Hàng không đề xuất tăng giá trần vé máy bay

Vietnam Airlines vừa kiến nghị  Bộ GTVT xem xét điều chỉnh giá trần vé máy bay áp dụng từ 1-4, đồng thời kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án áp dụng chính sách miễn 100% thuế môi trường đối với nhiên liệu hàng không trong năm 2022.

Theo Vietnam Airlines, trong năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh đối với Vietnam Airlines là nghiêm trọng nhất. Nhiều thời điểm hầu như không có chuyến bay chở khách, sản lượng vận chuyển hành khách bằng 27% so với 2019.

Thời gian gần đây,  khi thị trường hàng không bắt đầu hồi phục thì giá dầu lại không ngừng tăng nhanh, tương ứng với giá nhiên liệu bay Jet Al tăng từ mức trung bình khoảng gần 73 USD/thùng năm 2021 lên mức khoảng hơn 100 USD/thùng.

Đặc biệt, khi chiến sự Nga - Ukraine xảy ra, giá dầu thô có lúc lên tới 138 USD/thùng. Một số nhà phân tích dự báo giá dầu thô sẽ nhanh chóng đạt ngưỡng 150 USD/thùng, vượt mức giá kỷ lục 147 USD/thùng năm 2008.

Việc giá nhiên liệu bay Jet A1 trung bình đầu tháng 3 đạt trên 130 USD/thùng đang khiến chi phí nhiên liệu của Vietnam Airlines tăng mạnh. Nếu mức giá này duy trì cho cả năm 2022, chi phí ước tính sẽ tăng thêm 5.700 tỷ đồng; nếu lên 160 USD/thùng, chi phí sẽ tăng thêm đến 9.120 tỷ đồng, làm trầm trọng hơn mức lỗ dự kiến trong năm 2022.

Để giảm thiểu gánh nặng do giá nhiên liệu tăng, Vietnam Airlines đề nghị bổ sung quy định cho phép các hàng không triển khai phụ thu nhiên liệu trên các đường bay nội địa. Tuy nhiên, chính sách phụ thu cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, đặc biệt là xác định và quy định các mức phụ thu theo các mức giá dầu.

Do đó, trước mắt, Vietnam Airlines đề xuất phương án khả thi và kịp thời hơn là sửa đổi quy định về giá trần. Để điều chỉnh giá trần, Bộ GTVT chỉ cần sửa Thông tư 17/2012. Vietnam Airlines cho rằng, mức giá trần khung giá dịch vụ vận chuyển hàng không hiện hành được áp dụng từ năm 2015 đã không còn phù hợp với tình hình đường bay nội địa. Hiện giá vé máy bay được thực hiện theo cơ chế giá linh hoạt, gồm nhiều mức giá từ thấp đến cao tùy theo điều kiện vé, thời điểm xuất vé và tình hình thị trường. 

 Việc điều chỉnh khung giá dịch vụ hành khách không có nghĩa là các hãng hàng không tăng giá vé bất hợp lý, mà sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hãng tiếp tục thực hiện chính sách giá vé linh hoạt, để một mặt có thể bù đắp chi phí tăng thêm do giá dầu tăng, mặt khác có điều kiện cải thiện chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Tại đề xuất với Bộ Tài chính, Vietnam Airlines kiến nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng xem xét cho phép miễn giảm 100% thuế bảo vệ môi trường cho các hãng hàng không trong năm 2022.  Trong trường hợp áp dụng chính sách này,  Vietnam Airlines sẽ tiết giảm thêm được 600 tỷ đồng. Hiện các doanh nghiệp hàng không đang được hưởng mức giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu hàng không.

Tin cùng chuyên mục