Hành trình tái thiết xanh

Trải qua cơn cuồng phong Covid-19, một câu hỏi lớn bật ra ngay trong hầu hết mọi người: Chúng ta sẽ bắt đầu lại như thế nào? Và câu trả lời nhận nhiều cú bấm nút “lựa chọn cuối cùng” lại là sự trở về điểm phát xuất của chính một phần làm nên cuộc đối đầu, rượt đuổi sinh tồn bất tận giữa con người và sức tiến hóa của các vi sinh vật. 

Đó là sự thay đổi cái bản ngã ngạo nghễ giống loài homo sapiens - người tinh khôn để khôn ngoan hơn mà nhận ra, chỉ có sự nương tựa, hài hòa trong mối quan hệ tự nhiên - con người thì xã hội - một sản phẩm của văn minh loài người, mới có thể tồn tại cộng sinh và phát triển bền vững.

TPHCM đã sớm nhận ra những khiếm khuyết, bất toàn trong “bức tranh” thực tiễn, cả về cơ sở hạ tầng, quy hoạch không gian đô thị, chuỗi logistic… và nhanh chóng đặt mục tiêu điều chỉnh, tái cấu trúc đồng bộ. Theo đó, từng phần hay toàn phần mà đề ra kế hoạch phục hồi những ưu thế, thành quả đã có; tái thiết - tức sửa chữa những mảng chưa ổn, thậm chí là bất ổn; kiến tạo những nền tảng, là sức bật cho tương lai an toàn, bền vững.

Và gam màu xanh là chủ đạo cho cuộc tái thiết tổng thể này.

Nhìn từ góc độ tiếp cận xu hướng toàn cầu, đây là lựa chọn tất yếu. Năm 2020, Diễn đàn Kinh tế Thế giới báo cáo việc áp dụng các công nghệ mới đã “làm tăng nhu cầu đối với các nghề nghiệp thuộc kinh tế xanh” và những nghề nghiệp khác “đứng đầu thuộc nền kinh tế dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (AI)”. Trong đó, ưu tiên các kỹ năng nổi bật như: Thiết kế Chu trình xanh, Quản trị Dấu chân carbon, Chính sách và khung chính sách về Hệ thống quản trị môi trường…

Cam kết của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26 về “Phát triển xanh, không đánh đổi môi trường để theo đuổi tăng trưởng” và trước đó, cũng được xác lập thành một trong những mục tiêu trọng yếu của Đại hội Đảng bộ TPHCM khóa XI (2020-2025), là xây dựng, phát triển chính sách hỗ trợ nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số và kinh tế tuần hoàn. Tầm nhìn dài hạn, tâm thế đề cao, tôn trọng mối quan hệ tự nhiên - xã hội cùng hành động cam kết chia sẻ trách nhiệm toàn cầu là cơ sở để cuộc tái cấu trúc - tái thiết xanh có chung một điểm hẹn.

Chỉ riêng nền kinh tế tuần hoàn, khi kết nối với kinh tế xanh, sẽ phải vận dụng các nguyên tắc của nền kinh tế này vào trong tất cả các chức năng quản trị, hoạt động, xây dựng của TPHCM. Trong đó, tính toán đồng bộ quy hoạch không gian đô thị, tránh quy hoạch nhỏ lẻ, manh mún, phân tán. Môi trường xây dựng được thiết kế theo kiểu mô-đun và linh hoạt, hệ thống năng lượng có khả năng phục hồi và tái tạo, nhờ đó kéo giảm chi phí và tạo các tác động tích cực đến môi trường, đảm bảo môi trường sống, sinh hoạt xanh sạch, an toàn cho người dân, nhất là đủ ứng phó với môi trường có virus dịch bệnh.

Hơn nữa, hệ thống giao thông - di chuyển ở đô thị dễ tiếp cận, với chi phí hợp lý và hiệu quả cao. Các hệ thống sản xuất của TPHCM khuyến khích việc tái sử dụng các sản phẩm cũ như một nguồn nguyên liệu tái chế, tạo ra các vòng lặp mang giá trị địa phương… Quan điểm là giảm áp lực lên các dịch vụ và ngân sách của thành phố trong việc giảm tiêu thụ nguyên liệu và hướng đến tái sử dụng vật chất nhằm giúp giảm chi tiêu cho quản lý chất thải; hướng tới mục đích xóa bỏ sự lãng phí, giữ giá trị cao nhất cho tài sản dưới sức hỗ trợ của công nghệ kỹ thuật số…

Hành trình tái thiết xanh ảnh 1 Cầu Thủ Thiêm 2 được đưa vào sử dụng sẽ góp phần kết nối khu đô thị mới Thủ Thiêm với trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ở một “sắc thái” khác, cuộc tái thiết xanh còn đặt ra cách thức tổ chức, quản lý, vận hành như thế nào hệ thống hạ tầng đô thị, môi trường sống, sản xuất, lao động của mọi cư dân (đã đến và ở lại với thành phố) trong điều kiện “giãn cách” và chung sống dài lâu, an toàn với môi trường có virus.

Đó là không gian sống của con người với con người, con người trong mối tương tác, kết nối với chuỗi dịch vụ của nền kinh tế số, kích hoạt nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cả kinh tế chăm sóc (sức khỏe, y tế, giáo dục...) vận hành bởi một nền quản trị văn minh, đo lường được hiệu năng qua các dữ liệu công khai, minh bạch và tôn trọng các ý kiến khác biệt từ mọi người. 

Tái thiết xanh cần có một tầm nhìn và khung hành động liên kết vùng với trọng tâm là định hướng lại các ngành nghề kinh tế theo hướng sinh thái, đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư trong - ngoài nước và định hướng lại các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao của TPHCM và các tỉnh thành Nam bộ lân cận.  

Nhìn từ thực tế đã qua, trong nhu cầu nội tại của thành phố, chắc chắn chúng ta phải tính toán lại quy hoạch nhà ở tại các khu đô thị có mật độ dân ngụ cư cao cũng như phải đảm bảo “dây chuyền” của hệ thống nhà máy - khu sản xuất - khu sinh hoạt - khu lưu trú, nhà trọ công nhân trong các khu công nghiệp tập trung.

Đây là chỉ đạo nhất quán của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên suốt hơn một năm qua; và cũng là một trong những kế hoạch khẩn cấp mà Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi triển khai ngay sau ngày mở cửa trở lại vào đầu tháng 10-2021. Chuẩn bị nguồn lực đất đai, xúc tiến xã hội hóa nguồn vốn đầu tư, tính toán lộ trình thời gian để đầu tư cho từng dự án phát triển nhà ở, khu sản xuất…; tất cả đều được đặt trong chiến lược về lao động, an sinh xã hội, việc làm, nhà ở cho người lao động.

Mà muốn vậy, “phải đi từ cơ cấu kinh tế của thành phố, rồi từ đó có chiến lược bài bản về lao động, về đào tạo nghề để đáp ứng. Sau đó là các chính sách về nhà ở và các chính sách khác cho người lao động” - phát biểu nhấn mạnh của người đứng đầu chính quyền TPHCM.

Khi chính quyền đã và đang nỗ lực tạo độ phủ vaccine, kể cả mũi vaccine tăng cường cho toàn dân, ra sức củng cố và đầu tư cho hệ thống y tế cơ sở với con người, thuốc, thiết bị y tế kịp thời ứng cứu, xử lý nhanh, hiệu quả, việc còn lại là năng lực tự cứu của chính người dân đã được hình thành, thích ứng cùng với khả năng miễn dịch cộng đồng tăng cao. 

Đây chính là “kháng thể” để chính quyền và người dân TPHCM sẵn sàng bước tiếp, bước nhanh và mạnh mẽ hơn trên hành trình tái thiết xanh - từ khóa năm 2022, mở ra một giai đoạn trưởng thành, phát triển mới của thành phố.

Trong chương trình phục hồi kinh tế quốc gia, hạ tầng giao thông là ưu tiên quan trọng để có thể thúc đẩy quá trình “tái thiết” này diễn ra nhanh và mạnh mẽ hơn.

Bởi lẽ vấn đề yếu kém kết nối giao thông khiến cho trong thời gian bình thường, mật độ di chuyển xuyên và trong các đô thị trở nên chật chội và khó khăn; trong thời gian giãn cách xã hội, các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị bị đứt gãy và không liền mạch. Khi hệ thống giao thông liên vùng kết nối của TPHCM phát triển như Vành đai 3, đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài được đưa vào sử dụng; hay giải quyết các điểm vướng, thúc đẩy nhanh các dự án liên vùng chậm tiến độ như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, cầu Cát Lái, nhà ga T3 (sân bay Tân Sơn Nhất), việc phân bổ chức năng nhà ở, dịch vụ, công nghiệp, sản xuất của khu vực vùng TPHCM mở rộng sẽ được rõ ràng hơn, thúc đẩy việc tối ưu hóa các không gian, kết nối liền mạch di chuyển và cung cấp một môi trường sống và làm việc “lý tưởng” hơn cho người dân.

Tin cùng chuyên mục