Hành xử các sai phạm

Cảnh sát Seoul, Hàn Quốc ngày 23-4 đã mở cuộc điều tra đối với bà Lee Myung-hee, vợ Chủ tịch Korean Air Cho Yang-ho, có các những hành động xúc phạm và hành hung nhân viên.

Bà Lee Myung-hee, vợ chủ tịch hãng Korean Air. Ảnh: Yonhap.
Bà Lee Myung-hee, vợ chủ tịch hãng Korean Air. Ảnh: Yonhap.
Bà Lee, 60 tuổi, bị tố cáo là định tát một công nhân xây dựng khi công nhân này tới sửa chữa căn hộ của gia đình bà ở Seoul năm 2013. Bà cũng bắt một công nhân khác quỳ gối và sau đó dùng chân đá vào đầu gối anh ta. 

Bà Lee bị điều tra ngay sau khi cô con gái thứ hai của bà, Cho Hyun-min- giám đốc Marketing của Korean Air - bị điều tra vì cáo buộc lạm dụng quyền lực. Cô Cho Hyun-min bị cáo buộc hất nước vào mặt nhân viên trong một cuộc họp nội bộ do không bằng lòng với câu trả lời của nhân viên. Vụ việc ban đầu được giấu nhẹm, nhưng sau đó rò rỉ ra ngoài khiến công chúng Hàn Quốc phẫn nộ. Ngày 22-4, đích thân Chủ tịch hãng hàng không Korean Air Cho Yang-ho đã gửi lời xin lỗi công chúng và toàn thể nhân viên trong công ty. Ông cũng tuyên bố, con gái ông sẽ lập tức từ bỏ mọi chức vụ trong công ty. Cho Hyun-min bắt đầu làm việc tại công ty của cha cô vào năm 2007 và trở thành Phó Chủ tịch của Korean Air trong vòng một thập kỷ. Cô đã nắm giữ 6 vị trí khác tại các công ty liên kết của hãng hàng không. Chị gái của cô, Heather Cho, cũng bị tai tiếng vào năm 2014 vì ra lệnh cho một chuyến bay thương mại với khoảng 250 hành khách trở về cổng tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở New York, sau khi nổi giận với một tiếp viên hàng không chỉ vì cô này phục vụ mình hạt mắc ca để nguyên trong túi chứ không đổ ra đĩa. Heather Cho đã phải ra tòa và bị kết án 1 năm tù vì vi phạm luật hàng không. Ngoài hai “cô chiêu” nói trên, nhà Cho còn có một “cậu ấm” Cho Won Tae có thành tích cũng không kém 2 cô chiêu mấy khi được cho là đã tấn công một phụ nữ lớn tuổi vào năm 2005 sau khi bà trách cứ anh này vì lái xe ẩu. 

Ông Cho Yang-ho cho biết cả 2 cô con gái đã bị buộc rời bỏ mọi chức vụ của hãng cùng việc Korean Air sẽ dành một ghế phó chủ tịch cho một người không phải thành viên trong gia đình, đồng thời tăng thêm vai trò của hội đồng quản trị trong các hoạt động của công ty. Nhưng dư luận Hàn Quốc vẫn tỏ ý nghi ngờ đây chỉ là kế hoãn binh, vì năm 2014 ông Cho đã từng phải công khai xin lỗi vụ Heather Cho buộc dừng máy bay, chờ đến khi vụ viêc lắng xuống thì tìm đường cứu và trao vị trí khác cho người thân.

Các tập đoàn gia đình của Hàn Quốc, được gọi là chaebol, phải đối mặt với sự dò xét ngày một chặt chẽ từ xã hội, giữa lo ngại về yếu kém trong quản trị doanh nghiệp và những cáo buộc về hành vi xấu của những người thừa kế thế hệ thứ ba. Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết hành động nghiêm minh để giảm thiểu bất bình đẳng kinh tế, xã hội và hạn chế một số quyền lực của những tập đoàn lớn như Korean Air và Samsung. Tuy nhiên, theo chuyên gia Jun Sung-in của Trường ĐH Hongik (Hàn Quốc), không dễ thay đổi thực trạng này chỉ bằng cách cam kết hoặc xử lý cho qua cơn sóng gió, bởi “thay đổi chỉ đến khi có những nỗ lực không ngừng xuyên suốt tất cả ngóc ngách của xã hội trong thời gian dài”.

Tin cùng chuyên mục