Hạn mặn hoành hành ĐBSCL

Mới đầu mùa khô, nhưng nước mặn đã bủa vây tứ phía vùng ĐBSCL. Nguồn nước tích ở biển Hồ đang thấp kỷ lục dẫn đến dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL có khả năng cũng sẽ ở mức thấp kỷ lục. Dự báo xâm nhập mặn vào mùa khô ĐBSCL sẽ rất nghiêm trọng, mặn đến sớm, xâm nhập sâu trên diện rộng và kéo dài. 
Bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây. Ảnh: TTXVN
Bơm nước ngọt từ ngoài kênh vào mương vườn dự trữ tưới cho cây. Ảnh: TTXVN

Nông dân trở tay không kịp 

Giữa tháng 12-2019, nông dân Bến Tre, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau… đã lo sốt vó với nước mặn. Hạn mặn bủa vây tứ phía, xâm nhập không chỉ từ hướng biển Đông mà cả hướng biển Tây. Nguy hiểm hơn, nước mặn đang lan đến sát nách TP Cần Thơ, địa phương nằm ở “rốn” của ĐBSCL. 

Ông Tạ Bình Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nước AQUAONE Hậu Giang vừa có công văn khẩn gửi đến một số cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang. Theo đó, số liệu quan trắc tại nhà máy nước trong Khu công nghiệp Sông Hậu, thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang (giáp ranh với TP Cần Thơ) cho thấy: Tỷ lệ mặn đang tăng dần tại cửa thu nước (trên sông Hậu) của nhà máy. Cụ thể tuần đầu tháng 12-2019, độ mặn được ghi nhận là 0,08‰, đến giữa tháng 12-2019, đã tăng lên 0,17‰, cao hơn cùng kỳ năm ngoái 0,1‰.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết, ngành đã tiếp nhận thông tin và xuống thực địa để đo độ mặn, xác nhận độ mặn của khu vực thị trấn Mái Dầm (ven sông Hậu) đang gia tăng. Ông Trần Chí Hùng cho biết thêm, hiện nước mặn đã xâm nhập vào địa phận tỉnh Hậu Giang từ cả hai hướng: biển Đông và biển Tây.

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, hiện nay dòng chảy từ thượng nguồn về ĐBSCL đang giảm nhanh, xuống mức cực thấp. Một trong những nguyên nhân chính là do lượng tích nước trong biển Hồ chỉ khoảng 14 tỷ m3, thấp hơn gần 22 tỷ m3 so với cùng thời kỳ trung bình nhiều năm, thấp hơn 13 tỷ m3 so với năm 2018 và đang ở mức tương đương so với cùng thời kỳ năm 2015. Đây cũng là những yếu tố quan trọng có thể dẫn đến hạn mặn lịch sử như đã từng xảy ra năm 2016.

Dù đã có cảnh báo từ trước của các cơ quan khí tượng - thủy văn về việc nhiều khả năng năm nay nước mặn sẽ xâm nhập sớm nhưng hiện nay do chủ quan nên cả người dân và nhiều địa phương vẫn bị động ứng phó. Hiện Bến Tre đã ghi nhận độ mặn từ 1‰ - 4‰ đã xâm nhập sâu vào 60-70km. Nông dân Bến Tre đã bất ngờ trước diễn biến bất thường của xâm nhập mặn nên trở tay không kịp - nhất là trong việc tìm nguồn nước ngọt để tưới cây.

Những năm trước, sau tết cổ truyền nước mặn mới xâm nhập đến các tuyến sông. Năm nay, nước mặn bất ngờ đến sớm nên nông dân không kịp đề phòng đóng các cống hay trữ nước ngọt trong mương vườn để sử dụng” - ông Bảy Nhiên ở xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách cho biết. Ông Bảy Nhiên là một trong số hàng trăm nông dân ở Chợ Lách sản xuất cây giống và trồng hoa kiểng đang rơi vào tình cảnh khó khăn trong việc tìm nguồn nước ngọt tưới cho cây. 

Khẩn trương trữ nước ngọt 

Hiện ở Bến Tre, chính quyền địa phương ở các vùng bị mặn xâm nhập đang khẩn trương vận động người dân dùng nhiều cách để tích trữ nước ngọt trong mương vườn, ao, hồ… Qua đó, chia sẻ nguồn nước ngọt với các gia đình thiếu nước ngọt để cứu hoa kiểng, cây giống. Đây là việc làm cần thiết nhằm giúp nhà vườn Bến Tre giảm bớt thiệt hại do nước mặn xâm nhập sớm. Ngoài ra, người dân Bến Tre cũng đang chủ động dùng các túi nhựa có dung tích chứa từ 15 - 30m3 nước ngọt để dự trữ.

Hạn mặn hoành hành ĐBSCL ảnh 1 Người dân Bến Tre dùng túi nhựa trữ nước ngọt

Trong khi đó, tại Hậu Giang ngành nông nghiệp đã yêu cầu các cán bộ thủy lợi trực chiến đo độ mặn để đóng hệ thống cống và đập ngăn mặn kịp thời. “Các cán bộ thủy lợi cũng đo độ mặn và cập nhật hàng ngày, gửi thông tin về lãnh đạo tỉnh Hậu Giang để kịp thời có những chỉ đạo ứng phó với diễn biến phức tạp của xâm nhập mặn hiện nay” - ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết. 

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam nhận định: Nhiệt độ cao sẽ làm gia tăng bốc hơi đẩy mặn xâm nhập nhanh hơn, tăng nhu cầu nước cho cây trồng, vật nuôi. Trong khi đó, gió chướng bắt đầu hoạt động ngay từ đầu mùa khô, cộng với những ngày triều cường kết hợp mạnh sẽ đẩy mặn xâm nhập sâu vào nội đồng. Đáng quan ngại là tình trạng mặn trên sông Hậu biến động nhanh và có nhiều bất thường. Ranh mặn 4‰ có khả năng vào đến Trà Ôn (Vĩnh Long), giáp ranh với Cần Thơ, do đó cần quan trắc theo dõi thường xuyên. 

Dòng chảy mùa khô năm 2019-2020 từ thượng lưu sông Mê Công về ĐBSCL có khả năng ở mức thấp kỷ lục, nên xâm nhập mặn mùa khô trên ĐBSCL sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động lớn đến sản xuất và sinh hoạt. Chính vì vậy, các địa phương trong vùng cần phải triển khai các biện pháp cấp bách và vận động người dân tập trung tích trữ nguồn nước ngọt tối đa ngay khi có nguồn nước ngọt trên sông, kênh.

Đồng thời, chủ động sản xuất, bố trí mùa vụ hợp lý. Về lâu dài cần có chiến lược cấp nước ngọt cho các vùng xa nguồn ngọt ven biển để người dân sinh hoạt. Đặc biệt là các địa phương phải chủ động cập nhật thông tin về diễn biến của hạn - mặn để có giải pháp kịp thời nhằm giảm những rủi ro, thiệt hại cho nông dân trong vùng.

Tin cùng chuyên mục