Hai chiều của sáng tạo

Trước những phản ứng trái chiều của công chúng, triển lãm tranh về nữ sĩ Hồ Xuân Hương tại Nhà triển lãm Hội Mỹ thuật Việt Nam buộc phải gỡ một số tranh. Và thay vì kéo dài đến hết ngày 29-7, 2 họa sĩ thực hiện 25 bức tranh đã xin khép lại triển lãm sớm ngày 24-7.

Sáng tạo không có giới hạn, tuy nhiên bản lĩnh của người làm nghệ thuật chính là sự tỉnh táo trước những lằn ranh mong manh. Cái đẹp trong mắt mỗi người mang một định nghĩa khác nhau, tranh hay ảnh khỏa thân vốn luôn đi giữa hai chiều ý kiến và lằn ranh sáng tạo hay phản cảm, dung tục là rất đỗi mong manh. Cái tôi sáng tạo, cá tính người nghệ sĩ có thể biểu đạt bằng nhiều chất liệu, ngôn ngữ khác nhau nhưng không có nghĩa nhân danh sáng tạo mà quên mất những giá trị văn hóa, lịch sử. 

Nữ sĩ Hồ Xuân Hương có là danh nhân văn hóa thế giới hay không thì những bức tranh vẽ bà của 2 họa sĩ trên đã đi quá xa với bối cảnh văn hóa và thời đại. Trong những bài thơ của bà, hình tượng phụ nữ phá cách hay mạnh mẽ nhưng không hề ăn mặc buông tuồng như tranh. Hơn nữa, một phụ nữ sống trong bối cảnh chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo và văn hóa truyền thống lúc bấy giờ còn nặng tính lễ nghi thì hình ảnh một phụ nữ mặc như không mặc, gần như khỏa thân liệu có phù hợp thực tế bối cảnh thời đại? 

Nhìn xa hơn về trách nhiệm của người nghệ sĩ trong hành trình làm nghề sáng tạo; vai trò của cơ quan quản lý, kiểm duyệt cũng cần nghiêm túc nhìn nhận lại. Công tác thẩm định, kiểm duyệt tác phẩm triển lãm như thế nào, vì sao những bức tranh như vậy vẫn được triển lãm công khai? Những bức tranh, nhìn vào, chưa cần có “con mắt nhà nghề” cũng đã thấy được sự buông tuồng, dung tục đến mức phản cảm. Đó là chưa nói bố cục chưa chuẩn, tạo hình yếu và sai cả giải phẫu (tỷ lệ, đặc điểm, cấu trúc, hình khối và bộ phận của cơ thể con người).

Câu chuyện kiểm duyệt tranh thiếu giá trị thẩm mỹ, không phù hợp luôn là chủ đề có thể gây tranh cãi, nhưng không thể cứ để dư luận phản ứng đến đâu thì gỡ đến đó. Thị trường mỹ thuật muốn phát triển căn cơ, rất cần cơ chế quản lý phù hợp và định hướng lâu dài, trong đó, giải pháp để nâng cao nhận thức thẩm mỹ xã hội là vấn đề cần quan tâm, là nhiệm vụ của mỹ thuật. Có một tác phẩm đẹp thì cũng cần một lớp khán giả biết thưởng thức và cảm thụ được cái đẹp. Và một khi nhận thức thẩm mỹ của khán giả được nâng cao thì chắc chắn những sản phẩm phi nghệ thuật tự khắc sẽ bị đào thải.

Tin cùng chuyên mục