Hành động vì cộng đồng

Nghe qua cụm từ “trách nhiệm công dân”, sẽ có ý kiến cho rằng, đây là những khái niệm lớn lao. Tuy nhiên, bằng chính nhiệt huyết tuổi trẻ, nhiều bạn trẻ đã thể hiện trách nhiệm thông qua những việc làm nhỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Trách nhiệm công dân 

Trong hai đợt dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng, đội ngũ y bác sĩ thành phố xung phong về tuyến đầu, có không ít những bác sĩ, điều dưỡng thuộc thế hệ 8X, 9X và nhiều người trong số họ sẵn sàng gác lại việc riêng để góp sức vào công việc chung đang cấp thiết của xã hội.

Lần thứ hai dịch Covid-19 bùng phát trong cộng đồng tại Đà Nẵng, tạm hoãn lại đám cưới của mình, bác sĩ Đàm Minh Khuê (Bệnh viện Nhân dân 115 TPHCM) tự nguyện ghi tên vào danh sách đội ngũ y bác sĩ về tuyến đầu. Bác sĩ Đàm Minh Khuê chia sẻ: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là một bác sĩ, lương tâm và trách nhiệm của một người khoác áo ngành y thôi thúc mình phải đến nơi có bệnh nhân cần. Và là một người trẻ, được đào tạo chuyên môn về ngành y thì những lúc như thế này, mình cần phải có trách nhiệm của một công dân”.

Hiện tại, khi dải đất miền Trung đang gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thiên tai, nhiều bạn trẻ đã đứng ra kêu gọi quyên góp và sẵn sàng mang nhu yếu phẩm trực tiếp đến hỗ trợ bà con vùng lũ. Sau một tuần kêu gọi đóng góp, nhận hỗ trợ quần áo cũ, mang đi giặt và soạn lại tươm tất, Nguyễn Tú Thành (29 tuổi, nhân viên kinh doanh, ngụ quận 10) cùng nhóm bạn mang ra hỗ trợ bà con tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị.

“Tôi và hai người bạn đại học tham gia vào một nhóm từ thiện từ hồi còn sinh viên. Đợt này nhóm có kêu gọi đóng góp từ hiện kim đến hiện vật, mình còn trẻ nên xung phong mang ra đó hỗ trợ bà con. Các thành viên khác trong nhóm từ thiện tiếp tục kêu gọi và thống kê danh sách tiền, hiện vật đóng góp của các nhà hảo tâm”, Thành kể.

Không chỉ mang nhu yếu phẩm ra hỗ trợ, Thành và hai người bạn còn tình nguyện ở lại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) cùng các bạn trẻ nơi đây hỗ trợ bà con khắc phục sau lũ. Thành chia sẻ: “Ban đầu, chúng tôi tính ra trao quà rồi về, nhưng thấy bà con dọn dẹp sau lũ cực quá, công việc có thể tranh thủ làm từ xa nên tôi và hai người bạn ở lại hơn 2 tuần nay để phụ một tay cùng mọi người. Nói trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân thì nghe lớn lao, những lúc như thế này, giúp được một chút cho mọi người quanh mình, tôi nghĩ đó cũng là một hành động góp phần để xã hội ngày càng tốt đẹp hơn”.

Kích thích sự sáng tạo

Bên cạnh trách nhiệm công dân, nhiều bạn trẻ không ngừng sáng tạo trong công việc, học tập để khẳng định sự nhạy bén và ứng biến nhanh trong môi trường văn hóa đa chiều, công nghệ hiện đại.

Bằng khả năng thuyết trình của bản thân, sau khi giành giải thưởng Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á (YSEALI) do Hoa Kỳ tài trợ, Thanh Vân (22 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh) cùng nhóm bạn thành lập dự án Viet Children’s Picture (VCP) tạo ra những lớp học nghệ thuật miễn phí cho các em học sinh ngoại thành TPHCM. “Bản thân là người lớn lên từ vùng ngoại ô, tôi cảm nhận những lớp học vẽ, học tái chế hay chụp ảnh còn rất hạn chế với trẻ em nơi đây. Tôi mong muốn tạo ra các lớp học này để các em được kích thích sự sáng tạo ngay từ nhỏ”, Thanh Vân chia sẻ.

Hành động vì cộng đồng ảnh 1 Một buổi học vẽ tranh dành cho các em nhỏ trong dự án của Viet Children’s Picture

Sau khi kết thúc gói tài trợ, Vân cùng nhóm bạn tiếp tục duy trì VCP bằng chuỗi hoạt động vẽ tranh, làm đồ lưu niệm thủ công, sản phẩm tái chế… Những bức tranh; sản phẩm lưu niệm, tái chế được thành viên trong nhóm bán trực tiếp lẫn online để gây quỹ. Nguồn quỹ dùng để hỗ trợ những ngôi trường còn khó khăn ở ngoại ô thành phố và vùng sâu vùng xa khác bao gồm tài trợ học bổng, dụng cụ mỹ thuật để khuyến khích các em nhỏ vẽ tranh, bày tỏ ước mơ của mình. Thanh Vân cho biết: “Vì là dự án cộng đồng nên hiệu quả chính là việc duy trì lâu dài, tôi và các thành viên trong nhóm luôn cố gắng duy trì dự án. Đó cũng là cách chúng tôi hướng đến cộng đồng, ươm mầm những giấc mơ về nghệ thuật cho các em nhỏ”.

Những dự án chia sẻ về văn hóa, bản sắc dân tộc tới công chúng, đặc biệt là giới trẻ cũng được nhiều bạn trẻ chú trọng. Là một nhiếp ảnh trẻ trên con đường lập nghiệp và chinh phục những ước mơ trong nghề, Trần Lê Trọng Nghĩa (26 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) chọn văn hóa Việt làm đề tài xuyên suốt. “Từ khi bắt đầu công việc, tôi luôn hướng những tác phẩm của mình đến văn hóa Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại. Tôi nghĩ, mỗi người cần có riêng cho mình một bản sắc trong sáng tạo nghệ thuật và tôi là người Việt, tôi tự hào về bản sắc văn hóa Việt Nam và muốn lan tỏa đến nhiều người, nhất là những người nước ngoài, khi tôi có dịp triển lãm những tác phẩm của mình”.

Trong những nỗ lực và sự sáng tạo của lớp trẻ sinh ra trong điều kiện đủ đầy và ngày càng nâng cao của cuộc sống, các bạn trẻ dần khẳng định bản thân, khẳng định một thế hệ kế thừa xứng đáng với những giá trị tốt đẹp của dân tộc và phát huy nó trong môi trường hiện đại, công nghệ, đa chiều.

Tin cùng chuyên mục