Hai nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hầu toà

Sáng nay 18-9, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa vụ án “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH) ra xét xử. Vụ án nằm giai đoạn 2 điều tra mở rộng các sai phạm của Vũ Quốc Hảo (tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II - ALC II) và đồng phạm.

Các bị can gồm: Lê Bạch Hồng (nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), Nguyễn Huy Ban (nguyên Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam), Nguyễn Phước Tường (nguyên Trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam), Hoàng Hà và Trần Tiến Vỹ, đều là nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính (nay là Vụ Kế hoạch - Đầu tư, BHXH Việt Nam). Các bị cáo trên bị xét xử về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Bị cáo Trần Thị Thanh Thủy (nguyên chuyên viên, sau là Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch - Tài chính, BHXH Việt Nam) bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Hai nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hầu toà ảnh 1 Bị cáo Lê Bạch Hồng tại phiên tòa
Khoảng 9 giờ, Hội đồng xét xử tiến hành kiểm tra căn cước các bị cáo.
Trong đó, bị cáo Lê Bạch Hồng khoác chiếc áo bảo hộ màu xanh, gương mặt bình thản, thi thoảng liếc nhìn xung quanh và khai rõ ràng thông tin cá nhân.
Trong buổi sáng, các đại diện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Công ty ALCII cùng đại diện Cơ quan điều tra đã có mặt. 
Sau khi xong phần kiểm tra căn cước, Hội đồng xét xử giải thích rõ ràng quyền và lợi ích của các bị cáo, quyền và lợi ích của những người liên quan.

Theo Cáo trạng mà Viện Kiểm sát công bố tại tòa, Công ty cho thuê tài chính II (Công ty ALCII) thuộc Agribank là một doanh nghiệp nhà nước, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có điều lệ và hoạt động riêng, chuyên hoạt động trong lĩnh vực cho thuê tài chính với vốn điều lệ 350 tỷ đồng. Bắt đầu hoạt động từ năm 1998.

Quá trình điều tra xác định, cuối năm 2003, ông Lê Văn Sở, Tổng Giám đốc Agribank và ông Nguyễn Huy Ban (thời điểm đó là Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam – BHXH) thỏa thuận hợp tác với nội dung: “BHXH Việt Nam đồng ý cho Agribank, các chi nhánh cấp I và các công ty thuộc Agribank vay vốn. Agribank chịu trách nhiệm toàn bộ về việc vay, sử dụng và hoàn trả vốn của tất cả các hợp đồng do Agribank trực tiếp đi vay…”.

Theo quy định, Công ty ALCII là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, chỉ được nhận tiền có kỳ hạn từ một năm trở lên của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Ngân hành Nhà nước. Pháp luật không cho phép Công ty ALCII vay vốn của BHXH Việt Nam và cũng không cho phép BHXN Việt Nam cho Công ty ALCII vay vốn.

Hai nguyên Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam hầu toà ảnh 2 Quang cảnh phiên tòa sáng nay

Thời điểm tháng 3-2008, do nhu cầu cần vốn để kinh doanh trong lĩnh vực cho thuê tài chính, Vũ Quốc Bảo, Tổng Giám đốc Công ty ALCII đã gặp Nguyễn huy Ban và Nguyễn Phước Tường (thời điểm đó là Trưởng ban Kế hoạch Tài chính kiêm Kế toán trưởng BHXH Việt Nam) để đặt vấn đề vay vốn. Nguyễn Phước Tường thống nhất với Vũ Quốc Bảo có thể vay nhưng cần bảo lãnh của Agribank, sau đó Bảo đã có công văn gửi Agribank đề nghị việc vay tiền.

Căn cứ công văn của Vũ Quốc Bảo, ông Nguyễn Thế Bình đã phát hành 3 thư bảo lãnh để Công ty ALCII được vay vốn. Giá trị 3 thư bảo lãnh lần lượt là 500 tỷ đồng; 800 tỷ đồng và 400 tỷ đồng (khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 10-2008). Sau thời điểm năm 2008, BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục cho Công ty ALCII vay thêm 530 tỷ đồng.

Diễn biến vụ việc được xác định từ tháng 3-2008 đến tháng 8-2009, Nguyễn Phước Tường chỉ đạo Trần Tiến Vỹ (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp giai đoạn từ năm 2005 đến tháng 6-2008) và Hoàng Hà (Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp giai đoạn từ tháng 7-2008) lập 14 tờ trình để Nguyễn Huy Ban và Lê Bạch Hồng (thời điểm đó là Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) bút phê “đồng ý”.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 4-2008 đến tháng 8-2009 BHXH Việt Nam đã ký 14 hợp đồng cho Công ty ALCII từ Quỹ BHXH với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng. Đến tháng 12-2018, tính lãi chi tiết của các hợp đồng vay vốn, tính đến khi Công ty ALCII bị phá sản (31-7-2018), Công ty ALCII mới thanh toán cho BHXH Việt Nam  một phần tiền gốc và lãi, còn nợ lại gần 1.700 tỷ đồng.

Sau vụ việc, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính đã tiến hành giám định. Theo kết quả giám định, đã xác định “BHXH Việt Nam đầu tư sai nguyên tắc từ đối tượng đầu tư… Trách nhiệm chính thuộc về ông Nguyễn Huy Ban, là người trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 11 hợp đồng cho vay tổng số tiền 630 tỷ; ông Lê Bạch Hồng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đã trực tiếp ký và chỉ đạo thực hiện 3 hợp đồng, với số tiền 380 tỷ.

Những cá nhân chịu trách nhiệm trong tham mưu gồm: ông Nguyễn Phước Tường; ông Trần Tiến Vỹ; bà Hoàng Hà, những cá nhân này còn chịu trách nhiệm liên đới do chưa hoàn thành trách nhiệm tham mưu; bà Trần Thị Thanh Thủy, cán bộ Phòng Kế hoạch Tổng hợp, Ban Kế hoạch Tài chính chịu trách nhiệm liên đới đối với cán bộ làm công tác văn thư, do chưa hoàn thành nhiệm vụ tiếp nhận và luân chuyển văn bản đến…”.

Cơ quan điều tra cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quan điểm về 3 thư bảo lãnh của Agribank. Sau khi nhận được quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về các thư bảo lãnh, Cơ quan điều tra xác định, các thư bảo lãnh của Agribank là vô hiệu không có giá trị pháp lý đối với 13 hợp đồng vay vốn.

Quá trình điều tra xác định hành vi của Nguyễn Huy Ban là cho vay không đúng đối tượng, mặc dù chính ông Ban biết được hoạt động đầu tư Quỹ BHXH là như thế nào. Căn cứ tài liệu điều tra, đủ kết luận hành vi của ông Nguyễn Huy Ban phạm tội “Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với ông Lê Bạch Hồng, cơ quan điều tra xác định ông đã ký cho vay không đúng đối tượng, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 400 tỷ đồng, căn cứ tài liệu điều tra đủ kết tội ông Hồng về cùng tội danh với ông Nguyễn Huy Ban.

Đối với ông Nguyễn Phước Tường, bà Hoàng Hà, ông Trần Tiến Vỹ được xác định là tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo ký các hợp đồng sai đối tượng. Những người này bị kết tội cùng tội danh với ông Nguyễn Huy Ban và Hồng.

Bà Trần Thị Thanh Thủy, chuyên viên Phòng Kế hoạch tổng hợp được xác định là người soạn thảo, lưu trữ các hợp đồng vay vốn… Từ kết quả điều tra xác định, bà Trần Thị Thanh Thủy vi phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã phong tỏa số tiền  hơn 53 triệu đồng của ông Lê Bạch Hồng tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Sở giao dịch và hơn 124 triệu tại ngân hàng ngoại thương Việt Nam, chi nhánh Hà Thành.

Trong vụ án này, Viện Kiểm sát thấy ông Vũ Quốc Hảo, Tổng Giám đốc Công ty ALC II có dấu hiệu đồng phạm với các bị cáo về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng". Tuy nhiên, việc thất thoát tài sản của Nhà nước tại Công ty ALC II, trong đó có phần tiền vay của BHXH Việt Nam, ông Vũ Quốc Hảo và một số cấp dưới đã bị xét xử về các tội danh khác nhau trong các vụ án khác. Trong đó, ông Hảo đã hai lần bị tuyên phạt tử hình về tội "Tham ô tài sản", hiện chờ thi hành án. Do đó, Viện Kiểm sát không đề cập xử lý ông Vũ Quốc Hảo và các cán bộ cấp dưới có liên quan tại Công ty ALC II trong vụ án này.

Tin cùng chuyên mục