Hải quan TPHCM xây dựng “hệ sinh thái logistics”, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM khẳng định, Hải quan TPHCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ví dụ như đề án “tham vấn một lần và sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần”, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chủ động kế hoạch kinh doanh với đối tác.

Ngày 9-10, Cục Hải quan TPHCM tổ chức Hội nghị “Đối thoại giữa Cục Hải quan TPHCM và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu - Eurocham”, thu hút hàng trăm doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao sự hỗ trợ, hợp tác của Cục Hải quan TPHCM  trong suốt thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh các nội dung doanh nghiệp quan tâm tại hội nghị lần này, gồm việc nâng cao kiến thức cho các doanh nghiệp về thủ tục hải quan, phân loại hàng hóa, định giá hải quan, cách tính thuế…

Hải quan TPHCM xây dựng “hệ sinh thái logistics”, hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 1 Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng trao đổi với báo chí tại hội nghị. Ảnh: THI HỒNG
Trao đổi với các doanh nghiệp, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM khẳng định, Hải quan TPHCM đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho doanh nghiệp. Ví dụ như đề án “tham vấn một lần và sử dụng kết quả tham vấn nhiều lần”, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chủ động kế hoạch kinh doanh với đối tác.
Tiếp đến, Hải quan TPHCM cũng phối hợp với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn triển khai đề án “Tạo thuận lợi thương mại thủ tục hải quan trong hoạt động logistics và chống ùn tắc hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Cát Lái” (còn gọi là đề án “hệ sinh thái logistics”). Vì đây là cảng chiếm khoảng 80% lưu lượng hàng hóa khu vực phía Nam với gần 15.000 container xuất nhập khẩu mỗi ngày.
Hải quan TPHCM xây dựng “hệ sinh thái logistics”, hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 2 Đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi tại hội nghị. Ảnh: THI HỒNG
“Hệ sinh thái” nêu trên hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật sẽ được thông quan ngay khi hàng cập cảng, đồng thời doanh nghiệp có thể chủ động tìm hiểu, biết được hàng hóa đã thông quan hay chưa. Hệ thống chương trình sẽ kết nối doanh nghiệp với cơ quan hải quan hoặc các cơ quan ban ngành khác nhằm tạo sự công khai, minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan.

Theo đó, khi các đề án được triển khai kết hợp với những chương trình cải cách mạnh đang được tiến hành, thì cam kết của hải quan TP về việc giảm tối đa 50-70% thời gian thông quan hàng hóa sẽ sớm được thực hiện.

Liên quan đến các thắc mắc của doanh nghiệp về chính sách thuế, hải quan, Cục Hải quan TPHCM lần lượt đã có những giải đáp rõ ràng. Chẳng hạn, một doanh nghiệp thắc mắc về trường hợp doanh nghiệp A. mua hàng với giá 10.000 USD/sản phẩm, nhưng cũng mặt hàng này doanh nghiệp B. phải mua (cùng đối tác) với giá 12.000 USD/sản phẩm. Như vậy, trên hệ thống cơ quan hải quan tồn tại 2 mức giá khác nhau.

Doanh nghiệp hỏi: Nếu nhập sản phẩm 10.000 USD/sản phẩm có được cơ quan hải quan chấp nhận trị giá này không? Hải quan TPHCM đã trả lời: Thông tư 60/2019/TT-BTC (sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39/2015/TT-BTC về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu), phương pháp đầu tiên là xác định trị giá giao dịch của hàng hóa nhập khẩu. Nếu doanh nghiệp đáp ứng đủ 4 điều kiện và chứng minh được cho cơ quan hải quan 4 điều điều kiện thỏa mãn, thì không lý do gì cơ quan hải quan điều chỉnh từ 10.000 USD lên 12.000 USD. Vì giá cả hàng hóa do sự thỏa thuận giữa người mua và người bán. Trong trường hợp này, doanh nghiệp được mời đến cần có người đại diện am hiểu để có thể giải trình tường tận, rõ ràng, thì cơ quan hải quan sẽ chấp nhận trị giá khai báo.

Hải quan TPHCM xây dựng “hệ sinh thái logistics”, hỗ trợ doanh nghiệp ảnh 3 Các đại biểu  giải đáp thắc mắc cho các doanh nghiệp tại phiên tọa đàm. Ảnh: THI HỒNG
Một doanh nghiệp khác đặt câu hỏi về việc phạt chậm nộp thuế đối với tờ khai chuyển loại hình tiêu thụ nội địa. Cụ thể, một số nguyên vật liệu có nguồn gốc nhập khẩu theo loại hình sản xuất xuất khẩu (nhập E31) được phát hiện bị lỗi trong quá trình sản xuất hoặc hết hạn sử dụng phải loại bỏ. Khi ấy, doanh nghiệp cho tiến hành mở tờ khai chuyển loại hình tiêu thụ nội địa (A42) để đóng thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng cho số nguyên vật liệu này. Liệu khi mở tờ khai chuyển loại hình tiêu thụ nội địa cho số nguyên vật liệu bị lỗi, doanh nghiệp có bị truy thu tiền do chậm nộp thuế đối với các tờ khai nhập nguyên vật liệu sản xuất xuất khẩu ban đầu ? Ví dụ, mở tờ khai E31 ngày 1-1-2018, sau đó mở tờ khai A42 ngày 1-1-2019, đóng thuế cho một số nguyên vật liệu thuộc tờ khai trên.

Cục Hải quan TPHCM trả lời: Căn cứ khoản 5 Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP và Điều 21 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi tại khoản 10 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, thì doanh nghiệp không bị tính phạt chậm nộp.

  

Tin cùng chuyên mục