cách mạng là những trang trại bò sữa, làng nghề truyền thống hay ẩm thực địa phương phong phú.

Một ngày tháng 11, chúng tôi đến thăm vườn lan Huyền Thoại của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền (xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), ai cũng ngẩn ngơ với trang trại lan rộng 7ha đang khoe sắc. Những giò lan đỏ redsun, đỏ lá quặt, vàng lê na, vàng mai, vàng đồng, bò cạp phượng vỹ, denrobium trắng… làm mê hoặc du khách. Nghĩ lại những ngày đầu biến vườn cao su thành trang trại hoa lan trên “đất thép”, chị Thanh Huyền bồi hồi: “Ở Củ Chi xưa nay, người ta trồng cây cao su và sản xuất nông nghiệp truyền thống. Để hình thành nên vườn lan với quy mô lớn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, tôi phải bật máu tay để bứng từng gốc cao su nhiều năm tuổi, rồi là bao công sức để hình thành nên vườn lan”. 

Huyện Củ Chi có hàng trăm hộ trồng lan, tổng diện tích hơn 200ha. Chị Huyền đã liên kết với 15 chủ trại lan để thành lập HTX Hoa lan Huyền Thoại, sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt 8 tỷ cành, trong đó 20% xuất khẩu sang Campuchia. HTX đang tính mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu sang Lào, Ấn Độ… Nơi đây cũng là điểm tham quan mô hình nông nghiệp công nghệ cao điển hình của TPHCM, thu hút đông đảo du khách từ các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Long An… đến thưởng lãm.

Gia đình ông Thái Thanh Danh, ngụ ấp An Hòa (xã Trung An) có nhiều đời sản xuất nông nghiệp. Trước đây gia đình ông chủ yếu trồng lúa, diện tích gần 1ha. Năm 2009, ông bắt đầu chuyển sang trồng cây ăn trái và làm du lịch. Bên cạnh các loại cây măng cụt, chôm chôm, mít, dâu xanh, ông Danh còn canh tác thêm các loại rau màu như lá giang, rau móp, chăn nuôi vịt, gà, đào ao thả cá để phục vụ bữa ăn “cây nhà lá vườn” cho khách. Thời điểm chính vụ, tháng 4 đến tháng 6 hàng năm, mỗi ngày gia đình ông đón hàng chục du khách đến tham quan, vui chơi. Với mô hình du lịch sinh thái này, mỗi năm gia đình ông Danh bỏ túi hơn 500 triệu đồng.

Dưới sự hỗ trợ của ngành chức năng địa phương, năm 2015, tổ cây ăn trái và du lịch sinh thái xã Trung An ra đời, đây là cột mốc đánh dấu sự liên kết giữa nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông bắt tay làm du lịch. Từ khởi đầu có 12 tổ viên, diện tích canh tác chưa đến 10ha, đến cuối năm 2020, con số tăng lên gần 30 thành viên, diện tích canh tác hơn 30ha.

Theo ông Đặng Văn Kên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An, mỗi năm địa phương đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch. Cùng với du lịch sinh thái nhà vườn, các dịch vụ đi kèm như vui chơi giải trí, ăn uống đã tăng thêm 70% lợi nhuận. Ở xã Trung An, trung bình mỗi nhà vườn có khoảng 10.000m2 đất, nhờ cách làm nông nghiệp kiểu mới này, giúp mỗi nhà vườn có thu nhập từ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng/năm. Đáng chú ý, hầu hết các nhà vườn đều canh tác theo hướng hữu cơ, sản lượng có giảm so với sử dụng phân hóa học, song sản phẩm từ vườn đến tận tay người tiêu dùng - là khách du lịch, nên giá thành rất ổn định. Năm 2019, có hơn 500.000 lượt khách đến tham quan các điểm du lịch sinh thái của thành phố, đóng góp 15% tổng doanh thu của toàn ngành du lịch TPHCM.

Liên quan đến phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới, UBND TPHCM mới đây lưu ý việc phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, lợi ích của cộng đồng dân cư là trên hết; lấy văn hóa đặc trưng từng vùng, miền làm nền tảng để tạo sự khác biệt, thương hiệu riêng cho du lịch nông thôn ở TPHCM.

Tin cùng chuyên mục