Hành động để kiểm soát biến đổi khí hậu

Theo báo cáo điều tra “Bước ngoặt Đông Nam Á” vừa được Viện Nghiên cứu kinh tế Deloitte công bố, nếu các nước Đông Nam Á bắt đầu hành động để kiểm soát biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ, khu vực này sẽ có tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế 12.500 tỷ USD trong 50 năm tới, ngược lại có thể gây tổn thất 28.000 tỷ USD.
Đường phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia thường bị ngập
Đường phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia thường bị ngập

Dựa trên các số liệu, Tổng Giám đốc Deloitte Philip Yuen nhấn mạnh Đông Nam Á cần phải khẩn trương hành động để ngăn chặn những hủy hoại không thể xoay chuyển do biến đổi khí hậu gây nên trong 10 năm tới. Nếu các nước không hành động thì đến cuối thế kỷ này, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ có thể từ 300C trở lên. Mực nước biển tăng, thu hoạch lương thực giảm, cơ sở hạ tầng bị hủy hoại và các thách thức khác sẽ khiến môi trường sinh tồn và làm việc của con người càng trở nên khó khăn. 

Cùng nhận định với Deloitte, tờ Channel News Asia dẫn nghiên cứu của Viện Deltares có trụ sở tại Hà Lan cũng cảnh báo “hàng triệu người ở Đông Nam Á phải đối mặt với nguy cơ nước biển dâng cao hơn chúng ta nghĩ”. Theo một nghiên cứu mới nhất sử dụng hình ảnh từ vệ tinh, các nước ở vùng trũng dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng và đất dễ bị sụt lún, như Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Điều đó có nghĩa là nhiều người dân sẽ phải đối mặt với nạn lũ lụt khi các hiện tượng mực nước biển cực đoan hàng năm ngày càng trở nên tồi tệ hơn do khí hậu thay đổi.

Nghiên cứu ước tính rằng 157 triệu người tại châu Á ở các vùng nhiệt đới đang sống ở những khu vực có độ cao dưới 2m so với mực nước biển, phạm vi mà các tác động được dự đoán là nghiêm trọng. Nếu mực nước biển dâng lên thêm 1m, khu vực đông dân cư của các đồng bằng lớn sẽ chìm trong nước. 

Một báo cáo của Tổ chức Greenpeace được công bố vào tháng trước cũng đã xác định những thiệt hại kinh tế mà 7 thành phố lớn nhất châu Á đang phải đối mặt do mực nước biển dâng cao vào năm 2030. Ước tính thiệt hại tiềm năng - chỉ tính riêng ở các thành phố gồm Bangkok, Jakarta, Manila, Đài Bắc, Seoul, Tokyo và Hong Kong là 724 tỷ USD. Trong đó, 96% GDP hàng năm của thủ đô Bangkok có thể bị đe dọa và 10 triệu dân số của đất nước này bị ảnh hưởng. Tác động của biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề môi trường. Theo ông Tata Mustasya, chiến lược gia chiến dịch năng lượng và khí hậu khu vực Đông Nam Á của Greenpeace Đông Nam Á, hàng triệu người dễ bị tổn thương đang sống trong vùng lũ lụt sẽ phải di dời vì mất kế sinh nhai.

Mặc dù các nền kinh tế khu vực đã đưa ra cam kết mạnh mẽ đối với vấn đề này, nhưng xuất phát từ môi trường địa lý và kinh tế đặc thù của các nước, sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia vẫn đang ở trong những giai đoạn khác nhau. Muốn thay đổi quỹ đạo này, Đông Nam Á cần phải áp dụng các chương trình hành động khí hậu, từ bỏ luận điểm chú trọng vào chi phí trước đây, chuyển sang tập trung vào tăng trưởng và thành tựu kinh tế. Nếu các nước Đông Nam Á không hành động để kiểm soát biến đổi khí hậu, thì thiệt hại kinh tế có thể tương đương với việc xảy ra một trận động đất nghiêm trọng theo chu kỳ 9 tháng/lần từ đây đến năm 2070. 

Ngược lại, nếu chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng áp dụng những hành động quyết liệt trong 10 năm tới thì sẽ giúp hạn chế mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu dưới 1,50C vào năm 2050, giảm tối đa tác động của biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á và các khu vực khác trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục