Hành trình chạy trốn của một phụ nữ Việt đi xuất khẩu lao động Ả Rập Xê Út

Đừng chết ở Ả Rập Xê Út (Sống và NXB Thế Giới) là cuốn tự truyện của tác giả Nghiêm Hương, một phụ nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động Ả Rập Xê Út, kể về cuộc hành trình chạy trốn sau 285 ngày tồi tệ nhất cuộc đời.

Đối với người lao động nghèo, việc lựa chọn đi xuất khẩu lao động hứa hẹn mang đến nguồn thu nhập lớn sau khi họ trở về nước. Nhưng xuất khẩu lao động cũng là một cái bẫy cho những ai nhẹ dạ, tin vào hứa hẹn tươi sáng từ các công ty môi giới. 

Tác giả Nghiêm Hương là một cây bút nghiệp dư, chị đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út tháng 11-2014 và trốn thoát vào tháng 7-2015. (Hiện chị đang sinh sống tại TPHCM, làm việc tại Trường Ngoại ngữ tiếng Mỹ giao tiếp CAE).

Cuốn sách là câu chuyện chân thực đến từng chi tiết về cuộc sống của chị trong thời gian làm giúp việc tại Ả Rập Xê Út, qua đó độc giả sẽ thấy được sự thật trần trụi đằng sau vẻ hào nhoáng, văn minh của một quốc gia giàu có ở xứ sở Hồi giáo.

285 ngày - chính xác là quãng thời gian kinh khủng nhất mà Nghiêm Hương phải trải qua, khi phải phục vụ như một nô lệ trong những gia đình bề thế, bị coi thường và không được đối xử như con người.

"Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" là lời cảnh tỉnh đến những người lao động nghèo trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mang mác "xuất khẩu lao động"

Cuốn sách phơi bày những bí mật về một cuộc sống nhàn hạ, lương cao mà các công ty môi giới vẽ ra. Thực chất, không hề có sự thoải mái nào trong sinh hoạt, tất cả hành động của người lao động sẽ bị giám sát bởi bà chủ trong nhà. Và theo văn hóa ở Ả Rập, người giúp việc không được nói chuyện với ông chủ, tất cả mọi chuyện trong gia đình đều được phụ trách bởi người phụ nữ và cuộc sống của một người giúp việc chính là phục tùng mọi yêu cầu mà bà chủ đặt ra.

Tuy nhiên, đó chỉ là một góc khuất bắt đầu cho cơn ác mộng. Với thân phận của người giúp việc thấp hèn, mối nguy hiểm bị cưỡng bức và không ai đứng ra bảo vệ đã ập đến với tác giả mỗi lần bà chủ vắng nhà.

Sau những lần đấu tranh, gọi điện về Việt Nam nhờ hỗ trợ, tất cả những gì công ty môi giới "giúp đỡ" người lao động chỉ có thể là “đổi chủ”. Họ không được cam kết an toàn về thể xác, còn tinh thần họ thì suy sụp mỗi lần bị chủ đánh và nhốt trong những căn phòng bỏ trống.

Thực chất, trong môi trường đó, chính người lao động trở thành một món hàng hóa được đem bán với giá rất hời cho những gia đình giàu có. Và không có thực tế nào đau lòng hơn, người lao động phải chấp nhận tất cả những điều đó, dù muốn hay không.

Nhưng mỗi lần đổi chủ giống như thêm một lần đặt cược bản thân mình trên bàn cờ số phận vậy. Tác giả đã may mắn khi được một gia đình tử tế tiếp nhận, nhưng phút giây ấy quá ngắn ngủi vì họ không có đủ khả năng thanh toán cho công ty môi giới. Người lao động không được chọn lựa chủ mình sẽ phục vụ, vì quyền đó nằm trong tay những gã môi giới hợm hĩnh.

Những trang viết của "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út" đầy sinh động khi được viết bởi chính người trong cuộc

Qua những dòng chữ trong Đừng chết ở Ả Rập Xê Út, Nghiêm Hương lột trần sự thật tàn khốc trong những bữa tiệc xa hoa, một bên là những con người áo quần lộng lẫy, sung sướng đắm chìm tận hưởng hoan lạc, một bên là những người giúp việc túi bụi trong việc bày biện, dọn dẹp, nấu ăn, rửa bát, giặt ủi…

Có những ngày phải lao động đến 20 giờ, chuẩn bị bữa ăn cho những bữa tiệc không hồi kết, ngâm tay mình trong những chậu rửa đầy thuốc tẩy đến khi bàn tay không thể co gấp vì hóa chất. Mà chỉ cần một giây không vừa mắt bà chủ, họ có thể nhận ngay một cái bạt tai, thậm chí, có thể bị hắt nguyên một lọ tiêu vào mặt như chính tác giả từng chịu đựng. Thậm chí, một cô bé chỉ chừng 14, 15 tuổi trong lúc làm việc đã bất cẩn, cũng không được lượng thứ, mà phải gánh chịu những đòn roi đến tóe máu...

Thông qua cuốn sách Đừng chết ở Ả Rập Xê Út, Nghiêm Hương nói đến cái giá phải trả quá đắt cho một lần trưởng thành. Quyết định bồng bột đã đẩy cô đến cuộc sống dưới đáy của xã hội, để rồi cuối cùng phải ngụy tạo những lời giả dối trái với lương tâm. Lừa dối một người tốt bụng, khiêm nhường mà cô yêu quý để đổi lấy sự tự do cho mình.

Thông qua câu chuyện của mình, tác giả Nghiêm Hương nhắn gửi: “Hy vọng qua câu chuyện này, những người lao động nghèo có thể cảm nhận được thông điệp: “Hãy cân nhắc trước khi trả giá” khi đặt bút ký vào một hợp đồng mang mác “xuất khẩu lao động”.

Tin cùng chuyên mục