Hành động để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái

Ngày 19-5, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổng cục Hải quan công bố kế hoạch hành động để giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, TPHCM. Hiện lượng hàng hóa qua cảng này chiếm 48,8% sản lượng hàng hóa cả nước nhưng hạ tầng tiếp nhận và thông quan đã quá tải.
Các container vào làm thủ tục tại cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Các container vào làm thủ tục tại cảng Cát Lái. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ùn tắc giao thông, quá tải thủ tục 

Ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ, cung cấp thông tin, khảo sát hiện trạng hoạt động cảng Cát Lái do USAID thực hiện cho thấy, có 4 khó khăn chính đe dọa sự ổn định và hiệu quả hoạt động của cảng là: ùn tắc giao thông quanh cảng; quá tải thủ tục hành chính; hạ tầng công nghệ thông tin chưa hoàn chỉnh; hệ thống luồng lạch không đủ năng lực để tiếp nhận tàu có công suất trên 3.000 TEU. 

Nhiều doanh nghiệp cũng cho biết, thời gian thông quan tại cảng Cát Lái dù đã được cải thiện nhưng so với các cảng trong khu vực còn chậm, mất 6,37 ngày để thông quan lô hàng. Tuy nhiên, điều này khó cải thiện bởi khối lượng container qua cảng Cát Lái trên dưới 6 triệu TEU/năm (theo đơn vị container 20 feet) nhưng số lượng cán bộ hải quan chỉ có 200 người; đồng thời lượng tờ khai phải giải quyết khoảng 500.000 tờ/năm. Trong những năm qua, hệ thống công nghệ thông tin được áp dụng tối đa nhưng thiếu đồng bộ nên vẫn phải sử dụng song song 2 hệ thống thông quan là trực tuyến và bằng giấy, gây khó cho doanh nghiệp lẫn cán bộ hải quan.

Chưa hết, việc kiểm tra chuyên ngành của các bộ ngành chưa được cải thiện cũng khiến thời gian thông quan hàng hóa bị kéo dài. Thời gian thông quan chậm, cộng với số lượng xe tải tới cảng tăng nhanh những năm qua khiến cho tình trạng ùn tắc tại cảng và khu vực lân cận cảng ngày càng nghiêm trọng. Cũng theo USAID, trung bình mỗi ngày có khoảng 16.400 xe tải tới cảng Cát Lái, cao điểm có khi lên đến 22.000 xe.

“Hiện luồng lạch thủy vào cảng Cát Lái chỉ có thể tiếp nhận các tàu có công suất 3.000 TEU. Trong khi theo xu hướng chuyển dịch thương mại trong khu vực châu Á hướng tới việc sử dụng các tàu lớn hơn (16.000-24.000 TEU) đang vượt quá khả năng tiếp nhận của cảng Cát Lái”, ông Hoàng Hồng Giang, Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nhấn mạnh. 

Đẩy nhanh kết nối hạ tầng 

Theo ông Nguyễn Phương Nam, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, để cải thiện hiệu suất hoạt động của cảng Cát Lái, TPHCM cần sớm điều chỉnh quy hoạch cảng biển theo hướng tăng diện tích dành cho dịch vụ khai thác cảng, logistics ngoài công cảng; Tổng cục Hải quan xem xét thông qua cơ chế cảng Cát Lái được chuyển hàng nhập ra những bãi tập kết lân cận hoặc sâu trong nội địa. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng Trung tâm logistics Cát Lái (60-100ha), là tổng kho phân phối hàng hóa cho toàn bộ cụm cảng TPHCM, kết nối với các cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải.

Ở góc độ khác, bà Phạm Thị Thúy Vân, Phó Giám đốc Marketing cảng Cát Lái, cho rằng, để có thể giảm ùn tắc tại cảng Cát Lái, cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ đầu tư hệ thống giao thông hạ tầng đường bộ kết nối với cảng. Trong đó, đặc biệt ưu tiên hoàn thiện các dự án như: dự án nút giao Mỹ Thủy giai đoạn 2; dự án đầu tư các tuyến đường liên cảng; dự án mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh, đường Nguyễn Thị Định; dự án đường Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4… Bà Phạm Thị Thúy Vân cũng đề cập USAID hỗ trợ Việt Nam thành lập khu cảng mở và khu thương mại tự do bởi mô hình này đã được thí điểm thực hiện tại cảng Cát Lái nhưng bị dừng và rất manh mún, trong khi các khu vực cảng trên thế giới đều triển khai hiệu quả; hỗ trợ để triển khai khu vực cảng mở, khu thương mại tự do tại cảng Cái Mép; thúc đẩy xây dựng hệ thống cộng đồng cảng cho khu vực TPHCM hoặc trên phạm vi toàn quốc; đẩy nhanh chuyển đổi số cho ngành khai thác cảng tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho phát triển logistics...

Tuy nhiên, để có thể cải thiện đồng bộ hạ tầng cảng biển Việt Nam nói chung và tại cảng Cát Lái nói riêng từ nay đến năm 2030, tổ nghiên cứu Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ ước tính cần tổng kinh phí 313.000 tỷ đồng - một nguồn vốn rất lớn. Do vậy, theo các chuyên gia, bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, cần thiết phải có các chính sách để thu hút nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp và nguồn khác theo phương thức đối tác công tư.

Tổ nghiên cứu Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ đã đề xuất 21 khuyến nghị (chia thành 3 nhóm) nhằm giảm ùn tắc và tạo thuận lợi logistics tại cảng Cát Lái: cải tiến kỹ thuật; giải pháp công nghệ; giám sát, đánh giá hiệu quả. Với nhóm cải tiến kỹ thuật: cần thành lập các bãi chờ gần cảng Cát Lái cho xe tải để hỗ trợ hoạt động tại cổng vào ban đêm, tăng khả năng sử dụng các cổng tại cảng Cát Lái và giảm ùn tắc, mở rộng số lượng làn ở cổng và các điểm đậu xe trước cổng tương ứng.

Về áp dụng giải pháp công nghệ, giải pháp khai thác dữ liệu nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý: cần thiết bố trí thiết bị nhận dạng ký tự quang học (OCR) và đầu đọc RFID tại cổng cảng Cát Lái để tự động nhận diện biển số xe tải, số hiệu container, tình trạng hư hỏng vỏ container; lắp đặt webcam video camera để truyền hình ảnh video theo thời gian thực về điều kiện giao thông trên các tuyến đường dẫn vào cảng Cát Lái; đơn vị quản lý bố trí một nền tảng trao đổi “lượt đi trên đường - Street turn” giúp giảm bớt số xe rỗng bằng cách xác định/chia sẻ cơ hội chở hàng cho xe tải mà lẽ ra đi xe rỗng tới cảng hoặc từ cảng, nhờ đó giảm số xe tải phục vụ tại cảng. 

Ở nhóm khuyến nghị về giám sát, đánh giá hiệu quả: cần thiết xây dựng hệ thống chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của cảng và hệ thống thông tin quản lý cảng của toàn quốc; các đơn vị kinh doanh khai thác cảng sử dụng hệ thống khai thác cảng (TOS) có thể tạo dữ liệu từ thực tế hoạt động từng cảng; từ dữ liệu này cho phép cung cấp thông tin hữu ích đóng góp vào công tác quy hoạch và giám sát của Chính phủ để đảm bảo tính cạnh tranh của hệ thống cảng.

Tin cùng chuyên mục