Hạnh phúc đến từ sự đồng cảm, sẻ chia

Như một sự mặc định, phụ nữ khi tìm một tấm chồng thường có quan niệm người chồng phải “cao hơn mình một cái đầu”; còn với đàn ông, khi trở thành người chồng, người cha, trong tâm niệm ai cũng muốn mình trở thành “trụ cột của gia đình”. Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng như mong muốn và khi đó, khó tránh khỏi những xáo trộn đe dọa hạnh phúc gia đình.
Vợ và chồng có được sự đồng cảm với nhau
Vợ và chồng có được sự đồng cảm với nhau

Khi phái yếu là trụ cột

Chị Hoàng O., trưởng phòng kinh doanh lữ hành quốc tế một công ty du lịch lớn tại TPHCM, “tố” trên trang mạng xã hội rằng chồng mình giờ thay đổi nhiều quá. Là một giáo viên, lẽ ra anh phải hiểu rõ không nên cho con gái mới học lớp 8 dùng điện thoại thông minh, ấy thế mà sinh nhật vừa qua của con, anh lại tặng con 1 chiếc điện thoại bất chấp sự phản đối trước đó của vợ. Bực mình, chị hỏi anh thì anh đáp thản nhiên nói: “Anh đã hứa với con rồi”. Điều chị khó hiểu là trước đó chính anh nhiều lần nói với chị rằng không nên cho con dùng điện thoại, máy tính bảng… Một người bạn của hai vợ chồng đồng thời là đồng nghiệp của anh thấy chị bức xúc mới gọi chị ra để nói chuyện. Thực ra, ban đầu anh cũng không có ý định mua cho con điện thoại nhưng thấy con năn nỉ quá, anh tính bàn với chị mua 1 cái để những ngày cuối tuần, ngày nghỉ con sử dụng để kết nối bạn bè, giải trí. Thế nhưng, hôm ấy chị đi làm về, vừa nghe anh nói chị đã gạt phăng đi, gắt “không mua gì hết cả”. Ở một gia đình khác, câu đó có lẽ bình thường nhưng ở gia đình anh chị, nó lại có một ý khác hẳn. Thu nhập của chị cao hơn anh gấp nhiều lần. Là phụ nữ nên chị cũng hay mua sắm linh tinh. Lúc đầu, chị còn hỏi anh, dần dần thì chị tự mua, thậm chí ngay cả những món đồ lớn như tivi, tủ lạnh… anh có hỏi thì chị cũng gạt đi theo kiểu “có bao nhiêu đâu mà quan tâm”. Thậm chí khi mua chiếc xe hơi đầu tiên cho gia đình, chiếc xe của một người trong công ty chị bán lại, chị cũng chẳng hỏi ý kiến anh vì nghĩ giá cũng hời, mua được thì cứ mua thôi. Chính vì thế, khi chị gạt phăng chuyện mua điện thoại, nhìn khuôn mặt thất vọng của con gái, lại thêm trước đó đã hứa với con, tự ái trỗi dậy, anh quyết định gom tiền mua cho con.

Trong làng báo, nhiều người vẫn hay nhắc câu chuyện của anh K.L., thư ký tòa soạn một tờ báo lớn. Ngày trước, vợ anh làm trong một hợp tác xã, thu nhập chẳng bao nhiêu thì anh là trụ cột chính gia đình. Sau đó, nhờ kinh doanh đúng hướng, công việc của chị ngày càng phát triển, trở thành phó tổng một tập đoàn bán lẻ lớn, thu nhập ngày càng cao, gấp nhiều lần anh. Thấy anh vất vả trực đêm trực hôm, chị nhiều lần khuyên anh nghỉ, vì theo chị, tiền lương của anh chẳng bằng tiền học phí 1 tháng của con thì làm chi cho mệt. Thế nhưng, anh nhất quyết từ chối, bảo là cơ quan đang rất cần anh. Cho đến một hôm, chị hốt hoảng khi đồng nghiệp gọi điện báo anh bất tỉnh trong cơ quan, phải gọi cấp cứu.

Gặp lãnh đạo của anh trong bệnh viện, chị trách móc vì để anh làm việc với áp lực quá cao thì các anh cười khổ bảo thấy anh có tuổi, cơ quan tính sắp xếp anh vào một vị trí khác nhẹ nhàng hơn, không phải trực đêm hôm nhưng anh nhất quyết từ chối. Đã thế, anh lại luôn nhận trực thay cho anh em có việc bận, thậm chí nhiều hôm xong việc, mọi người về thì anh ngủ lại luôn cơ quan. Tóm lại, theo mọi người trong cơ quan nhận xét, anh không muốn về nhà nên lấy cơ quan làm nhà. Khi anh ổn định sức khỏe, vợ chồng nói chuyện với nhau, chị gặng hỏi, anh mới trả lời, bởi ở cơ quan anh mới cảm thấy mình tồn tại, có ích, còn ở nhà anh như người thừa.

Mua sắm đồ đạc, chị quyết, sửa chữa nhà cửa chị cũng quyết, chuyện con ăn học, chị là người cầm trịch, thậm chí đến cả chuyện lớn như mua nhà, mua xe anh cũng là người biết sau cùng. Đã nhiều năm, chị chưa bao giờ hỏi tiền lương của anh bởi với chị, giờ đó chỉ là một khoản tiền nhỏ, để anh tiêu vặt, thậm chí nhiều khi chị còn hỏi anh có thiếu không để chị đưa thêm. Dần dần, anh cũng quen với việc mình ở nhà chỉ là người thừa, chị tự quyết hết, con cái cần gì cũng hỏi mẹ vì chúng biết bố cũng không giúp gì được, thậm chị họ hàng, người thân cần gì cũng trực tiếp hỏi chị chứ chẳng hỏi anh.

Yếu tố duy trì hạnh phúc

Ngày nay, phụ nữ đi làm, có thu nhập ổn định là chuyện gần như hiển nhiên, thậm chí còn được xem là một yếu tố duy trì hạnh phúc. Điều gì xảy ra nếu người phụ nữ không có thu nhập ổn định bất chợt rơi vào cảnh mất chỗ dựa như chồng mất sức lao động, có bồ, ly hôn… Thế nhưng, khi thu nhập của vợ lại vượt qua chồng quá nhiều, nếu người vợ, người chồng không khéo léo sẽ gây ra hiệu ứng ngược, phá hoại hạnh phúc gia đình.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thị Ngọc Thảo cho rằng, bản chất vấn đề ở chỗ đàn ông tuy là phái mạnh về cơ bắp nhưng tâm hồn họ rất dễ bị tổn thương. Khi thấy mình kiếm được ít tiền hơn họ sẽ sợ phải chi tiêu bởi họ cảm thấy không có quyền sử dụng những đồng tiền vợ kiếm được. Từ đó, họ sinh ra tâm lý tự ti, khó chịu. Trong những trường hợp như vậy, người phụ nữ ứng xử tế nhị và khôn khéo sẽ là người thành công.

Như trường hợp chị Hoàng O., thay vì gạt phăng, chị hoàn toàn có thể nói với con “mẹ sẽ trao đổi với ba” rồi chị sẽ nói chuyện riêng, thuyết phục anh không mua. Thực tế, chồng chị chỉ vui miệng hứa với con chứ anh hiểu rõ tốt xấu của việc này. Điều quan trọng là chị tạo cho anh cảm giác chị tôn trọng quyết định của anh. Còn với trường hợp vợ anh K.L., mọi chuyện sẽ êm đẹp hơn nhiều nếu trước một quyết định nào đó trong gia đình, chị thảo luận với chồng, tạo cho anh cảm giác được quan tâm, tôn trọng.

Chị Hồng N., trưởng văn phòng đại diện của một công ty đa quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm của chị trong vấn đề này. Theo chị, phụ nữ nếu đã “lỡ” kiếm tiền giỏi, nên áp dụng chiêu giả vờ làm “thỏ non” trước mặt chồng như chị. Đi chợ, chị hỏi ý kiến ông xã thích ăn gì. Lễ, tết, chị nhờ anh tư vấn mua sắm trang trí trong nhà. Tiền đưa cho bố mẹ hai bên, giúp đỡ em út, lo cho con cái đi học…, từ việc lớn đến việc nhỏ chị đều kéo chồng tham gia. Trên thực tế, theo chị, đàn ông rất “ngán” suy nghĩ sâu về những chuyện như thế, vợ nói sao thì nghe vậy nhưng việc vợ hỏi cho anh cảm giác vợ vẫn tôn trọng mình. Rồi dù có xe riêng nhưng thỉnh thoảng chị vẫn “nhõng nhẽo” đòi chồng phải chở đi làm. Theo thời gian, chồng chị đã không còn cảm giác tự ti vì thua kém vợ, thậm chí còn tự hào khi có người vợ giỏi giang, khéo léo.

Ngược lại, về phần mình, người đàn ông cũng cần có cái nhìn thoáng hơn trong xã hội hiện đại. Có một người vợ với trình độ và thu nhập cao rất đáng để tự hào. Công việc thu nhập cao đồng nghĩa áp lực lớn, họ cũng rất cần một chỗ dựa trong gia đình để nương tựa những khi mỏi mệt. Và khi đó, người đàn ông cần thể hiện vai trò phái mạnh của mình, làm chỗ dựa cho vợ vượt qua những khó khăn. Còn gì vui hơn khi trong gia đình, vợ và chồng có được sự đồng cảm với nhau.

Tin cùng chuyên mục