Hai sử gia trăm tuổi trò chuyện về lịch sử

Ngày 20-8, tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM (69 Lý Tự Trọng, quận 1, TPHCM) đã diễn ra chương trình gặp gỡ với hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư. Cả hai sử gia đều đã bước qua dấu mốc 100 tuổi nhưng tình yêu và kiến thức với sử Việt vẫn khiến nhiều người bất ngờ và ngưỡng mộ.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu là tác giả của nhiều đầu sách có giá trị về sử liệu như Tạp ghi Việt sử địa, 100 câu hỏi về Gia Định Sài Gòn - Địa lý, Việt Nam Quốc hiệu và Cương vực: Hoàng Sa - Trường Sa, Góc nhìn sử Việt - Chế độ công điền công thổ trong lịch sử khẩn hoang lập ấp ở Nam Kỳ lục tỉnh

Ngoài các công trình về sử liệu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư còn sáng tác dựa trên nguồn sử liệu của đất nước, nên tác phẩm của ông còn có tiểu thuyết. Có thể kể đến: Loạn 12 sứ quân, Đường phố nội thành Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh - Dặm dài lịch sử (1698-1945), Non nước Khánh Hòa, Non nước Ninh Thuận
Hai sử gia trăm tuổi trò chuyện về lịch sử ảnh 1 Trên giấy tờ, năm sinh của hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư (từ trái qua) có khác nhau, còn thực tế, cả hai cùng sinh năm 1920
Trên giấy tờ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư sinh năm 1922 tại Thanh Chương (tỉnh Nghệ An), còn nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1923 tại Hà Nội. Nhưng thực tế, cả hai sử gia Nguyễn Đình Tư và Nguyễn Đình Đầu đều sinh năm 1920. Dù đã hơn 100 tuổi nhưng tình yêu và kiến thức với sử Việt của hai nhà nghiên cứu vẫn khiến những người có mặt không khỏi bất ngờ và ngưỡng mộ.

Nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ: “Mặc dù tuổi đã vượt ngưỡng 100 nhưng các cụ vẫn suy nghĩ về sử học. Những câu chuyện của hai bác đã truyền cảm hứng rất lớn cho những thế hệ nghiên cứu lịch sử sau này, một lĩnh vực có thể nói là không dễ nhưng đồng thời cũng rất nhạy cảm. Những đóng góp của hai bác trên nền tảng hiểu biết cơ bản, đặc biệt về phương Nam là những đóng góp quý giá để các thế hệ khác tiếp tục tiếp thu”.

Hai sử gia trăm tuổi trò chuyện về lịch sử ảnh 2 Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ tại chương trình 
Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, sự hiện diện của hai nhà nghiên cứu không chỉ là niềm vui, nguồn động viên đối với gia đình mà cả hai cụ đều là tấm gương, đồng thời là nguồn cảm hứng để chúng ta tiếp tục nhận thức về quá khứ của TPHCM cũng như của Việt Nam một cách đầy đủ hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi hội nhập thế giới, chúng ta càng phải hiểu lịch sử của chúng ta hơn.
Hai sử gia trăm tuổi trò chuyện về lịch sử ảnh 3 Đông đảo bạn đọc thuộc nhiều thành phần lứa tuổi, ngành nghề cùng tham dự 
Không chỉ những người làm xuất bản, những nhà nghiên cứu lịch sử quan tâm tham dự, buổi giao lưu gặp gỡ giữa hai sử gia Nguyễn Đình Đầu và Nguyễn Đình Tư còn có sự tham gia của nhiều bạn trẻ đến từ các trường đại học.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên về việc thay đổi cách đọc và viết sử trong cuộc đời làm sử kéo dài, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết, chủ trương của ông là sử phải khách quan, bởi lịch sử diễn biến theo điều kiện cụ thể của từng giai đoạn chứ nó không diễn biến theo ý muốn của phe này hay phe kia.

Hai sử gia trăm tuổi trò chuyện về lịch sử ảnh 4 Vì tai nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư không còn nghe rõ nên con trai của ông "phiên dịch" những câu hỏi cũng như những chia sẻ từ những người tham dự cho bố mình 
“Chính vì lẽ đó, người viết sử phải khách quan. Nhưng nhân vô thập toàn, không ai là hoàn hảo hết cả, cho nên cái hay thì khen, dở thì chê, chứ đừng dở cũng khen, như vậy sẽ làm cho hậu thế hiểu sai về giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang sống”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư nói thêm. 

Tin cùng chuyên mục