Hàng ngàn người dân nô nức trẩy hội Đống Đa tại Bình Định

Hàng ngàn người dân trong tỉnh Bình Định và du khách khắp nơi đã đổ về Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn) để trẩy hội Đống Đa hưởng ứng lễ kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, đoàn quân Tây Sơn dưới sự chỉ huy của Hoàng đế Quang Trung đã tấn công vào Thăng Long, đánh đuổi 29 vạn quân Thanh xâm lược, thống nhất đất nước.

Hàng ngàn người dân đổ xô đến Đền Bảo tàng Quang Trung hưởng ứng ngày hội kỷ niệm kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.

Đồng chí Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ôn lại truyền thống hào hùng cùng những chiến công hiển hách của phong trào nông dân Tây Sơn mà đỉnh cao là Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây vừa tròn 229 năm, vào ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh, giải phóng đất nước, thu giang sơn về một mối. 

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh: “Kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa là dịp để chúng ta ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ cùng các tướng lĩnh của triều đại Tây Sơ, các bậc tiền hiền, anh hùng, liệt sỹ xưa nay đã không tiếc xương máu để giữ gìn và xây dựng non sông gấm vóc, trao lại cho đời sau một dải núi sông tươi đẹp”.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tại Đài Kính Thiên ở núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) nhằm kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Trong sáng 20-2 (mùng 5 Tết), trong không khí đầu năm, rất đông người dân đã đổ đến từ rất sớm để chờ xem các chương trình hưởng ứng hội lễ. Đầu tiên, chương trình ca múa nhạc dân ca tổng hợp sẽ do Đoàn ca kịch bài chòi Bình Định tổ chức.

Có mặt cùng đoàn người đổ về trẩy hội từ sớm có bà Phan Thị Bá (75 tuổi, khối 1A, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn). Bà Bá cho biết: “Tôi và nhiều người đã có mặt tại đây từ sớm để chờ đón chương trình hưởng ứng hội lễ. Cũng như mọi năm, cứ đến dịp là không khí trẩy hội lại sôi nổi, đông đúc. Bên cạnh tưởng nhớ công lao của người anh hùng Qung Trung - Nguyễn Huệ chúng tôi đến để thưởng thức các chương trình văn nghệ, đặc biệt là hát tuồng, hát bội và bài chòi.”

NSND Hoài Huệ, Trưởng đoàn ca kịch bài chòi tỉnh Bình Định cho biết thêm: “Hầu như năm nào vào mùng 4 Tết Đoàn ca kịch bài chòi cũng tổ chức chương trình nghệ thuật tại Bảo tàng Quang Trung. Mỗi năm thì Đoàn lại đổi mới về cả nội dung và hình thức của chương trình.”

Đồng đảo du khách, người dân đổ đến Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt  - Bảo tàng Quang Trung để hưởng ứng lễ hội Đống Đa.

Năm nay Đoàn ca kịch bài chòi tỉnh Bình Định tổ chức chương trình ca múa nhạc dân ca tổng hợp với 15 tiết mục có chủ đề về mùa xuân, ca ngợi quê hương đất nước với hi vọng đem lại sự phong phú, hấp dẫn phục vụ cho nhiều tầng lớp nhân dân hơn.

“Để thực hiện chương trình trong 90 phút này, hơn 40 diễn viên của Đoàn phải tập luyện cật lực trong vòng 10 ngày. Ý thức được việc không chỉ biểu diễn phục vụ cho bà con vui xuân đón Tết mà còn là để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và các văn thần võ tướng nên các anh, em nghệ sĩ đều cố gắng thể hiện hết khả năng của mình.”, NSND Hoài Huệ cho hay.

Ông Châu Kinh Tú, giám đốc Bảo tàng Quang Trung cho biết, do là năm lẻ và tỉnh đang triển khai Dự án nâng cấp và mở rộng Bảo tàng Quang trung nên Lễ hội Đống Đa năm nay ở quy mô vừa phải nhưng vẫn đảm bảo tính trang trọng.

“Hầu hết, dòng người đến mảnh đất Tây Sơn đều có ý nguyện tâm linh nhớ về cội nguồn đến Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt thắp nén hương để tưởng nhớ công ơn của vua Quang Trung và các văn thần võ tướng.”, ông Tú cho hay.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tại Đài Kính Thiên ở núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) nhằm kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa.
Du khách mua nón lá nghĩa quân Tây Sơn về làm kỉ niệm
Hàng ngàn người dân nô nức trẩy hội Đống Đa tại Bình Định ảnh 6
Hàng ngàn người dân nô nức trẩy hội Đống Đa tại Bình Định ảnh 7 Hô bài chòi hưởng ứng lễ hội kỷ niệm kỷ niệm 229 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa..
Hàng ngàn người dân nô nức trẩy hội Đống Đa tại Bình Định ảnh 8 Hội thi làm bánh truyền thống các khối phố của thị trấn Phú Phong

Ngoài ra, năm nay phần lớn khách tham quan Bảo tàng Quang Trung đều là học sinh, sinh viên. Các bạn trẻ đều rất hào hứng trao đổi sôi nổi khi xem các hiện vật trong Bảo tàng gắn với các sự kiện lịch sử trong sách giáo khoa mà mình đã được học. Qua đó, hầu hết các bạn trẻ đều cảm thấy tự hào hơn vì được sinh ra ở mảnh đất có vị của vị anh hùng dân tộc Quang Trung.

Trước đó, chiều 19-2 (mùng 4 Tết), lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng các đại biểu đã thành kính dâng hoa, dâng hương tại Đài Kính Thiên ở núi Ấn (thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, huyện Tây Sơn) và Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt tại di tich Gò Lăng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của song thân Tây Sơn Tam kiệt cùng 3 anh em Nhà Tây Sơn và các văn thần, võ tướng đã lập nên chiến công oai hùng đánh đuổi giặc ngoại xâm, thống nhất đất nước.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hoa tại tượng đài Hoàng Đế Quang Trung.

Dịp này, tại Bảo tàng Quang Trung còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT như: Chương trình nghệ thuật tổng hợp, biểu diễn võ thuật cổ truyền Bình Định, Hội bài chòi cổ dân gian, Chương trình biểu diễn nghệ thuật của Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định và Nhà hát Tuồng Đào Tấn; Hội thi các môn thể thao truyền thống (kéo co, đẩy gậy, múa Lân – Sư – Rồng)… nhằm phục vụ khách du xuân.

Tin cùng chuyên mục