Háo hức ngày trở lại trường

Trong hai ngày 10 và 11-2, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM đã tổ chức cho học sinh đến trường làm quen trường lớp, giáo viên, hướng dẫn quy định phòng chống dịch Covid-19. Ở bậc mầm non, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, sẵn sàng đón trẻ đi học lại từ ngày 14-2.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) sát khuẩn trước khi vào lớp. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhộn nhịp “khai trường”

Sáng 11-2, cổng Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) nhộn nhịp tiếng cười nói, những cái bắt tay, chào hỏi vui vẻ, khác với hình ảnh cửa đóng im lìm suốt mấy tháng qua. Chị Hạnh Nhung, phụ huynh có con học lớp 1 tại đây, cho biết: “Cả đêm qua con tôi không ngủ được, bé cứ mong trời sáng để mặc đồng phục mới đến trường gặp thầy cô và bạn bè. Tuy hôm nay chưa phải ngày đi học chính thức nhưng con háo hức không khác gì khai trường do đã nghỉ ở nhà quá lâu”.

Cùng tâm trạng, anh Minh Quang, phụ huynh có con học lớp 3, Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), bày tỏ: “Những năm trước tôi phải động viên con trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán nhưng năm nay không cần nhắc nhở, 8 giờ trường tập trung thì 7 giờ sáng con đã quần áo chỉnh tề gọi ba mẹ chở đến trường để gặp bạn”. Phấn khích và hăm hở cũng là tâm trạng chung của nhiều học sinh và phụ huynh trong ngày đầu tiên trở lại trường sau hơn 9 tháng nghỉ học ở nhà do ảnh hưởng của dịch bệnh. Sau khi học sinh được đo thân nhiệt, rửa tay với dung dịch sát khuẩn ở khu vực cổng trường, các em di chuyển ngay lên các phòng học để làm quen và sinh hoạt với giáo viên chủ nhiệm, tránh tập trung đông ở sân trường.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, cho biết, trước đó trong các buổi họp phụ huynh học sinh đầu năm, các trường đã khuyến khích phụ huynh dẫn theo học sinh vào trường để các em làm quen cơ sở vật chất trường lớp, đồng thời giúp phụ huynh an tâm, không cần vào trường cùng con khi thời khóa biểu học chính thức bắt đầu từ tuần sau (14-2), nhất là hai khối đầu cấp 1 và 6.

Háo hức ngày trở lại trường ảnh 1 Học sinh Trường Tiểu học Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp) hoàn tất thủ tục phòng dịch trước khi vào trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Tại huyện Củ Chi, một số cơ sở giáo dục mầm non vừa được bàn giao lại cho trường sau thời gian trưng dụng phòng chống dịch hiện đang được gấp rút cải tạo, sửa chữa trong tuần này để kịp đón học sinh. Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiệp, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, thông tin, trong tuần này, các trường đã tổ chức tập trung học sinh, trong đó quan tâm đặc biệt học sinh lớp 1 vì đây là đối tượng lần đầu làm quen môi trường học tập mới.

Linh hoạt phương án phòng chống dịch

Tại buổi họp giao ban về phòng chống dịch Covid-19 trong trường học do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức diễn ra vào sáng 11-2, đại diện phòng GD-ĐT các quận huyện nêu thực tế, trong bối cảnh học sinh tất cả khối lớp trở lại trường học (5 khối đối với bậc tiểu học và 4 khối đối với bậc THCS) từ ngày 14-2, nhiều trường sẽ gặp khó trong việc bố trí phòng dự phòng và cách ly y tế khi phát hiện trường hợp học sinh là F0 do tất cả phòng ốc hiện có đã được sử dụng làm phòng học. Thêm vào đó, một số trường hiện nay chỉ có 1-2 cầu thang lên xuống, khó bố trí hướng di chuyển một chiều cho tất cả khối lớp khi số lượng học sinh tập trung cùng thời điểm khá cao.

Giải đáp băn khoăn này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP Dương Trí Dũng cho biết, nếu hạn chế về cơ sở vật chất, các trường có thể huy động thêm phòng chức năng, hội trường làm phòng dự phòng bố trí chỗ học tạm thời cho học sinh là F1. Đồng ý kiến, theo ông Dương Văn Dân, Trưởng phòng GD-ĐT quận 8, hiện nay số lượng phòng ốc trong một cơ sở giáo dục bố trí theo biên chế lớp học nên khó dành riêng 1-2 phòng trống làm phòng dự trữ cho học sinh. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch, trường học có thể linh động bố trí phòng thực hành, thí nghiệm, hội trường, phòng họp giáo viên, thậm chí sân trường để làm chỗ học tạm thời cho học sinh. Riêng đối với việc phân luồng di chuyển, Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết, để giãn mật độ học sinh, trường học bố trí lệch giờ vào học và ra về giữa các khối lớp, phân chia khu vực sân chơi cho học sinh.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT lưu ý, đối tượng học sinh mầm non và tiểu học có nhiều đặc thù riêng về tâm sinh lý, hạn chế trong việc tương tác với giáo viên so với các bậc học lớn hơn nên trường cần tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, phối hợp tốt với phụ huynh trong việc hướng dẫn và chăm sóc sức khỏe học sinh. Trong 1-2 tuần đầu tiên học sinh trở lại trường học, cần dành thời gian hướng dẫn công tác phòng chống dịch, tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh sau thời gian dài học trực tuyến.

Ngày 11-2, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn thực hiện các khoản thu học phí và thu khác đối với học sinh khi tham gia hoạt động học tập trực tiếp trong học kỳ 2 năm học 2021-2022.

Theo đó, tất cả cơ sở giáo dục công lập không thu học phí học kỳ 2 năm học 2021-2022. Đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập, cần thông báo công khai đến từng phụ huynh học sinh về chính sách hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông ngoài công lập theo Nghị quyết 17/2021/NQ-HĐND của HĐND TPHCM.

Về các khoản thu khác khi học sinh đi học trực tiếp, các đơn vị phải dự toán thu chi cho từng nội dung trước khi tổ chức thông báo thu. Dự toán các khoản thu bám sát căn cứ hướng dẫn chuyên môn của ngành theo từng cấp học, tính toán mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo nguyên tắc thu theo số tháng thực học... Các trường cần hạn chế tối đa các hoạt động có thu không cần thiết, tăng thêm gánh nặng cho phụ huynh học sinh, thay vào đó ưu tiên các hoạt động chuyên môn, tổ chức dạy học các nội dung cốt lõi trong chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu về kỹ năng, kiến thức cho học sinh.

Tin cùng chuyên mục