Hàng Việt phủ sóng kênh bán lẻ

Còn vài tuần nữa là Tết Nguyên đán Tân Sửu nên thời điểm này các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, chuỗi cửa hàng tiện lợi... đã bước vào giai đoạn cao điểm cung ứng hàng tết ra thị trường. Điểm nổi bật năm nay là dù chịu nhiều tác động từ Covid-19 nhưng hàng hóa khá phong phú về chủng loại, mẫu mã, giá cả phù hợp với người tiêu dùng. 
Hàng tết đầy ắp trên các kệ siêu thị
Hàng tết đầy ắp trên các kệ siêu thị

Tất bật đưa hàng lên kệ tết

Dạo một vòng qua các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn TPHCM như Co.opmart, Co.opXtra, Big C, Lotte Mart… dễ dàng nhận thấy không khí tết đang ngập tràn ở những kênh phân phối. Theo đó, các hệ thống siêu thị đã đồng loạt trưng bày những kệ hàng với sắc đỏ nổi bật cùng loạt hàng hóa được sản xuất riêng cho mùa tết như bánh kẹo, mứt tết, đồ uống, thực phẩm, thời trang, hóa mỹ phẩm… 

Thông tin từ các kênh bán lẻ cho biết, năm nay dù ảnh hưởng dịch bệnh song việc lên phương án dự trữ hàng hóa và cam kết bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu vẫn được thực hiện chu đáo, đầy đủ. Đơn cử, tại các hệ thống bán lẻ của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) ngay từ giữa năm đã có sự chuẩn bị tốt nguồn hàng phục vụ tết. 

Theo lãnh đạo Saigon Co.op, do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nên đơn vị chủ động lên phương án dự trữ hàng hóa từ rất sớm. Đồng thời chuẩn bị nhiều phương án vận chuyển phân phối hàng hóa để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh, nhằm đảm bảo đầy đủ hàng thiết yếu với giá tốt và không bị đứt hàng. Năm nay, để giảm áp lực mua sắm cuối năm, siêu thị sẽ đồng loạt giảm giá hàng tết sớm trước 2 tháng để giúp người tiêu dùng chủ động mua sắm hàng hóa thiết yếu. Đáng chú ý, Saigon Co.op cũng kịp thời dự phòng số lượng tương đối lớn các mặt hàng phòng chống dịch như khẩu trang, dung dịch sát trùng, nước rửa tay...

Cùng với Saigon Co.op, Sở Công thương TPHCM cho biết, các hệ thống bán lẻ khác là Satra, Bách hóa Xanh, Big C, Vinmart… cũng cam kết nguồn hàng phục vụ tết tăng từ 2-3 lần so với tháng thường. Hiện tại, hàng hóa tết đã được lên kệ với giá cả ổn định, mẫu mã phong phú. 

Hàng Việt phủ sóng các kênh phân phối

Theo khảo sát được công bố bởi các đơn vị nghiên cứu thị trường, kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, người tiêu dùng ngày càng “ưu ái” hơn cho hàng Việt. Cụ thể, trong một khảo sát của Nielsen, so với mức trung bình toàn cầu, người tiêu dùng Việt Nam có sự ưu tiên mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương, với 17% người tiêu dùng chỉ mua hàng tiêu dùng nội địa và 59% đa phần mua hàng tiêu dùng nội địa (mức trung bình toàn cầu là 11% và 54%).

Đây cũng là điều dễ hiểu khi mùa tết năm nay ở các kênh phân phối tỷ lệ hàng hóa sản xuất trong nước đang chiếm áp đảo với khoảng 85% các gian hàng tết. Lượng hàng hóa chủ yếu là các mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, hàng tiêu dùng. Ở hệ thống siêu thị Co.opmart, đã xây dựng các khu vực dành riêng cho gian hàng tết phục vụ người tiêu dùng. Lượng hàng Việt chiếm khoảng 90% lượng hàng tết tại siêu thị. Đặc biệt, với thị trường giỏ quà tết, nhiều giỏ quà tết thuần Việt có sự đổi mới về mẫu mã, giá cả phải chăng nên được người tiêu dùng ưa chuộng. 

Không chỉ ở các kênh bán lẻ hiện đại mà tại các chợ truyền thống như An Đông (quận 5), Bà Chiểu (Bình Thạnh), Hòa Hưng (quận 10)… nhiều loại hàng Việt Nam từ thời trang, thực phẩm, nhất là bánh kẹo, mứt tết... cũng chiếm thị phần trên 80%. Bà Mai Thị Hoa, tiểu thương bán bánh kẹo tại chợ Thanh Đa (quận Bình Thạnh), cho biết, tâm lý người tiêu dùng hiện mua hàng đều hỏi xuất xứ từ đâu nên lâu nay quầy sạp của bà đều lấy hàng từ cơ sở sản xuất trong nước. “Hàng Việt giờ mẫu mã đẹp, chất lượng không thua hàng ngoại nên không có lý do gì mà tôi nhập hàng ngoại để bán cả”, bà Hoa chia sẻ. 

Bên cạnh các phương án đảm bảo lượng hàng, tránh hiện tượng khan hàng, sốt giá vào dịp tết, các kênh bán lẻ cho biết đã triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi vào dịp giáp tết với hàng ngàn sản phẩm, nhất là hàng hóa của doanh nghiệp nội địa. Việc này ngoài kích cầu mua sắm còn là hoạt động hưởng ứng chủ trương hỗ trợ nhà sản xuất phục hồi kinh doanh sau dịch của Chính phủ.

Với sự chủ động của các kênh phân phối, hàng hóa phục vụ thị trường được đánh giá rất dồi dào, giá cả bình ổn, người tiêu dùng có thể yên tâm mua sắm, đón năm mới với niềm tin về sự no đủ, bình an.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, hiện nay hệ thống phân phối trên địa bàn có 237 chợ, 236 siêu thị, 45 trung tâm thương mại và 2.735 cửa hàng bán lẻ, đủ sức đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân. TPHCM cũng đã phát triển được 10.983 điểm bán hàng bình ổn, trong đó riêng Chương trình lương thực - thực phẩm có 4.209 điểm bán, gồm 112 siêu thị - trung tâm thương mại, 554 cửa hàng tiện lợi, 938 điểm bán tại 122 chợ truyền thống, 2.605 điểm bán trong khu dân cư. Những kênh phân phối này có thể đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong những ngày tết sắp tới để không xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá. 

Tin cùng chuyên mục