Hàng rong lại tràn khắp vỉa hè

Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán hàng rong diễn ra khá phổ biến ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Điều đáng nói, vì cuộc sống cơm áo mà nhiều người vẫn bất chấp hiểm nguy để buôn bán.

Có khi là ngay dưới trụ điện, ngã ba đường, chân cầu, thậm chí ngay cả trên các đường có mật độ phương tiện giao thông lớn. Việc tụ tập buôn bán hàng rong ở các điểm công cộng không chỉ gây mất an ninh trật tự đô thị, ảnh hưởng tới việc tham gia giao thông, mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho chính họ và người lưu thông xung quanh. 

Hàng rong lại tràn khắp vỉa hè ảnh 1 Lấn chiếm vỉa hè bán hàng rong trên đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3, TPHCM) 

Tiềm ẩn tai nạn 

Ghi nhận thực tế trên địa bàn TPHCM cho thấy, hiện nay tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán hàng rong rất phức tạp. Cung đường nào cũng bị lấn chiếm, khiến cho việc lưu thông gặp nhiều khó khăn. Tình trạng này khá phổ biến ở các trục đường trong trung tâm thành phố. Ghi nhận tại điểm bán hàng rong đối diện Công viên Tao Đàn (đường Nguyễn Thị Minh Khai), cho thấy, dù bên đường là một trạm tụ điện cao thế rất to, thế nhưng một quán bán cà phê cóc vẫn vô tư hoạt động và rất đông người ngồi uống. Người bán thì vô tư chào mời khách, người mua cứ ngồi tràn lan ra vỉa hè, lấn chiếm hết phần đường dành cho người đi bộ. Hình như cả người bán và người mua đều không nhận thức được tiềm ẩn nguy cơ rủi ro tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tình trạng này cũng đang diễn ra khá phổ biến ở nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố. 

Ở 2 đầu cầu Sài Gòn, hướng từ quận 1 về quận 9, tình trạng người bán hàng rong cũng diễn ra phổ biến. Mặc dù lượng xe lưu thông với mật độ cao, nhưng nhiều người vẫn thản nhiên đứng bán hàng rong ở đây. Khu vực cầu Sài Gòn là nút giao thông quan trọng kết nối khu vực quận 2, quận 9, hướng về Đồng Nai... Do đó, lưu lượng người và phương tiện di chuyển qua khu vực này khá đông đúc. Nếu không kịp thời có giải pháp đảm bảo an toàn giao thông, khu vực này trở thành điểm đen mất an toàn giao thông chỉ là chuyện một sớm một chiều.

Trong khi đó, tại đường dẫn lên cầu Thủ Thiêm (quận 2), ngay ngã ba quẹo phải, gần đây lại xuất hiện một quán cóc bán đồ ăn sáng, cà phê, bàn ghế bày bán lộn xộn, người vào ăn cũng dựng xe bát nháo, làm cản trở cho người tham gia giao thông qua tuyến đường này. Chỉ cần người lái xe và người bán sơ ý một tí là có thể xảy ra va chạm. Nhiều vụ việc xảy ra đã cho thấy chỉ một va chạm nhỏ trên đường phố, thay vì xin lỗi, cảm ơn... thì người ta quay ra cãi lộn, đánh đấm nhau, thậm chí rượt đuổi, đâm chém gây ra án mạng. Mặc dù Chính phủ đã có những quy định nghiêm ngặt về việc xử lý tình trạng buôn bán hàng rong gây mất an toàn giao thông, nhưng dường như đội quân bán hàng rong không hề quan tâm đến mức xử phạt này. 

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Có thể thấy phần lớn những người buôn bán hàng rong đều là những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập thấp, mong muốn có cuộc sống tốt hơn mà bất chấp quy định cũng như tính mạng của mình. Nhưng không thể vì thế mà gây ảnh hưởng đến sự an toàn chung của cộng đồng. Nếu trên các tuyến đường chỗ nào cũng xuất hiện cảnh tượng người bán hàng rong đậu xe ngổn ngang, chèo kéo du khách thì còn đâu hình ảnh thành phố du lịch văn minh, thân thiện; còn đâu là trật tự mỹ quan đô thị. Việc hạn chế tình trạng các xe bán hàng rong gây mất mỹ quan đô thị, mất an toàn giao thông là điều cần thiết. Để làm được điều này, ngoài nỗ lực của các cơ quan chức năng rất cần có sự chung tay của cộng đồng, để từ đó xây dựng TPHCM trở thành thành phố văn minh, thân thiện.  

Chủ đề An toàn giao thông năm 2020 được Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chọn là “Nâng cao nhận thức, văn hóa khi tham gia giao thông”. Trong thực tế, từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên để hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông phải từ những việc nhỏ, từ những hành vi văn hóa đến xây dựng con người văn hóa. Đây là trách nhiệm của mọi cấp, mọi ngành và mọi người.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng Ban An toàn giao thông TPHCM, thời gian qua, thành phố đã và đang đẩy mạnh công tác chấn chỉnh nạn lấn chiếm vỉa hè để buôn bán. Công tác này cũng đang gặp khó khăn, bởi nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế. Để lập lại trật tự vỉa hè cho người đi bộ, cần tiến hành đồng loạt ở tất cả các quận huyện và duy trì thường xuyên. Không nên làm theo thời vụ, đơn lẻ; giải quyết dứt điểm những nơi lấn chiếm hoặc tái lấn chiếm; sắp xếp, bố trí chỗ buôn bán hợp lý cho người dân… Đây là việc làm không phải một sớm một chiều, cần kiên trì, làm từng bước, có sự chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt từ trên xuống dưới, cùng ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân toàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục