Hành trình của tình yêu và nỗi nhớ quê hương

Không phải ngẫu nhiên mà 800 năm hẹn ước được chọn làm tác phẩm trình diễn chính thức trong lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa thế giới TPHCM - Gyeongju 2017 (diễn ra từ 11-11 đến 3-12) với chủ đề “Sự phồn vinh của cộng đồng châu Á thông qua giao lưu văn hóa”.
Một cảnh trong vở 800 năm hẹn ước
Một cảnh trong vở 800 năm hẹn ước
Thanh kiếm của hành trình 800 năm
Đó là câu chuyện lịch sử về cuộc đời vị hoàng tử cuối cùng vương triều nhà Lý của Việt Nam - Lý Long Tường, được thể hiện qua ngôn ngữ nhạc - kịch - múa giữa các nghệ sĩ Việt Nam và Hàn Quốc, sẽ trở lại tái ngộ khán giả Việt Nam.
Năm 1226 sau Công nguyên, hoàng tử Lý Long Tường nước Đại Việt vì biến cố đã vượt sóng dữ đến miền biển xa để lánh nạn. Hoàng tử nước Việt đã từng chống trả bọn hải tặc ngoài biển và giúp đỡ những dân làng bản địa. Sau chuyến hải trình dài, ông đã đến được vùng đất Ongjin bán đảo Triều Tiên (nước Goryeo lúc bấy giờ). Khi quân Mông Cổ tấn công, ông đã đẩy lùi được bước quân thù với sự dũng cảm và tháo vát của mình. Vào thời Goryeo ông được phong chức quan to, các con trai ông cũng được cai quản nhiều vùng đất lớn với tước vị cao. Sau gần khoảng 800 năm, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 2.000 hậu duệ con cháu triều đại nhà Lý mang tên “Hoa Sơn Lý Thị” đang sống tại Hàn Quốc. 
Câu chuyện từ 800 năm trước đã được mọi người nghe thấy và biết đến vào năm 1994, khi hậu duệ họ Lý ở Hàn Quốc tìm về nguồn cội và cúng bái tổ tiên. Người ta kể rằng, ở xứ người, hoàng tử Lý Long Tường luôn nghe ngóng tin tức ở Đại Việt, luôn nhìn về phía Nam, đau đáu nhớ làng Cổ Pháp quê hương tổ tiên của mình. Vài năm gần đây, hậu duệ của ông đã mang thanh kiếm ông mang theo ngày dời khỏi Đại Việt về trao lại nơi thờ các vị vua nhà Lý như di nguyện của ông.
Dựa vào câu chuyện lịch sử có thật, liên quan đến hai nước, vở diễn 800 năm hẹn ước được nhà biên kịch và đạo diễn Jung Sun-Goo dàn dựng, cùng sự biên đạo của nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh, đã ra mắt khán giả lần đầu tiên vào năm 2015 tại Nhà hát TPHCM. Sau đó, tác phẩm này đã diễn thêm 7 lần nữa tại TPHCM, Hà Nội, Seoul và Cheongju. 
Điểm nhấn của lễ hội 
Nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh sống và làm việc tại Việt Nam hơn 10 năm và là người tích cực tham gia trong các hoạt động giao lưu văn hóa Việt - Hàn, đã từng diễn các vở như Sai Gon Arirang (năm 2014), Cây nỏ thần (năm 2015), Huyền thoại nữ nhân (năm 2016). Mỗi năm, cô đều cho ra những tác phẩm mới, cùng nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble tiếp tục thăng hoa trên con đường nghệ thuật. 
Tác phẩm lần này với sự góp mặt của diễn viên kịch nói Bùi Như Lai, nhạc sĩ Peter Schindler, cùng sự tham gia trình diễn của nghệ sĩ đàn bầu Lê Hoài Phương - người đầu tiên tốt nghiệp bằng tiến sĩ chuyên ngành nhạc cụ gõ truyền thống tại Hàn Quốc. Bùi Như Lai là diễn viên đa tài, từng tốt nghiệp Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Đến nay, Bùi Như Lai vẫn trung thành theo đuổi ý tưởng sân khấu đương đại, ngoài các hoạt động tại Việt Nam, anh cũng tham gia trình diễn tại các nước như Ai Cập, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc... Trong khi đó, nhà soạn nhạc kiêm nghệ sĩ biểu diễn đàn piano, organ cho tác phẩm lần này là ông Peter Schindler - một nghệ sĩ piano, jazz người Đức với khoảng 10 âm bản được phát hành, ông còn soạn nhạc cho phim truyền hình, nhạc kịch cùng với đoàn múa quốc gia Hàn Quốc công diễn hơn 3 năm với tác phẩm múa Soul Sunflower. Ông là Trưởng nhóm nhạc Jazz (SaltaCello) danh tiếng tại Hàn Quốc. Ngoài ra, vở diễn còn có sự góp mặt của hai diễn viên trẻ nổi bật của làng múa đương đại TPHCM những năm gần đây là Trần Hoàng Yến và Sùng A Lùng trong nhóm múa Y.O Saigon Dance Ensemble, tất cả sẽ cùng nhau tạo nên bức tranh đầy nghệ thuật trên sân khấu. 
Mang ý nghĩa chia sẻ văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam qua cuộc đời của Hoàng tử Lý Long Tường, các khán giả có thể cảm nhận một nét đặc biệt nằm bên trong tác phẩm, chính là cách biên đạo không bị ràng buộc, cách diễn xuất của một diễn viên đa nhân vật với nền âm nhạc thể hiện tình cảm Đông và Tây rộng lớn. Đặc biệt nghệ sĩ múa Chun Yoo Oh trong điệu múa Nữ vương cuối cùng cũng là điểm nhấn cho chương trình.

Tin cùng chuyên mục