Hàng dệt may chật vật giữ vị thế xuất khẩu

Tính đến nay, sản phẩm dệt may Việt Nam đã có mặt tại hơn 200 quốc gia trên thế giới. Trong đó, tại những thị trường chủ lực là Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc…, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của nước ta vươn lên tốp 5 nước xuất khẩu lớn nhất. 
Tuy nhiên trong thời gian tới, ngành dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với khả năng cạnh tranh khốc liệt từ những thị trường mới nổi. 
Hàng dệt may chật vật giữ vị thế xuất khẩu ảnh 1 Dệt may trong nước đang chịu sự cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu           
Ảnh: CAO THĂNG 
Điêu đứng với chính sách ưu đãi của nước bạn
Đại diện Bộ Công thương cho biết, tại các nước được xem là có khả năng cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực dệt may với Việt Nam, Chính phủ họ đã ban hành hàng loạt chính sách hỗ trợ phát triển để nâng cao nội lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước. Cụ thể, tại Ấn Độ, Chính phủ nước này đã đầu tư 880 triệu USD cho phát triển và nâng cấp ngành dệt may; thành lập quỹ để hỗ trợ, trợ cấp cho doanh nghiệp nâng cao sản xuất; xây dựng thêm 3 nhà máy mới có công nghệ xử lý xả thải hiện đại và 8 trung tâm may mặc.  Khác với Ấn Độ, Chính phủ Pakistan công bố chương trình ưu đãi hỗ trợ hoạt động xuất khẩu. Trong đó, tỷ lệ hoàn thuế cho hàng dệt may từ 4% - 7%. Không chỉ vậy, thuế nhập khẩu đối với vải không dệt được giảm từ 16% xuống còn 5%. Đồng thời, áp dụng thuế nhập khẩu 4% và thuế doanh thu 5% đối với nhập khẩu bông. Ngoài ra, nước này cũng thực hiện hàng loạt biện pháp bình ổn giá bông trên thị trường nội địa, xây dựng quỹ phát triển thương hiệu, hàng ngàn máy khâu được đầu tư mới, xây dựng cổng thương mại trực tuyến về dệt may… để giúp doanh nghiệp trong nước tham gia sâu vào chuỗi cung ứng giá trị dệt may toàn cầu.  Tuy nhiên, đáng ngại nhất với ngành dệt may Việt Nam là Malaysia. Ngay khi liên minh châu Âu tái khởi động chương trình ưu đãi xuất khẩu cho hàng dệt may Malaysia vào cuối năm 2017, đến nay đơn hàng xuất khẩu hàng dệt may Malaysia vào thị trường châu Âu tăng mạnh. Các doanh nghiệp Malaysia cũng đang xác định châu Âu là thị trường xuất khẩu chủ lực. Không dừng lại đó, các dòng vốn đầu tư nước ngoài từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… vào lĩnh vực dệt may tại nước này cũng tăng mạnh. Hiện Malaysia đang có 400 công ty may mặc sử dụng 400.000 lao động. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Malaysia đã tăng từ 2,2 tỷ USD (năm 2016) lên 3 tỷ USD (năm 2017) và dự báo đạt hơn 4 tỷ USD trong năm 2018.Đối mặt rào cản phòng vệ thương mại Trong bối cảnh chính sách hỗ trợ hàng dệt may ở các nước cạnh tranh đang chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng nội lực phát triển cho các doanh nghiệp nội địa, thì doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Phải kể đến nhiều nhất là tình hình xuất khẩu xơ sợi. Việt Nam xuất khẩu mặt hàng này chủ yếu sang Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại đang áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam. Hiện kim ngạch xuất khẩu sợi sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm từ 138.000 tấn, trị giá 321 triệu USD (năm 2013) xuống còn 70.800 tấn, trị giá 161,9 triệu USD (năm 2017) và dự tính năm 2018, đà giảm sẽ còn tiếp tục duy trì.  Riêng với Trung Quốc, dù không áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại nhưng những chính sách phát triển ngành sơ sợi tại nước này cũng đang tác động tiêu cực đến kim ngạch xuất khẩu hàng sơ sợi Việt Nam tại thị trường này. Cụ thể, Trung Quốc đã thay đổi chính sách trợ giá cho người sản xuất để dự trữ bông quốc gia, chuyển sang bán bông dự trữ quốc gia với giá thị trường nên doanh nghiệp Trung Quốc đã giảm nhập khẩu sợi của Việt Nam để mua bông nội địa sản xuất.  Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhấn mạnh hàng may mặc Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt rào cản phòng vệ thương mại mà các nước trên thế giới đang sử dụng nhằm hạn chế nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam, đây là mặt hàng bị kiện nhiều thứ 2 sau thép. Chỉ tính từ năm 2007 đến nay, hàng xơ sợi xuất khẩu của Việt Nam bị kiện đến 11 vụ. Trong đó, có 7 vụ kiện chống bán phá giá, 1 vụ kiện chống trợ cấp, 2 vụ kiện áp dụng biện pháp tự vệ, 1 vụ kiện chống lẩn tránh thuế đến từ Thổ Nhĩ Kỳ, châu Âu, Ấn Độ, Mỹ và Brazil. Riêng trong năm 2017, Việt Nam phải chịu 3 vụ kiện. Theo đó, Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi nylon filament, Mỹ điều tra chống bán phá giá sợi polyester và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra chống bán phá giá sợi bán thành phẩm. Xoay trở với nội lực hạn chế Để có thể ứng phó với nội lực cạnh tranh từ các nước bạn, doanh nghiệp Việt Nam nhất thiết phải cải thiện nội lực sản xuất, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu và từng bước hoàn thiện chuỗi cung ứng nguyên liệu trong nước. Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trước hết cần hỗ trợ doanh nghiệp dệt may hoàn thiện chuỗi cung ứng. Theo đó, các địa phương phải công bằng trong chính sách ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp nội và doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Vì thực tế, doanh nghiệp nội rất khó xin phép thành lập nhà máy dệt nhuộm, trong khi điều này lại khá dễ dàng với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài. Ông Trần Anh Hào, Trưởng phòng Phòng Công nghiệp, Sở Công thương TPHCM, đề xuất về lâu dài cần thiết phải hình thành cụm công nghiệp chuyên ngành dệt may. Hiện vẫn chưa có địa phương nào, nói chung và TPHCM, nói riêng dành quỹ đất đủ để hình thành những cụm công nghiệp chuyên ngành.  Về phía doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại mang lại. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam tại TPHCM, cho rằng ngoài việc giữ thị phần và lợi thế xuất khẩu tại thị trường châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng cần khai thác thêm đơn hàng đến từ thị trường Australia, New Zealand... vì Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại với Australia và New Zealand. Hàng dệt may xuất khẩu vào thị trường này, nhất là những mặt hàng quần áo thể thao, thời trang nam - nữ … sẽ được hưởng thuế suất ưu đãi. Hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa biết nhiều đến hiệp định này. Riêng về rào cản phòng vệ thương mại, đại diện Bộ Công thương dự báo trong thời gian tới, hàng xuất khẩu Việt Nam nói chung sẽ phải đối mặt ngày càng nhiều hơn. Do vậy, biện pháp để ứng phó hiệu quả là doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm kết hợp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Đồng thời, chủ động thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để ứng phó nhanh, kịp thời ngay khi có thông tin sự việc xảy ra. Song song đó, có phương án dự phòng khi xây dựng kế hoạch sản xuất để tránh bị động khi bị các nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Tin cùng chuyên mục