Hàng Trung Quốc giá siêu rẻ tràn vào hội chợ

Thất vọng ra về tay không từ hội chợ, kèm theo là tâm lý bức xúc, chị Lê Kiều Oanh (ngụ quận 4, TPHCM) phản ánh: “Nhìn vào nhiều gian hàng trong hội chợ mà tôi tưởng rằng mình tổ chức hội chợ để… thanh lý hàng tồn, hàng kém chất lượng của nước người ta”. 
Hàng Trung Quốc giá siêu rẻ tràn vào hội chợ
Hàng Trung Quốc giá siêu rẻ tràn vào hội chợ

Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ (thuộc Sở Công thương TPHCM) tổ chức Hội chợ Khuyến mãi 2018 tại Trung tâm Thể dục thể thao Phú Thọ (quận 11, TPHCM) từ ngày 29-8 đến 3-9. Trong nội dung thông tin về hội chợ, cho biết đây là dịp thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với nhiều hoạt động khuyến mãi hấp dẫn góp phần kích cầu tiêu dùng, đưa hàng Việt Nam đến người tiêu dùng trong nước. Thế nhưng, thực tế hội chợ này đang bán tràn lan nhiều hàng Trung Quốc. 

Từ cuộn chỉ, tờ giấy ...

“Chỉ 10.000, 20.000, 39.000 đồng một thiết bị nhà bếp, đồ dùng gia đình, dụng cụ học sinh, dụng cụ làm đẹp cao cấp. Giá siêu rẻ, siêu tiết kiệm!” - một gian hàng gia dụng đồng giá không có số quầy hay tên doanh nghiệp phát loa mời chào tại khu vực trung tâm hội chợ. Quan sát tại gian hàng này, khó tìm được những món đồ là hàng cao cấp như lời rao, thay vào đó là các mặt hàng với những dòng chữ Trung Quốc “made in China”. Các mặt hàng đều rất rẻ, 1 gói 10 cuộn chỉ và 10 cây kim được đựng trong túi in chữ Trung Quốc có giá 10.000 đồng. 10 tập giấy nhớ loại nhỏ; cây lược, cái gương; 3 cây bút bi; con dao gọt trái cây nhỏ… được đựng trong những túi ni lông in nổi rõ chữ “made in China” đồng giá chỉ 10.000 đồng. Cũng với 10.000 đồng khách hàng có thể mua được những chiếc tô, đĩa, khay nhựa với họa tiết bắt mắt và dĩ nhiên cũng là hàng Trung Quốc.

Ở kệ kế bên là các mặt hàng tuốc nơ vít, kéo làm bếp, bình nhựa đựng nước, dây và bóng điện, vòi tắm hoa sen, đồng hồ treo tường, đồng hồ để bàn… đồng giá 39.000 đồng/món, tất cả đều in chữ Trung Quốc. Quan sát toàn bộ mặt hàng tại gian hàng này, chỉ thấy một số đồ chơi trẻ em, chảo nấu là có chữ tiếng Việt, còn lại hoặc chữ Trung Quốc, hoặc không có bất cứ thông tin nào về xuất xứ của sản phẩm. 

Khi hỏi về những sản phẩm gia dụng Việt Nam để lựa mua, 1 thanh niên bán hàng chỉ quanh quầy cho biết: “Toàn bộ sản phẩm của chúng tôi đều bao đẹp, chất lượng miễn chê, giá siêu rẻ. Tranh thủ lựa kẻo hết!”. Dứt lời, người này nhanh chân bước đi chỗ khác để né tránh câu hỏi.

Cách đó không xa, gian hàng kính mắt ở quầy 75 cũng ngập hàng Trung Quốc và hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Trên kệ, mắt kính thời trang giá 100.000 đồng/chiếc, bày hàng loạt mắt kính có nhãn mác được in toàn bộ bằng chữ Trung Quốc với các thương hiệu như Wilibolo, Langpai… Một số kính không có nhãn mác thì được in chữ nổi của hãng Gucci - made in Italy ở gọng kính. Trang, nhân viên bán mắt kính nhanh miệng giới thiệu hàng loạt mắt kính từ giá 30.000 -  200.000 đồng/chiếc và cho biết: “Cửa hàng em toàn là kính Việt Nam cao cấp, vì đợt này có hội chợ và công ty kết hợp thanh lý xưởng nên mới có giá đó”. Nghe thắc mắc về những kính có mác bằng chữ Trung Quốc, Trang cho biết, mình chỉ đi bán thuê, chủ dặn nói vậy thì biết vậy chứ không rõ sản phẩm từ đâu đưa về. 

Ngoài đồ gia dụng, kính mắt, thì giày dép cũng là mặt hàng khiến nhiều người ngần ngại. Ghé quầy 226 của cơ sở giày dép N, chúng tôi được nhân viên bán hàng giới thiệu toàn bộ sản phẩm tại cửa hàng đều sản xuất trong nước. Tuy nhiên, quan sát giày tại đây, ngoài một số đôi in dòng chữ sport (thể thao) và một số có dòng chữ Trung Quốc kèm chữ Yimeifashion ở phía trong giày, không hề có bất cứ một thương hiệu nào được thể hiện trên đôi giày, tất nhiên cũng không có luôn xuất xứ. Quầy số 69 của hộ kinh doanh giày dép N.M. ra rả phát loa quảng cáo giày dép hàng Việt Nam chất lượng cao với giá 35.000 đồng/đôi hoặc 100.000 đồng/3 đôi, tuy nhiên chỉ một phần giày tây, dép da, sandal có để xuất xứ Việt Nam, hoặc một số thương hiệu bình dân trong nước, còn đa số là giày dép mang thương hiệu Jingqirui, Xulidaay được in phía trong, hoặc không thương hiệu, không xuất xứ.

Ngoài ra, tại hội chợ này còn thấy hàng loạt sản phẩm quần áo và đồ dùng cá nhân khác có xuất xứ Thái Lan, Hàn Quốc, nhưng đều nhàu nhĩ, cũ kỹ.

Liệu đã đúng với tiêu chí hội chợ?

Thất vọng ra về tay không từ hội chợ, kèm theo là tâm lý bức xúc, chị Lê Kiều Oanh (ngụ quận 4, TPHCM) phản ánh: “Nhìn vào nhiều gian hàng trong hội chợ mà tôi tưởng rằng mình tổ chức hội chợ để… thanh lý hàng tồn, hàng kém chất lượng của nước người ta”. 

Hội chợ Khuyến mãi 2018 với chủ đề “Thỏa sức mua - đua sức bán” do Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM (thuộc Sở Công thương TPHCM) tổ chức đã nhận được sự tham gia của 240 doanh nghiệp và hơn 450 gian hàng, trong đó các mặt hàng giảm giá từ 10% - 49%. Ngay phía cổng chào của hội chợ có đề nội dung chương trình là hoạt động xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp; trưng bày giới thiệu hàng giả, hàng nhái để nhận biết hàng thật. Trên loa phát thanh hội chợ cũng khẳng định, Hội chợ Khuyến mãi 2018 là nơi hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày giới thiệu sản phẩm mới, quảng bá thương hiệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội, khuyến khích người tiêu dùng, khuyến khích doanh nghiệp phát triển hàng nội địa trong thời kỳ hội nhập. 

Vậy mà thực tế hội chợ bị trà trộn hàng loạt sản phẩm có xuất xứ Trung Quốc và những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Phóng viên Báo SGGP đã liên hệ với Sở Công thương TPHCM để tìm hiểu vì sao xảy ra chuyện lệch tiêu chí tại hội chợ này, nhưng chưa có thông tin phản hồi.

Tin cùng chuyên mục