Hạnh phúc gia đình qua từng trang sách

Được xem là một trong những sản phẩm văn hóa mang tính gắn kết nhất, sách luôn là lựa chọn hàng đầu cho các bậc phụ huynh khi muốn giáo dục con em mình hay chỉ đơn thuần là tạo nên sự kết nối trong gia đình. Đọc sách cùng con, cùng con chia sẻ sách đang và sẽ là một nét đẹp văn hóa, góp phần quan trọng trong việc duy trì hành phúc gia đình.
Hạnh phúc gia đình qua từng trang sách ảnh 1 Sách vẫn có sức hút với trẻ
 Cùng con đọc sách
Ông tớ là thế đó, Bà tớ là thế đấy, Bố tớ là thế đó, Mẹ tớ là thế đấy, Chị gái tớ, Em trai tớ. Đó không phải là những lời ca cẩm của một cô cậu bé nào đó mà là nhan đề của bộ sách 6 cuốn về chủ đề gia đình đến từ nước Pháp. Bộ sách này khi xuất bản ở Việt Nam đã làm rộ lên một phong trào có tên “Đọc cùng nhau - nuôi dưỡng tình yêu qua từng trang sách” với mục tiêu xây dựng sự gắn kết, hạnh phúc gia đình thông qua việc đọc sách giữa bố cùng các con.
Với lời văn ngộ nghĩnh, dí dỏm, ngôn từ trẻ thơ, hai tác giả Sandrine Beau và Anne Loyer đã truyền tải thực trạng xã hội hiện đại, những quan niệm, nhận xét của các em nhỏ ngày nay và hình ảnh, vai trò của những người thân yêu trong gia đình, cụ thể là ông, bà, bố, mẹ, anh chị em ruột thịt qua nét vẽ minh họa ngộ nghĩnh, dễ thương của tác giả Soufie. 
Tuy có nhiều điểm khác biệt về văn hóa, nhưng các tác phẩm trên lại được bạn đọc nhỏ tuổi Việt Nam đón nhận bởi đã phản ánh hợp lý sự biến đổi trong gia đình hiện nay. Đã không còn khái niệm bố luôn là người đi làm, tham gia các công việc xã hội, là trụ cột gia đình về kinh tế, còn mẹ thì đảm nhiệm vai trò nội trợ, nấu nướng, chăm sóc con cái, quán xuyến nhà cửa... Có không ít gia đình hiện nay vai trò đã đổi ngược, mẹ đi làm, là trụ cột chính còn bố lo cho con cái, chăm sóc gia đình. Hay hình ảnh ông bà trong truyền thống phải là tóc bạc trắng, lụ khụ chống gậy, chăm nom vườn tược… trong khi thực tế, có không ít ông bà vẫn năng động, tham gia các hoạt động xã hội, đi du lịch mạo hiểm, ăn mặc hiện đại, sử dụng thành thạo smartphone hay máy tính bảng…
Điểm đáng nói của bộ sách là dù có cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ của các cá nhân trong xã hội thì giá trị gia đình lại bất biến. Vẫn là tình cảm quan tâm, chia sẻ lẫn nhau, vẫn là hạnh phúc khi được ở cùng nhau, dù rằng khái niệm ở cùng có đôi khi là qua các phương tiện điện tử hiện đại. Có thể nói, bộ sách gia đình đã khéo léo trong việc gắn kết tính hiện đại cùng với những giá trị truyền thống, không chỉ của Pháp mà còn cả với Việt Nam bởi như tác giả tự bạch rằng dù khác biệt thế nào chăng nữa, riêng yếu tố gia đình lại luôn giống nhau.
Vừa qua, nằm trong mảng sách về đề tài gia đình có một tác phẩm gây tiếng vang lớn cũng đến từ nước Pháp, tác phẩm Hạnh phúc trong 5 lá thư của mẹ. Đây được xem là một tác phẩm xuất sắc về tình mẫu tử nhất là khi được xây dựng trên nền của sự đau thương và mất mát. Cô bé Chloe 15 tuổi thì mẹ của bé qua đời do 1 căn bệnh hiểm nghèo. Bố thì li dị, đã có gia đình khác, Chloe cảm thấy cô độc khi mà xung quanh, có vẻ ai cũng bận rộn và chẳng ai còn quan tâm đến cô bé như mẹ cô ngày trước.
Câu chuyện trong tác phẩm mở ra những tình huống về chủ đề mất mẹ, về tình yêu và sự tìm kiếm nhân cách của trẻ với triết lý “tôi là ai” thông qua những câu hỏi liên tục và những cuộc phiêu lưu của Chloe. Những lá thư nhẹ nhàng, không mang tính triết học tiên nghiệm, cũng chẳng có những lời yêu thương mà ta thường tìm thấy. Nhưng mỗi lá thư lại khiến bạn đọc mỉm cười để rồi rơi nước mắt với tình mẫu tử thiêng liêng.
Giúp trẻ hình thành nhân cách qua những trang sách
Nhận xét về chương trình Tháng ba sách Trẻ 2018, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ đã tiết lộ rằng một trong những mảng sách thiếu nhi bán chạy nhất của Trẻ là sách cho thiếu nhi chưa biết đọc.
Theo ngôn ngữ xuất bản thì đây là mảng sách cho trẻ có độ tuổi từ 0 đến 6 tuổi. Đây được xem là giai đoạn vàng để phát triển trí não cho trẻ, là độ tuổi quan trọng trong việc hình thành nhân cách. Thế nhưng do chưa biết đọc, việc góp phần giúp trẻ hình thành nhân cách qua những trang sách ở giai đoạn này phải do bố mẹ đảm nhận. 
Sách cho trẻ chưa biết đọc có hai đặc điểm mà các dòng sách không có được. Đầu tiên là tính đơn giản, rõ ràng với các em bé, việc nhồi nhét các thông tin phức tạp, rắc rối là vô nghĩa. Nội dung của sách phải mang tính hướng thiện, góp phần xây dựng nhân cách tốt đẹp ở mức độ nền tảng nhất. Điều thứ hai và cũng được xem là quan trọng nhất của mảng sách này là tính tương tác. Cần nhớ rằng người đọc sách cho bé nghe chính là những người thân thiết nhất, bố mẹ, ông bà hay anh chị… độ tuổi của bé cũng là độ tuổi tò mò, ngây thơ nhất nên người đọc cần có sự giao lưu, giải thích thậm chí là vui chơi với người nghe.
Ngoài ra, bên cạnh việc tiếp nhận nội dung, sách còn là cơ hội tiếp cận các khả năng khác nên những cuốn sách dạng này đều được xây dựng với sự hấp dẫn riêng với màu sắc, hình ảnh và cả chuyển động. Có sách dạng hình nổi 3D, mỗi trang sách là một hình ảnh xếp giấy đi kèm với câu chuyện. Cũng có khi sách được làm như một sân khấu, có búp bê múa rối để phụ huynh cùng bé vui chơi. Chính về thế, vai trò của dòng sách “đọc cho bé” đang ngày càng được chú ý hơn bởi bên cạnh việc giáo dục cho trẻ, sách còn trở thành một sân chơi để gắn kết trẻ với những người thân trong gia đình.

Tin cùng chuyên mục