Hành động nhỏ, ý nghĩa lớn

Với những tờ báo cũ tưởng chừng bỏ đi, Wada Kealotswe, cô gái trẻ người Botswana, đã tái chế chúng để sản xuất bút chì. Ý tưởng của cô góp phần lan tỏa những hành động nhỏ để luôn giữ gìn môi trường sống xanh sạch đẹp. Nhờ ý tưởng sáng tạo của Kealotswe, hàng ngàn cây xanh đã không bị đốn hạ. 
Wada Kealotswe (trái), người sáng lập Eco Zera Pencils, và trợ lý của mình trưng bày các sản phẩm bút chì của họ ở Gaborone, Botswana
Wada Kealotswe (trái), người sáng lập Eco Zera Pencils, và trợ lý của mình trưng bày các sản phẩm bút chì của họ ở Gaborone, Botswana

Năm 2019, W. Kealotswe nghiên cứu và trình dự án tái chế giấy báo cũ lên Ngân hàng Thế giới  vì mục đích xây dựng đô thị thông minh thích ứng biến đổi khí hậu. Với ý tưởng này, cô đã tham gia Hội nghị Thanh niên 2019 tại Washington (Mỹ), và dự án của cô được vào vòng bán kết. Tuy chưa được giải cao nhưng W.Kealotswe chia sẻ, kết quả hội nghị đã truyền cảm hứng để cô thành lập và tự bỏ vốn cho thương hiệu Eco Zera Pencils của mình.  

Chỉ sau 2 năm khởi nghiệp, Eco Zera Pencils đã tận dụng gần 8.000 tờ báo cho công việc. Nhóm của cô thu gom giấy báo bỏ đi từ các cá nhân và văn phòng tại thủ đô Gaborone. “Các văn phòng gọi cho chúng tôi hàng tháng để thu thập báo cũ, nhiều người thấy việc làm chúng tôi có ích nên cũng cung cấp báo của họ”, cô nói. Tuy nhiên, để sản xuất ra bút chì, W.Kealotswe cũng cần đến máy móc, than chì và những nguyên liệu thô khác.

Đầu tiên, W.Kealotswe cùng với nhóm của cô cắt các tờ báo theo kích thước của than chì, rồi sử dụng keo dán giấy để gắn than chì vào mảnh giấy báo. Sau đó, máy móc chuyên dụng sẽ cuộn phần còn lại của mảnh giấy để tạo thành thanh bút chì và cố định bằng keo nhựa. Họ phơi những thanh bút chì dưới trời nắng khoảng 4 giờ trước khi sử dụng lò nướng điện để làm vỏ bút chì cứng như gỗ. Sau đó, thanh bút chì được cắt ra, tạo hình và mài nhẵn hai đầu. Để hoàn thiện cây bút chì, họ gắn thêm cục tẩy trên đầu bút, gọt bút chì và đóng gói. 

W.Kealotswe cho biết, khoảng 80% quy trình sản xuất bút chì được làm bằng tay, chỉ có 20% quy trình cần sử dụng máy móc. Kể từ khi bắt đầu kinh doanh, họ đã sản xuất được khoảng 40.000 chiếc bút chì và bán được khoảng 39.000 chiếc. Cô mong muốn sẽ đem thương hiệu bút chì này ra nước ngoài, không chỉ lưu hành ở châu Phi mà trên khắp thế giới.

Các thành phố trên thế giới là nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, tác nhân quan trọng gây ra biến đổi khí hậu. Do đó, nhiều cá nhân và tổ chức hiện mong muốn biến đổi các thành phố theo hướng thông minh, an toàn và linh hoạt, ứng dụng công nghệ hiện đại và đem lại những cơ hội kinh tế thực sự cũng như đảm bảo cuộc sống của con người. Với hành động sử dụng báo tái chế để sản xuất bút chì, W.Kealotswe cùng với nhóm của mình muốn kêu gọi người dùng sử dụng những sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao nhận thức đối với công tác bảo vệ môi trường.

W.Kealotswe bày tỏ hy vọng đến một ngày, con người sẽ không cần phải chặt cây xanh để sản xuất bút chì. Mỗi hành động nhỏ sẽ tạo nên sự khác biệt, góp phần làm giảm nhiệt độ đang gia tăng: “Chúng tôi làm mọi cách nhằm có thể giảm lượng cây xanh bị chặt để làm bút chì. Với việc mua và sử dụng các sản phẩm xanh, các bạn gián tiếp trở thành những người cứu giúp hành tinh của chúng ta”.

Những đóng góp của Eco Zera Pencils đã giúp W.Kealotswe giành được Giải thưởng dành cho doanh nhân phát triển bền vững và Giải thưởng thích ứng với khí hậu năm 2021.

Tin cùng chuyên mục