Hàng hóa tết dồi dào, chăm lo tốt cho người lao động

Chỉ còn nửa tháng nữa đến Tết Nhâm Dần, mãi lực tiêu dùng tại các trung tâm thương mại, siêu thị… từng bước khởi sắc. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng về kế hoạch chăm lo tết cho người dân thành phố nói chung, người lao động gặp khó khăn nói riêng, cũng như những giải pháp cụ thể ngăn chặn hàng kém chất lượng...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng

- PHÓNG VIÊN: Thưa bà, tết năm nay được đánh giá khác biệt hơn nhiều so với những năm trước, do người dân có tâm lý chi tiêu gói ghém bởi tác động của dịch Covid-19. Xuất phát từ thực tế này, TPHCM đã chuẩn bị cung ứng lượng hàng hóa, giá bán, cũng như các chương trình khuyến mãi ra sao?

Bà PHAN THỊ THẮNG: Đây sẽ là tết đặc biệt, bởi vào thời điểm khốc liệt của đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 (tháng 7, tháng 8-2021), một trong những niềm mong ước của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM là nỗ lực cao độ để mang lại một cái tết bình yên cho người dân thành phố. Giờ đây mong ước đó đã từng bước trở thành hiện thực, người dân thành phố đang khẩn trương chuẩn bị đón Tết Nhâm Dần với những cảm xúc của riêng mình.

Các nhà máy đang tăng ca gia tăng sản lượng hàng hóa phục vụ người dân, hệ thống phân phối đã vào cuộc đầy tích cực. Sở Công thương TPHCM đã kết nối với các tỉnh thành tổ chức nhiều chương trình kết nối cung cầu hàng hóa, đa dạng mặt hàng. Năm nay, ngoài các mặt hàng phục vụ Tết Nguyên đán như mọi năm còn có thêm các sản phẩm đặc sản từ các vùng miền. Dự kiến, các doanh nghiệp đã bố trí 20.000 tỷ đồng dự trữ thu mua hàng hóa, trong đó có 7.000 tỷ đồng phục vụ chương trình bình ổn và khuyến mại. TPHCM đánh giá nguồn hàng dồi dào, giá cả hợp lý, nhưng sức mua có thể thấp hơn cùng kỳ vì những khó khăn do tác động của dịch Covid-19. 

- Năm 2021 vừa qua cũng ghi nhận sự xúc tiến, quảng bá tích cực của ngành du lịch, công thương TPHCM với các tỉnh thành bạn. TPHCM là thị trường tiêu dùng lớn, do vậy Tết Nhâm Dần 2022 hứa hẹn một “vụ mùa” đặc sản bội thu của khắp các vùng miền hội tụ tại thành phố. Bà vui lòng điểm qua một số điểm mới của nguồn hàng năm nay?

Một trong những khó khăn do tác động của dịch bệnh là thị trường bị thu hẹp, tâm lý đi du lịch bị tác động tiêu cực. Do vậy, sau khi dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, thành phố xác định chủ trì các hoạt động khôi phục phát triển kinh tế là một trong 3 trụ cột quan trọng trong giai đoạn bình thường mới. Hoạt động này có tính đảm bảo an sinh bền vững và kích thích nhu cầu của người tiêu dùng. Thành phố đã chủ trì tổ chức Tháng khuyến mại tập trung từ ngày 15-11 đến 31-12-2021 thu hút trên 1.800 doanh nghiệp tham gia, với hơn 7.000 chương trình khuyến mại. Sau đợt này, doanh thu bán buôn, bán lẻ tăng từ 43.000 tỷ đồng (tháng 10-2021) lên 66.000 tỷ đồng (tháng 12-2021). Bên cạnh đó, những hoạt động kết nối, tìm kiếm sản phẩm du lịch an toàn với các tỉnh bạn, đẩy mạnh đón khách quốc tế trong dịp Tết 2022 được TPHCM tích cực triển khai, góp phần bước đầu “hồi sinh” ngành du lịch thành phố. 

Mua sắm tết tại siêu thị BigC. Ảnh: GIA HÂN

- Đối với công nhân, người lao động gặp khó khăn, ngành công thương TPHCM có những chính sách kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ cụ thể như thế nào?

Dự kiến tết này người lao động và công nhân sẽ ở lại thành phố đón tết vì những khó khăn do tác động của dịch bệnh. Thành phố đã chỉ đạo ngành công thương xây dựng kế hoạch kích cầu và các chương trình khuyến mại cho người tiêu dùng, có sự tham gia của 80 doanh nghiệp bình ổn thị trường tổ chức các chương trình bán hàng lưu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ ngày 15-11-2021 đến nay đã tổ chức 4 chương trình bán hàng lưu động tại các Khu chế xuất Linh Trung 1, Linh Trung 2 (TP Thủ Đức); Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) và Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, có mức giá thấp hơn hoặc bằng giá bình ổn thị trường, có nguồn gốc, xuất xứ, đảm bảo an toàn thực phẩm, giúp công nhân, người lao động có điều kiện mua sắm hàng hóa. 

Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường tổ chức các “Siêu thị 0 đồng” (mua sắm miễn phí) tại khu vực đông dân cư, công nhân để hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay đã tổ chức được 11 “Siêu thị 0 đồng” trên địa bàn TP Thủ Đức và các quận, huyện: Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Củ Chi. Sắp tới sẽ tổ chức thêm 21 “Siêu thị 0 đồng” tại các quận, huyện còn lại. Để hỗ trợ công nhân, người lao động tan ca trễ, các hệ thống siêu thị trên địa bàn TPHCM sẽ mở cửa thêm giờ phục vụ bà con. Nhìn chung hàng hóa năm nay tương đối dồi dào, các mặt hàng thiết yếu phục vụ người lao động được bán với giá cả hợp lý.

- Cuối năm, tình trạng hàng nhái, giả mạo thương hiệu cũng len lỏi vào thị trường, nhất là phát tán qua kênh thương mại điện tử, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng. TPHCM đã và có những biện pháp gì để xử lý vấn nạn này?

Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, xử lý vấn nạn hàng gian hàng giả, TPHCM đã đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo Cục Quản lý thị trường TPHCM tăng cường phối hợp với các lực lượng liên ngành của thành phố (Cảnh sát kinh tế, Cục Hải quan, Cục Thuế…) kiểm tra kèm theo xử lý việc kinh doanh hàng trôi nổi, giả mạo xuất xứ nhằm ổn định thị trường; tuyên truyền cho người dân mua sắm tại các kênh chính thống để đảm bảo chất lượng, giá cả hàng hóa; đặc biệt, tập trung giám sát việc kinh doanh qua không gian mạng nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống thất thu thuế. Thành phố cũng kêu gọi người tiêu dùng cần chủ động hơn trong việc phát hiện và cảnh báo những sản phẩm hàng giả, hàng nhái, góp phần lành mạnh hóa thị trường, thúc đẩy thương mại điện tử kinh doanh theo hướng văn minh.

TPHCM đã nỗ lực phối hợp cùng các cơ quan, bộ ngành chuẩn bị hàng hóa tết dồi dào, phong phú, tạo điều kiện cho người dân đón một cái tết bình an, vui tươi, hạnh phúc và an toàn trong điều kiện đặc biệt của Tết Nhâm Dần 2022.

Tin cùng chuyên mục