Hạn chế rủi ro khi xuất khẩu nông sản vào Hàn Quốc

Trước thông tin từ ngày 1-1-2019, Hàn Quốc sẽ siết chặt danh mục thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đối với mặt hàng xuất khẩu từ các nước, trong đó có Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) hạn chế những rủi ro trước khi xuất khẩu hàng sang thị trường Hàn Quốc. 
Hồ tiêu là mặt hàng từng bị từ chối nhập khẩu vào Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH TRÍ
Hồ tiêu là mặt hàng từng bị từ chối nhập khẩu vào Hàn Quốc. Ảnh: THÀNH TRÍ

Rào cản khắt khe

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) có hiệu lực từ ngày 21-12-2015, trong đó Hàn Quốc dành nhiều ưu đãi cho mặt hàng nông - thủy sản của Việt Nam tiếp cận thị trường Hàn Quốc. Tuy nhiên, Hàn Quốc cũng là thị trường áp dụng các quy định khắt khe, mang tính bảo hộ cao về kiểm dịch động thực vật và thực phẩm nhập khẩu.

Đây là biện pháp áp dụng chung đối với tất cả các nước, song biện pháp này sẽ hạn chế về số lượng, chủng loại thuốc BVTV được sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh tại Việt Nam (nhiều loại thuốc BVTV chưa được đăng ký theo quy định mới của Hàn Quốc) sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như cà phê, đậu phộng, hạt điều và các loại trái cây nhiệt đới… sang thị trường Hàn Quốc. Hệ thống danh mục hợp quy của Hàn Quốc bao gồm 370 loại thuốc BVTV sẽ chịu sự kiểm tra chuyên sâu tại cảng nhập khẩu được chỉ định của Hàn Quốc.

Do đó, các DN xuất khẩu của Việt Nam cần hết sức lưu tâm đến hệ thống này, vì chỉ có các loại thuốc BVTV đã có tiêu chuẩn an toàn về dư lượng mới được nhập khẩu vào Hàn Quốc. Đặc biệt, DN cần đặc biệt lưu tâm về chủng loại cũng như dư lượng thuốc BVTV trong tốp 20 sản phẩm nông sản Việt Nam xuất sang Hàn Quốc. 

Số liệu thống kế của Cơ quan Xúc tiến thương mại và đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) cho thấy, do thực phẩm nhập khẩu vào Hàn Quốc tăng cả về số lượng và chủng loại, nên lượng sản phẩm nông nghiệp có chứa dư lượng thuốc trừ sâu chưa được đánh giá về độ an toàn đang tăng rõ rệt. Trong khi các hệ thống hiện kiểm nghiệm hiện tại có những hạn chế trong việc đảm bảo an toàn cho thực phẩm nhập khẩu.

Để đảm bảo chất lượng đầu vào đối với thực phẩm, từ ngày 31-12-2016, Hàn Quốc đã triển khai hệ thống quản lý danh mục thuốc BVTV (PLS) nhằm tạo điều kiện cho việc quản lý sự an toàn về thuốc trừ sâu. PLS đã được bắt đầu thực hiện với các loại hạt, trái cây nhiệt đới và sẽ được triển khai trên tất cả các sản phẩm nông nghiệp kể từ ngày 1-1-2019. Cũng theo KOTRA, trong giai đoạn 2015-2017, có nhiều sản phẩm của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Hàn Quốc do có những thành phần độc hại, hóa chất trong thuốc trừ sâu vượt quy định cho phép. Đơn cử như trái mãng cầu gai, rau húng quế, hồ tiêu, ớt ngọt, củ cải, bạc hà, cần nước, chuối, bắp cải, bắp cải sam, rau mùi tàu…

Chủ động đáp ứng các quy định

Theo Bộ NN-PTNT, Hàn Quốc đã cho phép nhập khẩu quả xoài và thanh long tươi của Việt Nam. Hiện Cục BVTV (thuộc Bộ NN-PTNT) và Cơ quan Kiểm dịch Hàn Quốc (QIA) đang cùng thực hiện chương trình tiền kiểm tra tại các nhà máy của Việt Nam đối với 2 sản phẩm trên. Đối với trái thanh long, từ năm 2015, Cục BVTV đã đề xuất và được phía QIA chấp nhận chuyển giao việc giám sát hàng ngày trên cho Cục BVTV. Điều này có nghĩa cán bộ của QIA chỉ kiểm soát hồ sơ và đến nhà máy kiểm tra ngẫu nhiên việc xử lý hơi nước nóng. Trong khi đó, với trái xoài xuất khẩu, từ năm 2014 đến nay, các chuyên gia Hàn Quốc thực hiện tiền kiểm tra tại Việt Nam và Cục BVTV tiếp tục kiến nghị QIA chuyển giao việc giám sát tiền kiểm tra đối với xoài (giống như thanh long) cho Cục BVTV. 

Đối với thanh long ruột đỏ, tháng 12-2017, Cục BVTV cũng gửi đề nghị kèm theo tài liệu kỹ thuật để mở cửa thị trường cho thanh long ruột đỏ. Phía Hàn Quốc cũng vừa có thư yêu cầu Việt Nam cung cấp thêm thông tin đối với thanh long ruột đỏ và thông tin liên quan đến vùng trồng cũng như các biện pháp quản lý đối với xoài xuất khẩu từ Việt Nam sang Hàn Quốc. Không dừng lại ở đó, với việc mở cửa thị trường cho trái vú sữa xuất khẩu sang Hàn Quốc, Việt Nam đang phối hợp với nước bạn hoàn thiện báo cáo phân tích nguy cơ dịch hại (PRA). Các loại trái cây như nhãn, vải, chôm chôm và chanh leo, Việt Nam cũng đã gửi thông tin kỹ thuật cho QIA và phía Hàn Quốc cũng xác nhận sẽ tiến hành quá trình PRA đối với các loại trái cây trên, ngay sau vú sữa.

Trao đổi về những giải pháp hỗ trợ DN trong nước đáp ứng được yêu cầu của Hàn Quốc khi xuất khẩu hàng nông sản vào quốc gia này, bà Bùi Thanh Hương, đại diện Cục BVTV, cho biết nhằm mục đích để nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng, đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, Bộ NN-PTNT đã thực hiện một số giải pháp như siết chặt việc đăng ký, sản xuất, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, xây dựng mô hình truyền thông để khuyến khích nông dân sử dụng thuốc BVTV sinh học cũng như DN kinh doanh thuốc BVTV sinh học. Tiếp tục ưu tiên đăng ký vào danh mục cũng như sử dụng các thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học thân thiện với môi trường, tiến tới năm 2020 đạt khoảng 30% thuốc BVTV sinh học trong danh mục.

Đồng thời đưa chương trình sử dụng thuốc BVTV sinh học vào các chương trình khuyến nông; đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, sử dụng thuốc BVTV một cách khoa học, hiệu quả, đảm bảo sự an toàn và phát triển bền vững. Mặt khác, Cục BVTV cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt việc tuân thủ các quy định trong sử dụng thuốc BVTV. Đẩy mạnh việc thực hiện sản xuất và kiểm soát việc sử dụng thuốc BVTV trong suốt quy trình sản xuất nông sản theo chuỗi từ người trồng cho đến thương lái thu mua và DN xuất khẩu. Thường xuyên thông báo kịp thời đến các địa phương và đơn vị xuất khẩu những yêu cầu, quy định an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Tin cùng chuyên mục