“Hâm nóng” thị trường bất động sản Phú Quốc

Dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát giúp các hoạt động kinh tế, dịch vụ tại đảo ngọc Phú Quốc (Kiên Giang) tái khởi động. Du khách trong nước và quốc tế đang trở lại đây ngày càng nhiều cũng là tín hiệu để thị trường bất động sản trên đảo ngọc “hâm nóng” sau khoảng 3 năm đóng băng.

Không còn sốt giá ảo

Dẫn chúng tôi đi khảo sát một vòng các lô đất mà khách đang gửi bán, ông N.Q. (chuyên môi giới đất đai ở phường An Thới, TP Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) giới thiệu: “Người các tỉnh thành khác đến mua đất khá nhiều. Có người mua để cất nhà nghỉ dưỡng, có người mua để đầu tư. Họ thích vị trí đất cao, dựa lưng vào núi, mặt nhìn ra biển cho hợp phong thủy”. Ông Q. tiết lộ, hiện có khoảng 10 lô đất chủ đang chào bán, diện tích 500m2 mỗi lô, chắc giá 150 triệu đồng/m2

Chạy theo đường ĐT.46 (đường trục Nam - Bắc đảo Phú Quốc) đến khu vực An Thới (từ dốc Cô Sáu tới cảng quốc tế), ông Q. cho biết, giá mặt tiền dao động từ 1-2 tỷ đồng mỗi mét ngang, chiều dài bình quân 50m.

“Khoảng 3 năm nay, nhìn chung thị trường bất động sản Phú Quốc chững lại. Cảnh cả đoàn xe ô tô chở người kéo nhau rầm rộ gom mua đất nền, rồi thổi giá trên trời không còn. Bây giờ đất mua bán chủ yếu là pháp lý rõ ràng, quy hoạch ổn định lâu dài, giá tăng dần theo tình hình kinh tế chung, chứ không còn giá ảo”.

Ghi nhận tại các phòng công chứng ở đảo ngọc Phú Quốc những ngày gần đây cho thấy, mỗi ngày có khoảng 5-15 giao dịch đất đai được thực hiện ở mỗi nơi. Số lượng hợp đồng chuyển nhượng chỉ bằng 10% thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19, nhưng đây cũng là tín hiệu cho thấy thị trường bất động sản ở Phú Quốc bắt đầu được “hâm nóng” trở lại. 

Triển vọng bất động sản nghỉ dưỡng

Ông Đặng Đức Giới, Giám đốc Công ty CP Đầu tư DK Land (chuyên đầu tư, môi giới bất động sản ở Phú Quốc) phân tích, thị trường bất động sản tại Phú Quốc trước giờ đều gắn liền với hoạt động du lịch nghỉ dưỡng. Khi du lịch phục hồi và phát triển sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động trở lại, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng cao cấp đang trở thành xu hướng thu hút nhiều nhà đầu tư.

Theo ông Giới, hoạt động du lịch của Phú Quốc dần vào trạng thái bình thường mới, du khách trong nước và quốc tế đang trở lại ngày càng nhiều chính là tín hiệu để “hâm nóng” thị trường bất động sản trên đảo ngọc sau khoảng 3 năm đóng băng. 

Trong khi đó, đại diện Công ty Goldland Phú Quốc cho biết, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc vẫn còn nhiều dư địa để phát triển, không giống các địa phương đã phát triển lâu năm như Nha Trang, Đà Nẵng... Nếu tất cả các dự án đầu tư lớn ở Phú Quốc đều được triển khai đúng như cam kết của nhà đầu tư, hạ tầng trên đảo được hoàn thiện, chắc chắn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phân khúc trung bình, cận cao cấp và cao cấp sẽ bùng nổ, đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư. 

Theo tìm hiểu, hiện đảo Phú Quốc có khoảng 47 dự án đầu tư bất động sản trải dài suốt từ phía Bắc đến Nam đảo, trong đó có khoảng 7 dự án đất nền, còn lại là bất động sản nghỉ dưỡng. Có thể kể một số dự án như: Biệt thự Meyhomes Capital Phú Quốc giá khoảng 7,3 tỷ đồng/căn; Sun Grand City New An Thới giá từ 7 tỷ đồng/căn; Sun premier village Kem beach resort giá 15 tỷ đồng/căn; Vinwonder dạng shophouse sở hữu 70 năm giá 6 tỷ đồng/căn…

Theo ông Phùng Quốc Bình, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Kiên Giang, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang giao các sở ngành chức năng cùng UBND TP Phú Quốc là kiểm soát chặt thị trường bất động sản, quản lý chặt chẽ quy hoạch, xây dựng đô thị, không để xảy ra sốt giá đất ảo như thời gian qua. Các trường hợp cố tình vi phạm lấn chiếm đất rừng, phân lô, tách thửa chuyển nhượng đất nền, xây dựng trái quy hoạch đều xử lý nghiêm minh.

Chiều 25-11, ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang, cho biết, địa phương chính thức đề xuất Chính phủ ban hành một số cơ chế đặc thù cho TP Phú Quốc (thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam).

Sở dĩ Phú Quốc cần có cơ chế riêng là vì, ngay từ năm 2004, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch định hướng địa phương này trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao tầm cỡ quốc gia, khu vực và thế giới.

Với định hướng này, Chính phủ đã dành nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng cho Phú Quốc, trong đó có các công trình rất quan trọng như đường cáp ngầm đưa điện lưới quốc gia từ đất liền ra đảo (hiện đã hoàn thành bổ sung thêm 1 đường cáp thứ 2), cảng hàng không quốc tế, đường trục Nam - Bắc đảo, cảng biển quốc tế… Dù phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, song Phú Quốc vẫn vướng cơ chế. 

Theo tờ trình của tỉnh Kiên Giang, có 6 nhóm chính sách cần cơ chế riêng cho Phú Quốc, gồm: nhóm chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng nhằm tăng tính kết nối; nhóm chính sách về quản lý và phát triển nguồn nhân lực; các ưu đãi liên quan đến tài chính như ưu đãi thuế, chính sách tài chính tiền tệ, tiền lương, hàng hóa xuất nhập khẩu, ưu đãi đất đai và xúc tiến đầu tư; phát triển lĩnh vực văn hóa xã hội; bảo đảm an ninh quốc phòng; đầu tư và hợp tác quốc tế.

Tin cùng chuyên mục