Hàng Việt chiếm ưu thế

Dạo qua một số siêu thị lớn như Co.opmart, BigC, Vinmart hay các chợ truyền thống trong thời điểm cận tết, điều dễ dàng nhận thấy đó là các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ của Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế khi chiếm phần lớn các diện tích trưng bày. Xu hướng ưu tiên sử dụng hàng Việt đang trở nên phổ biến. 
Khách hàng chọn mua các loại bánh mứt và đặc sản của tỉnh Đồng Tháp tại phiên chợ “Tết xanh - quà Việt” tổ chức tại TPHCM từ ngày 17 đến 22-1
Khách hàng chọn mua các loại bánh mứt và đặc sản của tỉnh Đồng Tháp tại phiên chợ “Tết xanh - quà Việt” tổ chức tại TPHCM từ ngày 17 đến 22-1

Tại hội nghị sơ kết công tác phối hợp thực hiện bình ổn thị trường giữa TPHCM với các tỉnh, thành Tây Nam bộ, tổ chức ngày 31-12-2019 vừa qua, sở công thương các tỉnh, thành cho biết, năm nay lượng hàng hóa các địa phương chuẩn bị cho Tết Canh Tý 2020 chủ yếu là hàng Việt. Để bổ sung nguồn hàng tết phục vụ người tiêu dùng, TPHCM đã tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu với quy mô gần 500 gian hàng để đưa các mặt hàng đặc sản từ 45 tỉnh, thành cả nước tiếp cận hệ thống phân phối của TPHCM, tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng; trong đó 100% sản phẩm giới thiệu, bày bán tại hội nghị là hàng Việt. 

Đại diện Central Group, đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị BigC, cho biết BigC đã dự trữ hàng hóa tết tăng khoảng 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng các loại bánh kẹo đóng hộp chuẩn bị khoảng 2.200 tấn, trong đó hàng Việt là chủ đạo, chiếm trên 95% với các thương hiệu Kinh Đô, Trung Nguyên, Phạm Nguyên, Vinamit, Bibica, Hương Việt, Hải Hà, Vinabico… BigC cũng mở rộng diện tích trưng bày các sản phẩm tết như bánh kẹo, mứt, hạt, thạch, khô các loại… và đặc sản vùng miền đến từ các địa phương trên cả nước để khách hàng có nhiều sự lựa chọn. 

Tương tự, tại nhiều hệ thống siêu thị, hàng Việt cũng chiếm vị thế chủ đạo trên các quầy kệ, chất lượng tốt, bao bì mẫu mã bắt mắt. Theo nhận định của các nhà kinh doanh, hàng Việt hiện chiếm đến 90%, dẫn đầu xu thế lựa chọn, tiêu dùng trong dịp tết năm nay.  

Đặc biệt, ở nhóm mặt hàng trái cây, dù trái cây ngoại nhập vào Việt Nam khá nhiều, do việc cắt giảm thuế từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương, nhưng trái cây Việt cũng được các điểm bán ưu tiên lấy hàng và khách hàng chọn mua nhiều hơn. Vú sữa, xoài, thanh long, bưởi, mãng cầu tròn… là những mặt hàng bán chạy hơn hẳn các loại nho, táo, lê… nhập khẩu.

Theo thống kê của 3 chợ đầu mối là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn, có 90% lượng trái cây cung ứng tết là nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ; trái cây ngoại chỉ có một số mặt hàng như táo, lê, nho, cam của Mỹ, Australia, Trung Quốc… chiếm khoảng 10% trên tổng lượng hàng. Ngay cả sản phẩm may mặc thời trang, hàng Việt vốn thường xuyên lép vế khi cạnh tranh với hàng nhập, nhất là từ Trung Quốc, thì dịp tết này cũng đã lấn sân hàng nhập khá tốt. Ban quản lý chợ Bến Thành cho hay, hơn 80% sản phẩm may mặc bày bán trong chợ là  hàng Việt.

Ở nhóm hàng lương thực như gạo, dù có thêm gạo Thái Lan, Nhật Bản hay Campuchia, nhưng các nhà cung cấp gạo nổi tiếng của Việt Nam như Mecofood, Foodcosa, Angimex, Gentraco, Phú Hải, Bảo Minh, Vinh Phát, Tấn Vương… đã khai thác tối đa lợi thế vùng miền của sản phẩm để tung thêm nhiều mặt hàng gạo cao cấp, gạo đặc sản trong dịp tết. Long An có gạo nàng hương Chợ Đào nổi tiếng, Tiền Giang bán gạo cao cấp của vùng đồng bằng sông Tiền, như gạo Chín con rồng vàng, Hồng hạc, Hoa mai vàng, Bông sen vàng, Thiên nga, Cát tường… được sản xuất trên dây chuyền công nghệ hiện đại, có máy tách màu gạo nên hình thức đẹp, không tạp chất, có thể bảo quản lâu dài…

Có thể nói, việc hàng Việt đang chiếm vị thế áp đảo trong tổng sản lượng hàng kinh doanh mùa tết đã khẳng định sự vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm chinh phục sân nhà của các thương hiệu trong nước. Đây cũng là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các DN sản xuất, người tiêu dùng, nhà phân phối cùng nỗ lực đưa hàng Việt lên vị thế mới, cạnh tranh tốt và phát triển bền vững.

Tin cùng chuyên mục