Hành trình đam mê và đi tìm bản ngã

Chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên, The Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã) đã quá nổi tiếng, nhưng phiên bản điện ảnh năm 2020 lại mang đến những xúc cảm tươi mới đặc biệt cho khán giả.   
Hành trình đam mê và đi tìm bản ngã

Buck - chú chó trong huyền thoại, dưới ngòi bút tài tình của tiểu thuyết gia Jack London, một lần nữa đã sống lại trên màn ảnh. Với cách tiếp cận và cách kể sống động cùng sự hỗ trợ của công nghệ điện ảnh tiên tiến, Tiếng gọi nơi hoang dã vẫn giữ đúng tinh thần của tác phẩm gốc, nhưng được thổi vào đó một làn gió đầy tươi mới. 

Buck một lần nữa dẫn dụ người xem từ những khung hình đầu tiên, nơi chú chó sống trong thế giới vương giả và là “nỗi sợ” của bất cứ thành viên nào trong gia đình bởi sự tinh nghịch và có phần phá phách. Khán giả sẽ không thể rời mắt khỏi màn hình để dõi theo hành trình lắm chông gai, nhiều trắc trở của Buck. Buck bị bắt đi trong đêm mưa gió trên một chuyến tàu, nó đưa chú chó cách xa gia đình hàng vạn dặm. Hành trình đầy tuyết trắng, lắm hiểm nguy khi núi tuyết sạt lở nhưng Buck, thủ lĩnh tiên phong, vẫn băng băng tiến về phía trước một cách đáng kinh ngạc. Cuối cùng, Buck tìm ra người bạn đồng hành đích thực, người đang đi theo tiếng gọi của đam mê và đi tìm lại bản ngã của chính mình. Buck hội đủ tất cả những phẩm chất của một chú chó thừa sức mạnh, sự thông minh nhưng cũng đầy nhạy cảm. 

Tôi tự hỏi, làm thế nào để đạo diễn có thể tạo nên một chú chó với tất cả những gì ưu tú nhất. Cái lắc đầu, cái gầm gừ, cái lười biếng, bản lĩnh… của Buck đều chân thực và sống động. Qua báo chí, tôi được biết, thật đáng ngạc nhiên nhân vật Buck trên màn ảnh, bên cạnh Harrison Ford ấy, lại là sản phẩm của công nghệ CGI (mô phỏng hình ảnh bằng máy tính). Để tạo nên một Buck sinh động, đầy cảm xúc và các động vật khác đầy chân thực, đoàn làm phim đã áp dụng các hiệu ứng hình ảnh và công nghệ hoạt hình tiên tiến nhất. Nếu không có tình yêu động vật đặc biệt, chắc chắn sẽ không thể có những khung hình, từ góc nhìn của Buck vừa hoang dại, vừa nên thơ và đầy tính nhân bản đến thế.   

Hành trình Buck đã đi qua cũng là hành trình để nó tìm lại bản ngã của chính mình. Buck dù sinh ra, lớn lên cùng con người, nhưng trước hết, trên hết nó cũng là một chú chó. Buck từng sợ hãi khi nghe tiếng đồng loại - những chú chó sói tru trong đêm trăng giữa rừng tuyết trắng lạnh lẽo. Nhưng rồi, âm thanh ấy đã dần len lỏi để đánh động bản năng giống loài trong nó. Buck hăng hái, tiên phong khi trở thành thủ lĩnh của đoàn chó kéo xe tuyết chở thư vượt ngàn dặm trường, đồng thời khi thấy đồng loại gặp nạn, dù xa lạ, đôi chút nghi ngại, nó vẫn gồng mình lên để cứu sống.  

Nhưng, điều thú vị nhất hành trình của Buck cũng chính là hành trình trưởng thành của con người. Soi rọi bản thân vào Buck, từ góc nhìn của Buck để thấy những giá trị nhân sinh về tình yêu thương, sự dũng cảm, bản năng sinh tồn, quá trình tự nhận thức và trưởng thành. John Thorton, người bạn già nhờ Buck mới quyết tâm thực hiện chuyến phiêu lưu còn dang dở của cậu con trai xấu số. Và, cũng chính nhờ Buck, ông đã được đánh thức và tự hàn gắn những yêu thương, những tổn thương đã vụn vỡ, dám đối mặt với thực tại. Buck và cả John Thorton đã cùng nhau “đi thật xa để trở về”.

Tin cùng chuyên mục