Hàng chống nóng hút hàng

Tình trạng nắng nóng kéo dài đã và đang làm gia tăng nhiệt với mặt hàng chống nóng và giải nhiệt. Trước thực tế này, nhiều hệ thống phân phối, các chợ đầu mối đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiểm soát giá cả mặt hàng chống nóng.
Người tiêu dùng tìm mua rau củ quả có khả năng thanh nhiệt
Người tiêu dùng tìm mua rau củ quả có khả năng thanh nhiệt

Ghi nhận sức mua các mặt hàng giải nhiệt chống nóng tại các siêu thị Co.opmart, Co.op Food, Co.opXtra, Co.op Smiles và Cheers trong tuần qua tăng hơn 20% so với tuần trước. Các mặt hàng bán chạy chủ yếu là váy chống nắng, các loại nón, kem chống nắng, quạt máy, các loại nước suối, nước khoáng, trà đóng chai, các loại nước giải khát. 

Chị Nguyễn Thị Trang Anh (ngụ quận 3) cho biết, trung bình khoảng 2 ngày, chị lại đi siêu thị để tìm mua sản phẩm rau củ quả có khả năng thanh nhiệt. Các loại rau củ quả giải nhiệt ưa dùng nhất là nha đam tươi, rễ tranh mía lau, củ sắn non, bắp cải thảo, bí xanh, dưa leo, dưa hấu, nho, bưởi… Do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh nên giá cả các mặt hàng này cũng tăng nhẹ, dao động ở mức tăng thêm 5.000 - 10.000 đồng/kg, tùy loại mặt hàng. 

Tuy nhiên, ghi nhận tại hệ thống chợ truyền thống như chợ Phùng Hưng (quận 5), chợ Phạm Thế Hiển (quận 8), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ nông sản thực phẩm Thủ Đức, số lượng những mặt hàng như cam, bưởi, cà chua, dưa leo… về chợ khá dồi dào. Giá mặt hàng rau củ quả giải nhiệt có giá tăng cao hơn, trung bình khoảng 7.000 - 20.000 đồng/kg, tùy loại. Chị Hoàng Thị Ngọc Yến (ngụ đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) cho biết, các loại rau củ quả giải nhiệt được các tiểu thương điều chỉnh tăng giá hàng ngày. Theo chị Yến, việc tăng giá không phải do nguồn cung ứng các mặt hàng này khan hiếm, mà do tiểu thương nhận thấy sức mua các loại mặt hàng trên tăng mạnh nên đã tự điều chỉnh giá ở mức cao. 

Điều đáng nói là cùng với sức mua hàng chống nóng tăng mạnh thì dịch vụ cung ứng nước giải khát vỉa hè cũng nở rộ. Dọc các tuyến đường tại các quận 1, 3, 5, 6, Thủ Đức…, hàng loạt xe đẩy bán nước cam, mía, nước ép hình thành. Giá mỗi chai nước ép được chào bán khá rẻ, dao động 10.000 - 20.000 đồng/chai loại 330ml. Người bán hàng sử dụng những dụng cụ ép thủ công, hoặc máy ép dạng nhỏ, gọn để ép trái cây, rau củ các loại. Tuy nhiên, theo các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm thì nước giải nhiệt bán tại các xe đẩy này chứa nhiều nguy cơ cao về mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trước hết, nguồn gốc thực phẩm không được kiểm chứng về độ an toàn. Nước trái cây các loại sau khi ép được chứa trong các chai nước suối đã qua sử dụng, mà quy trình vệ sinh chai nước này rất thủ công. Nước ép được ướp trong những thùng đá rồi để ngoài trời, không được kiểm soát nhiệt độ, thời gian, thậm chí nguồn nước đá sử dụng để ướp các chai nước cũng không đảm bảo vệ sinh, gây nguy cơ ngộ độc thực phẩm rất cao. 

Mất vệ sinh là vậy nhưng nhiều người dân vẫn sử dụng. Bạn Nguyễn Thị Thanh Yên, sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TPHCM (quận Thủ Đức), cho biết thời gian gần đây thời tiết nắng nóng nên buổi tối em và các bạn sinh viên thường ra công viên để hóng mát và nước giải khát đóng chai vỉa hè trở thành thức uống được ưa chuộng, bởi giá thành rẻ, phù hợp với đa số sinh viên. 

Trước thực tế trên, các cơ quan chức năng cho biết hiện vẫn chưa có biện pháp kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như xử lý hiệu quả trường hợp bán hàng vỉa hè nói chung và nước giải khát nói riêng, nếu vi phạm quy định này. Do vậy, người tiêu dùng nên ưu tiên lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm tại các hệ thống cửa hàng có thương hiệu, uy tín, hàng hóa đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Các cơ quan chức năng cũng sẽ đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm sạch, bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Tin cùng chuyên mục