Hành vi cản trở hoạt động tố tụng có xu hướng gia tăng ​

Ngày 29-7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 6, cho ý kiến về dự án Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.  
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (bên phải), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy điều hành cuộc họp
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (bên phải), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy điều hành cuộc họp

Ủy ban cũng đã làm việc với Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và một số bộ, ngành về kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND”. 

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chánh án thường trực Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết, thực tiễn xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động tố tụng cho thấy, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng gia tăng, gây khó khăn cho việc giải quyết vụ việc, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giải quyết vụ việc của cơ quan, người có thẩm quyền, tính tôn nghiêm và quyền uy của tư pháp.

Trong khi đó, pháp luật nước ta chưa có văn bản quy định có hệ thống về việc xử phạt các hành vi cản trở hoạt động tố tụng mà chỉ có một số quy định chung, chưa cụ thể, chưa rõ ràng; xử lý hành vi cản trở hoạt động tố tụng nằm rải rác trong Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính. Các loại hành vi, hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành vi cản trở hoạt động tố tụng chưa được quy định cụ thể, dẫn đến việc xử phạt hành vi vi phạm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

“Việc ban hành một văn bản pháp luật thống nhất và chi tiết là cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm minh những hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giáo dục công dân chấp hành nghiêm pháp luật, phòng ngừa những vi phạm có thể xảy ra; đồng thời nâng cao uy tín của cơ quan Nhà nước, bảo đảm sự tôn nghiêm của Tòa án, sự tôn trọng của cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với cơ quan tiến hành tố tụng, tạo điều kiện giải quyết vụ việc nhanh chóng, hiệu quả, đúng pháp luật", ông Nguyễn Trí Tuệ khẳng định.

Các ý kiến tại phiên họp đều tán thành với sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Các đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Pháp lệnh quy định các hình thức xử phạt gồm: 2 hình thức xử phạt chính (cảnh cáo, phạt tiền) và 2 hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn).

Tuy nhiên, các ý kiến cũng lưu ý, hình thức xử phạt bổ sung phải thống nhất với quy định tại điều 25 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng trong lĩnh vực báo chí, đại biểu cho rằng việc xử lý hành vi đưa tin sai sự thật, đã được xử lý tại Nghị định 119/2020/NĐ - CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản; nếu quy định thêm trong dự thảo Pháp lệnh về hành vi này sẽ dẫn đến chồng chéo.

Nên chăng dự thảo Pháp lệnh cần quy định về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng thông qua hình thức thông tin sai sự thật trên mạng xã hội…

Tin cùng chuyên mục